Bóng đá Anh: Đừng mơ sẽ có nhiều Harry Kane

26/03/2015 07:56 GMT+7 | Bóng đá Anh

(Thethaovanhoa.vn) - Chủ tịch Liên đoàn bóng đá Anh (FA) Greg Dyke đang mong muốn những tài năng nội địa như Harry Kane có thật nhiều đất diễn ở Premier League. Nhưng đấy không phải là nhiệm vụ dễ dàng, trước những áp lực ngắn hạn.

Việc Kane được gọi vào tuyển Anh cho hai trận quốc tế sắp tới bỗng chốc tạo ra những đề tài. Một trong số đó là ý tưởng của Greg Dyke yêu cầu các CLB ở Premier League tăng số lượng cầu thủ tự đào tạo, thay vì dành khoản tiền khổng lồ từ bản quyền truyền hình để mua sắm những ngoại binh.

Quyết tâm tăng số lượng nội binh

Theo thống kê, ở vòng bảng Champions League chỉ có 23 cầu thủ Anh được đăng ký, so với 78 người Tây Ban Nha, 55 người Đức và 51 người Brazil. Việc cả bốn CLB Premier League đều dừng bước trước vòng tứ kết cũng tạo ra sự chú ý nhất định.

Điều kiện dành cho các cầu thủ trẻ người Anh hiện diện ở các đội bóng Premier League vẫn không có gì thay đổi: Những người nằm trong độ tuổi từ 18 đến 21. Nhưng ông Dyke muốn nâng con số từ 8 lên 12 người. Hiện có hai luồng ý kiến trái ngược nhau về vấn đề này. Một số cho rằng những quy định như trên là cần thiết để tránh cuộc khủng hoảng tài năng trẻ, những người cần được tích lũy đủ kinh nghiệm ở đội một, trong khi một số khác lại có quan điểm ngược lại, đặc biệt là các đội bóng hàng đầu ở Premier League.

Sự khác biệt giữa Greg Dyke so với những vị chủ tịch tiền nhiệm khác là quyết tâm làm tới cùng của ông. Mọi thứ sẽ được kiểm chứng khi ông Dyke tham dự cuộc họp của đại diện 20 CLB Premier League. Đó là cuộc họp đầu tiên kể từ khi giám đốc điều hành Richard Scudamore công bố hợp đồng bản quyền truyền hình trị giá 5,1 tỷ bảng. Dyke quyết tâm thực hiện một cuộc cách mạng trong suốt nhiệm kỳ 4 năm của mình ở FA, nhất là sau khi đội tuyển Anh bị loại ở vòng bảng World Cup 2014.

Xung đột lợi ích ngắn hạn – dài hạn

Nhưng mọi chuyện không hề dễ dàng với ông. Dù đã chi ra 340 triệu bảng cho chương trình phát triển cầu thủ trẻ (EPPP), các CLB tỏ ra hững hờ với những quy định ngày càng thắt chặt hơn từ FA. Điều này theo họ sẽ ngăn cản cơ hội chiêu mộ những tài năng sáng giá nhất từ nước ngoài cho các học viện của mình. Các CLB tin rằng những quy định hiện tại của Premier League và UEFA là quá đủ.

Cả Scudamore lẫn giám đốc đào tạo trẻ của FA Ged Roddy đều hết lời khen ngợi những tiến triển từ ý tưởng của Greg Dyke. Nhưng việc các cầu thủ trẻ người Anh có chen chân vào đội một của các CLB hay không lại là chuyện khác.

Bất cứ ai dành thời gian để tham quan cơ sở vật chất của Chelsea hay Man City đều thấy rõ sự nghiêm túc của hai đội trong việc mang về những tài năng trẻ. Nhưng quá ít trong số họ được trao cơ hội ở đội một. Cân bằng lợi ích lâu dài với nhu cầu ngắn hạn của bóng đá Anh quả là một bài toán khó. Dyke cảnh báo rằng khoản tiền bản quyền 5 tỷ bảng có thể làm trầm trọng hóa vấn đề, thay vì giải quyết nó.

Hãy lấy ví dụ từ Chelsea. Jose Mourinho nói rằng đó là một thất bại nếu ông không thể đưa vào đội hình của mình một vài tài năng trưởng thành từ đội trẻ. Tuần trước Mourinho nhắc đến cơ hội dành cho Ruben Loftus-Cheek. Nhưng chẳng ai đảm bảo ông sẽ lại đi tìm giải pháp ngắn hạn từ nước ngoài. John Terry có thể tiếp tục trở thành cầu thủ tự đào tạo duy nhất được đá chính ở Chelsea.

Nhiệm vụ của Dyke: Muốn kế hoạch của mình thành công, ông phải trông cậy tới khoản tiền khổng lồ từ Premier League cũng như thiện ý từ các đội bóng.

12 Theo đề án của Dyke, số lượng cầu thủ tự đào tạo ở mỗi đội bóng tại Premier League sẽ nâng từ 8 lên 12 người.

23 Chỉ có vỏn vẹn 23 cầu thủ người Anh xuất hiện trong danh sách đăng ký của các đội bóng tại vòng bảng Champions League mùa này.

340 Dù đã đầu tư 340 triệu bảng cho chương trình đào tạo cầu thủ trẻ nội địa, Premier League vẫn là miền đất của các cầu thủ nước ngoài.


Đức Hùng
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm