'Happy New Year': Lời chúc sau bữa tiệc tàn

08/02/2016 03:00 GMT+7 | Âm nhạc

(Thethaovanhoa.vn) - Phải đến năm 1999, ca khúc Happy New Year của nhóm nhạc ABBA mới lần đầu tiên được phát hành ở dạng single nhưng trước đó gần 2 thập niên nó đã trở thành ca khúc được yêu thích khắp thế giới khi nằm trong album kinh điển, Super Trouper. 

Đã hơn 3 thập niên kể từ ngày ấy, Happy New Year vẫn là một nụ cười trên môi của hàng triệu người khi đồng hồ bắt đầu điểm khắc giao thừa…

Ba ơi, đừng xỉn…


Đúng ra Happy New Year không phải là Happy New Year nếu hai gã đàn ông của ABBA, Björn Ulvaeus và Benny Andersson, giữ ý định ban đầu đặt tên cho một sáng tác mới là: Dad, do not get drunk on Christmas (Ba ơi, đừng xỉn vào đêm Giáng sinh). Đó là tháng 2/1980. Cả hai người này, vào thời điểm đó, đều đang có tâm trạng. Cuộc hôn nhân của họ với 2 thành viên nữ còn lại của ABBA đang có vấn đề. Tệ hơn thế, cuộc hôn nhân giữa Björn Ulvaeus và Agnetha Fältskog (giọng nữ chính) đang đếm từng ngày trước phiên toà ly dị. ABBA lúc đó (đầu những năm 1980) còn là một thực thể thống nhất nhưng rệu rã bên trong. 

Nhưng kỳ lạ thay, chính những mầm mống của sự tan rã đã cho ra đời những ca khúc sâu lắng hơn, triết lý hơn, êm dịu hơn hẳn so với những bản “hit” rộn ràng làm mưa làm gió những năm cuối thập niên 1970. The Winner takes it all là một ví dụ rõ nhất (cũng nằm trong album Super Trpuper) và Happy New Year là một ví dụ thứ hai.


Ca khúc Happy New Year nằm trong album Super , một trong những album hay nhất của ABBA. Tuy vậy, nhìn vào bìa album có thể thấy bên cạnh sự hào nhoáng của không khí lễ hội là một dư vị buồn chán khi mỗi thành viên nhìn về một hướng

Björn Ulvaeus và Benny Andersson vừa trở về từ đảo Barbados (nằm ngoài khơi vịnh Caribbean) sau kỳ nghỉ và bàn bạc những dự án âm nhạc sắp tới. Ở đó họ đã gặp diễn viên hài kịch nổi tiếng John Cleese. Cả 3 cùng bàn bạc về một dự án nhạc kịch có tên The Meaning Of Life với cốt truyện kể về một nhóm người tụ tập nhau trong một căn phòng nhỏ đón mừng năm mới và cùng nhau bàn luận về cuộc sống, về ý nghĩa cuộc đời và một tương lai bất định phía trước. Họ đề nghị Cleese viết kịch bản nhưng cuối cùng Cleese bay về Los Angeles với lời nhắn từ chối. Benny và Björn rất buồn nhưng vẫn nuôi dự án này để rồi 3 năm sau thành công với vở nhạc kịch mang tên Chess. Nhưng ngay lúc đó, để hóa giải nỗi buồn trong một chuyến đi đúng ra để tìm niềm vui, cả hai bay về Thụy Điển, sửa lại tên một sáng tác mới và chuyển thành Happy New Year, “một bài hát gần với Giáng sinh nhưng cũng chẳng phải để đón mừng năm mới”, Benny Anderson sau này tâm sự.

Ngày 11/2/1980, Happy New Year được hát lần đầu với tiếng hát của Agnetha Fältskog tại phòng thu của hãng Polar, một huyền thoại đã ra đời.


Đúng ra ca khúc này được làm thành single chính thức để quảng bá cho album Super Trouper phát hành vào tháng 11/1980 nhưng phút cuối cùng ABBA đã chọn The Winner Takes it All Super Trouper là đĩa single chính thức còn Happy New Year chỉ được chọn làm single phát hành trong cộng động latin với tựa đề được dịch sang tiếng Tây Ban Nha, Felicidad và rất thành công.


Để xoa dịu fan, nhóm quyết định làm MV Happy New Year và phát hành trên sóng truyền hình. Thời điểm đó, ABBA rất ít khi đi lưu diễn, một phần vì nỗi sợ máy bay của Agnetha, phần khác vì cả nhóm cũng bắt đầu không thích lưu diễn, thế giới của họ là phòng thu và sau đó là cuộc sống cá nhân tách rời. Happy New Year được quay tại căn hộ của đạo diễn Lasse Hallstrom với bối cảnh như lời bài hát, một không khí tàn của bữa tiệc sau giao thừa. Tiệc xong, ai về nhà nấy…


Thời điểm đó MTV chưa ra đời nhưng hệ thống truyền hình cáp của châu Âu rất phát triển và ca khúc này nhanh chóng trở thành MV được phát nhiều nhất, cho dù thời điểm giao thừa đã qua vài tháng.


Dù không tồn tại ở dạng single vào năm 1980 nhưng Happy New Year đã xác lập ngay vị thế của mình ở dạng MV và rất nhanh chóng nó trở thành một bài “hit” toàn cầu và được đón chào trên toàn thế giới. Và ngạc nhiên hơn nữa, ai cũng xem đó là một bài hát đón mừng năm mới hay nhất mọi thời, dù ca từ của Happy New Year tràn đầy nỗi buồn và sự bất an.


Hơn 30 năm sau, Happy New Year vẫn là một ca khúc được hát nhiều nhất trong các dịp đón năm mới

Bữa tiệc tàn


Happy New Year chẳng lanh canh tiếng chuông Giáng sinh, cũng chẳng nghe rõ tiếng chạm cốc mừng Giao thừa. Chúc mừng năm mới chỉ là cái cớ để nói câu chuyện phía sau, cái dư vị đọng lại từ bữa tiệc đã kết thúc. Như lời Benny, “đó là một nụ cười cay đắng”.


Năm 1980, Happy New Year là dấu gạch ngang cho câu chuyện vinh quang và cay đắng của ABBA. Họ đang ở đỉnh cao và cũng là lúc báo hiệu kết thúc một cuộc vui. Lời bài hát phủ đầu những dấu hiệu âu lo ngay từ lúc mở đầu. “Champagne đã cạn và pháo hoa đã tàn. Nơi đây, anh và em tràn đầy nỗi lạc lõng và buồn bã”. Ở MV ca khúc này hiện lên cảnh Agnetha ngồi hát trên chiếc ghế sofa trong căn hộ ngổn ngang ly rượu, giấy trang trí và bóng bay. Còn Bjorn đứng quay lưng lại máy quay, nhìn ra ngoài cửa sổ. Đó là tâm trạng chán chường của cặp uyên ương không còn nồng ấm, một bữa tiệc giao thừa buồn bã và một tương lai bất định, đẫm màu bi quan. “Bữa tiệc đã kết thúc, bầu trời ban sớm dường như xám xịt, chẳng giống gì ngày hôm qua. Và bây giờ đã đến lúc chúng ta phải nói: Chúc mừng năm mới”. Câu chuyện được diễn trong tâm trạng uể oải, giọng Agnetha lạnh tưng nhưng nghe kỹ lại thấy bàng bạc nỗi buồn ẩn giấu. Câu “Chúc mừng năm mới” như một hiệu lệnh phải sống, phải đi tiếp nhưng chẳng biết đi đâu với một thực tại ngổn ngang.


Cũng đâu đó lóe lên những hy vọng kiểu người với người là bạn, khá giống với thông đẹp hòa bình trong ca khúc Imagine của John Lennon nhưng cũng lóe thêm đâu đó những triết ly hơi mỉa mai về cuộc sống tươi đẹp phía trước. “Đôi khi em nhìn thấy một thế giới mới tươi đẹp hiện lên, nó mọc lên từ trong đống tro tàn cuộc sống của chính chúng ta”. Cụm từ “A brave new world” vốn được lấy từ vở kịch The Tempest của Shakespeare nhưng ý nghĩa lại mang nhiều hoài nghi hơn.


Nhà soạn nhạc Benny Anderson sau này tiết lộ Happy New Year là một nụ cười cay đắng. Nhưng 3 thập niên qua, nụ cười ấy vẫn đem lại niềm vui cho nhiều thế hệ. Gần như chẳng ai quan tâm đến lời ca, họ quên đi những dư vị buồn chán, chỉ cần nhớ Happy New Year, chúc mừng năm mới và mọi khó khăn sẽ biến xa. Bài hát chỉ dài 4’:23’’ phút nhưng dư âm của nó đã kéo dài đến vô tận.


Bài hát được tái sinh vào năm 1999 trước thềm thiên niên kỉ. Một lần nữa Happy New Year tái xuất và là lần đầu tiên đứng đầu các bảng xếp hạng toàn cầu. Lần này ABBA không còn xuất hiện và Happy New Year như thể là một câu chuyện cũ nhưng chưa bao giờ được ngừng nhắc lại. Nụ cười vẫn ở phía trước.


Nguyên Minh
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm