Kịch hình thể Hamlet: Cũng… lạ mắt!

26/10/2009 09:52 GMT+7 | Văn hoá

(TT&VH) - Tối 23/10, vở kịch hình thể Hamlet của Nhà hát Tuổi trẻ đã trở thành vở diễn đại diện cho múi giờ thứ 7 trên thế giới tham dự Ngày Shapkespeare toàn cầu 2009 - ngày mà hàng loạt nhà hát trên thế giới cùng biểu diễn kịch Shakespeare để tôn vinh kịch tác gia vĩ đại này.

Cắt bỏ hoàn toàn lời thoại, khán giả xem Hamlet của kịch Tuổi trẻ phải tập trung tối đa để cảm nhận câu chuyện qua cặp mắt mình. Sân khấu trang trí khá đơn giản với những chiếc thang dây cuốn. Và, 60 phút của vở kịch hình thể Hamlet diễn ra dưới một chiếc thập giá được treo cao và trùm kín bằng vải. Sự u ám ngột ngạt trong không gian xảy ra câu chuyện - điều luôn được nhấn mạnh trong kịch bản - đã được đạo diễn NSND Lan Hương hình tượng hóa bằng chiếc thập giá ấy.


Một cảnh trong vở diễn

Không có lời thoại nếu tập tung, người xem cũng có thể cảm nhận được nội dung câu chuyện. Hoàng tử Hamlet gặp cảnh ngộ éo le: Vua cha vừa chết thì mẹ chàng tái giá, lấy Claudius chú ruột. Hồn ma của vua cha hiện về báo mộng, muốn Hamlet phải trả thù khiến lòng chàng đầy căm phẫn. Tình yêu với nàng Ophelia tan vỡ và dẫn tới cái chết đau đớn của người yêu, Hamlet phải trả giá bằng tính mạng để tìm ra sự thật, rồi ngã xuống trong một sân khấu ngổn ngang xác người...

Và, cũng từ đặc trưng của kịch hình thể, câu chuyện về chàng hoàng tử Đan Mạch đã được khái quát và hình tượng hóa qua những màn diễn không lời, trên nền nhạc. Từ khi Hamlet căm phẫn, đau đớn vì sự phản bội của chú ruột cho tới lúc chàng trả giá bằng tính mạng để tìm ra sự thật và ngã xuống, các diễn viên trong vở diễn đã xử lý câu chuyện bằng những lớp vũ đạo khác nhau: “đi” bằng nghệ thuật kịch câm, “đau đớn, vật vã “bằng nghệ thuật tuồng, bay bổng lãng mạn trên nền tảng kỹ thuật của ballet. Tất nhiên, trong điều kiện của kịch hình thể Việt Nam, các diễn viên tham gia Hamlet chưa thể thuyết phục khán giả bằng sự điêu luyện, dứt khoát, gợi cảm với những màn “nghệ thuật tổng hợp” này. Bù lại, màu sắc và âm điệu của vở diễn được triển khai khá đúng với tính cách của đạo diễn Lan Hương: lãng mạn, tình cảm, không quá thiên về sự dữ dội bạo liệt vốn là chất liệu chính trong kịch bản.

Khó có thể khen, chê nếu nhìn Hamlet của NSND Lan Hương với cách nhìn về một vở bi kịch cổ điển được dàn dựng cho kịch nói (như trường hợp vở Hamlet của Nhà hát kịch Hà Nội năm 2007). Ấn tượng lớn nhất đọng lại ở người xem có lẽ là lời nhận xét “cũng lạ”- cho dù chỉ là lạ trong bối cảnh sân khấu của chúng ta, vì trên thế giới, Hamlet đã được dàn dựng cho đủ loại hình sân khấu, nhạc kịch hay ballet rồi...

Minh Châu

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm