16/05/2014 09:35 GMT+7 | Âm nhạc
Mỗi lời nhạc của ông về Trường Sa là một dòng cảm xúc, tuôn trào nhưng cô đọng, thăng hoa nhưng đầm thắm, da diết nhưng oai hùng. Để mỗi khi bất cứ ai cất lên lời ca, là hiển hiện một Trường Sa không còn xa xôi cách trở; dù gian khó bên đầu sóng ngọn gió, nhưng vẫn sừng sững hiên ngang và trìu mến lạ thường.
“Nặng tình” với Trường Sa
Có thể nói, Hình Phước Long là nhạc sĩ nặng tình với Trường Sa, cứ như chính ông được sinh ra là để giữ trọng trách của cuộc đời giao phó, sáng tác nhạc cho Trường Sa. Ông nghỉ hưu đã gần bốn năm. Hành trang còn lại của chặng đường mấy mươi năm hoạt động nghệ thuật của ông đến lúc này là gần 400 bài hát, trong đó có 18 ca khúc viết về Trường Sa.
Nhạc phẩm đầu tiên có tựa đề Gần lắm Trường Sa, viết năm 1982, cũng là bài hát ông tâm đắc nhất. Vì tác phẩm đã được công chúng lựa chọn suốt mấy mươi năm qua, giờ vẫn nằm lòng và thường mở đầu khi cất tiếng hát về mảnh đất thiêng liêng ấy. Rồi như một mạch trào của dòng cảm hứng bất tận, ông tiếp tục viết: Gặp anh trên đảo Sinh Tồn, Tiếng hát đảo Sơn ca, Vầng trăng nơi đảo xa, Tâm tình người lính Trường Sa, Lung linh hồn biển, Đêm trên đảo Thuyền Chài...
Như đã nói, mỗi nhạc phẩm của Hình Phước Long viết về Trường Sa, gửi gắm đến Trường Sa là một cảm hứng riêng, cấu tứ riêng, nhịp điệu riêng, chủ đề riêng biệt, không thể lẫn lộn ý tứ hay lời hát, ca từ nào. Nhưng bao trùm lên tất cả vẫn là tiếng lòng của ông về nơi sóng gió nghìn trùng, về những chiến sỹ luôn can trường ở tuyến đầu Tổ quốc. Thật khó có nhạc sĩ nào làm được điều đó. Ông xứng đáng để cuối năm 2012, vinh dự nhận “Huân chương lao động hạng Ba” của Chủ tịch nước tặng thưởng, vì đã có những thành tích xuất sắc trong công tác sáng tạo nghệ thuật, góp phần vào sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, mà ghi nhận lớn lao là những gì ông đã sống và viết, gửi gắm cho Trường Sa.
“Khi gần muôn dặm đường xa cũng gần”
Từng nghe ông nhắc đến hai câu thơ của mẹ trong lời ru thuở nằm nôi: “Khi xa sát vách cũng xa. Khi gần muôn dặm đường xa cũng gần” để nói về “cái tứ” chợt đến giúp ông có được nhạc phẩm Gần lắm Trường Sa. Nhưng có lẽ đó là một trong những nguyên cớ chính để ông luôn đau đáu với nỗi lòng hãy viết về Trường Sa.
Theo lời ông kể thì dạo đó là vào năm 1980, khi là cán bộ Phòng Văn hóa- Thông tin huyện Cam Ranh, tỉnh Phú Khánh (nay là thành phố Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa), ông được Lữ đoàn 146 - đơn vị bảo vệ quần đảo Trường Sa mời giúp làm chương trình dự hội diễn văn nghệ quần chúng của tỉnh. Ông được những người lính vừa từ đảo về kể chuyện cuộc sống nơi đảo xa, rồi được xem phim tài liệu. Khâm phục và cảm kích về những người lính ở tuyến đầu, ông tự nhủ lòng: Sẽ viết một bài hát về Trường Sa, nhưng ý tứ và cảm xúc vẫn chưa định hình, vì nào ông đã được đến Trường Sa!.
Hai năm sau, trong dịp dự trại sáng tác nhạc của tỉnh Phú Khánh, một chiều đạp xe trên đường Trần Phú, Nha Trang, nhạc sĩ Hình Phước Long trông thấy một cô gái đang hướng mắt về biển xa. Ông chợt hỏi, nếu có người yêu đang làm nhiệm vụ canh giữ Trường Sa, cô gái có nghe được tâm sự của người lính gửi về từ nghìn trùng cách trở? Và một tứ nhạc bật thành lời: “Không xa đâu Trường Sa ơi, vẫn gần bên anh vì Trường Sa luôn bên em”... Đêm đó, những ca từ dào dạt trong ông: “Chiều Nha Trang, sao bỗng bâng khuâng, như thấy anh đang sừng sững kiên trung giữa pháo đài giữ đảo”. Và ông đã hoàn thiện Gần lắm Trường Sa mà không phải chỉnh một nốt nhạc, một ca từ nào.
Đầu năm 2012, thật may mắn khi trên chuyến tàu chúng tôi ra thăm huyện đảo Trường Sa cũng có mặt ca sĩ Anh Đào, người đầu tiên được Hình Phước Long chọn để thể hiện ca khúc Gần lắm Trường Sa của ông. Và cũng từ đó, với chất giọng trữ tình, sâu lắng, Gần lắm Trường Sa theo mãi trên mọi nẻo đường ca hát của chị.
***
Những ngày tháng an hưởng tuổi già của nhạc sĩ Hình Phước Long khá bình yên trong ngôi nhà nhỏ ở thành phố biển Nha Trang cùng với gia đình, với niềm vui bên lồng chim, giàn hoa lá. Nhưng nói như ông, thì chắc chắn trĩu nặng trong lòng ông vẫn mãi còn hai tiếng gọi Trường Sa.
Phan Tiên Minh
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất