01/10/2024 18:20 GMT+7 | Văn hoá
Cuộc triển lãm Dấu thiêng của Chu Nhật Quang vào ngày 5/10 tới đây không chỉ gây chú ý vì được đặt trong không gian cổ kính của Di sản Thế giới Hoàng thành Thăng Long (Hà Nội). Xa hơn, nó còn gắn với chặng đường tìm tòi, thử nghiệm của một chàng họa sĩ trẻ với những bức tranh sơn mài khổ lớn - trong đó có bức nặng ngót nghét 500kg…
Như lời kể, từ một lần đặt chân tới Hoàng thành Thăng Long, Quang đã sớm bị "hút hồn" bởi vẻ đẹp đặc thù, cũng như những lớp địa tầng văn hóa - lịch sử gắn kèm không gian này. Để rồi, sau rất nhiều nỗ lực ước nguyện của anh về việc tổ chức một triển lãm tại đây cũng thành hiện thực.
Vượt qua "giới hạn" của sơn mài
Trước Chu Nhật Quang, hiếm có họa sĩ nào tổ chức trưng bày tranh tại Hoàng thành Thăng Long - khi nơi này không có phòng chuyên biệt để treo tác phẩm, đồng thời không gian quá rộng cũng dễ khiến người xem phân tán.
Nhưng, triển lãm đầu tay của chàng trai 29 tuổi này thì khác. Tại triển lãm Dấu thiêng (Trung tâm Bảo tồn Di sản Thăng Long - Hà Nội và Công ty cổ phần Sở giao dịch hàng hóa Việt Nam Toàn cầu (VIETCOM) tổ chức), 52 bức tranh sơn mài của anh sẽ được đặt luôn ngoài trời trong khoảng thời gian từ 5 đến 15/10 với những tính toán nhất định để có sự ăn nhập và tương tác cùng vẻ trầm mặc của không gian trưng bày.
Thực tế, đây là điều cũng hiếm gặp: Đa phần các tác phẩm sơn mài trước đây vẫn luôn được trưng bày trong phòng kín với điều kiện chiếu sáng tiêu chuẩn, giúp làm nổi bật vẻ lung linh, kỳ ảo của chất liệu sơn mài truyền thống.
"Tôi đã thử nghiệm và có những giải pháp xử lý để tranh sơn mài của mình có thể trưng bày ngoài trời mà vẫn thể hiện được đầy đủ vẻ đẹp và chiều sâu vốn có. Tất cả hãy cùng chờ tới ngày khai mạc" - Nhật Quang nói về cuộc triển lãm ngoài trời của mình - "Hy vọng, cách trưng bày này sẽ giúp người xem sẽ có một cái nhìn chân thực, mộc mạc nhất về tranh sơn mài".
Ở góc độ khác, kỹ thuật sáng tạo những bức tranh sơn mài với kích cỡ rất lớn như Quang cũng là một câu chuyện thú vị. Như lời anh, những bức tranh sơn mài vẽ theo cách truyền thống thường bị giới hạn về khổ. Sử dụng cốt gỗ đặc thù, tranh càng to sẽ càng nặng và khiến họa sĩ gặp khó khăn khi nâng hàng trăm kg để thực hiện bọc vải, bồi sơn và cả chục công đoạn chế tác khác. Còn nếu ghép lại từ nhiều tấm gỗ, các vết ghép trên bức tranh lớn sẽ làm giảm tính thẩm mỹ và không thể đạt tới hiệu quả tối ưu.
"Giới hạn về khổ là điều tôi bắt buộc phải vượt qua cho những ý tưởng của mình. Đó cũng là một cuộc thử nghiệm rất dài - để rồi đến giờ, có thể tạm coi cách làm vóc (cốt gỗ) sơn mài khổ lớn được tìm ra là điều khiến tôi tự hào nhất" - họa sĩ nói thêm - "Tất nhiên, đã là thử nghiệm, tôi không ngại lắng nghe mọi ý kiến khen chê. Những lời phê bình hoặc chỉ dạy chân thành sẽ giúp một người trẻ như tôi hoàn thiện".
Tại Dấu thiêng, 52 tác phẩm trưng bày được chia làm 4 chủ đề chính. Mở đầu là Khởi - 14 tranh sơn mài về tĩnh vật. Đây cũng là ký ức của anh về thời gian học làm gốm, với sự chiêm nghiệm để khám phá ra nét tinh tế và vẻ đẹp thẩm mỹ trong từng hình dạng giản dị nhưng ý nghĩa.
Tiếp đó, Cội gồm 17 bức tranh mở ra hành trình khám phá những di sản văn hóa như Hoàng thành Thăng Long, tháp Rùa, chùa Một Cột, chùa Thầy... Riêng ở hình tượng mẹ Âu Cơ và nghệ thuật múa rối nước, họa sĩ gợi câu chuyện về nguồn gốc thiêng liêng và sự hy sinh thầm lặng của những người nông dân - vốn cũng là chủ thể nuôi dưỡng và giữ gìn văn hóa lâu đời - kèm theo suy tư về nguy cơ mai một của nghệ thuật dân gian.
Còn lại, Linh (9 bức tranh) tiếp tục là sự hoài niệm về văn hóa và di sản, với chất triết lý và tâm linh, phản ánh khát vọng tìm kiếm chân lý và hoàn thiện bản thân. Nôi (12 tranh) gợi lên ký ức về những biểu tượng văn hóa đặc trưng của người nông dân, cũng như thông điệp về sự hòa hợp giữa con người với thiên nhiên, về hy vọng duy trì những giá trị truyền thốngcủa dân tộc qua nhiều thế hệ…
"Hướng về truyền thống bằng tiếng nói của thời đại mình"
Quang là cháu nội của họa sĩ - nghệ nhânChu Mạnh Chấn, vốn rất nổi tiếng với những bức tranh sơn mài về phong cảnh đồng bằng Bắc Bộ. Bố anh, NSƯT Chu Lượng (nguyên Giám đốc Nhà hát múa rối Thăng Long) lại dành cả sự nghiệp cho múa rối - và ở đó, kỹ thuật sơn mài cũng được ông đưa vào như một phần quan trọng trong việc chế tác thế giới những quân rối của mình.
Lớn lên trong một gia đình nghệ thuật, với không gian sống đặc thù - nơi mà theo lời Quang, mùi sơn ta đã trở nên quen thuộc từ khi anh lẫm chẫm biết đi -tưởng như chàng trai này đến với hội họa là tất yếu. Nhưng mọi chuyện không giản đơn như vậy. Với 7 năm học về mỹ thuật tại Mỹ, Quang từng trải qua những giai đoạn mà người trong nghề gọi bằng "tìm đường".
"Tôi biết Quang từ lúc nhỏ. Anh du học và được và tiếp xúc với nhiều trường phái, nhiều tư duy nghệ thuật hiện đại ở độ tuổi còn rất trẻ. Rồi khi Quang về nước, đời sống mỹ thuật tại Việt Nam cũng đã thay đổi nhiều, với sự tràn ngập của các khuynh hướng, các xu thế khác nhau" - nhà văn Nguyễn Quang Thiều, bạn thân của NSƯT Chu Lượng, kể - "Đó là thuận lợi, nhưng cũng là những thách thức lớn về sự chọn lựa để xác lập bản sắc và cá tính của một nghệ sĩ".
Như lời nhà vănNguyễn Quang Thiều, Quang từng sáng tác một số tác phẩm rất "hiện đại". Nhưng ở đó, ông vẫn có cảm giác anh không tìm thấy con người mình. Để rồi, cũng tới lúc anh nhận ra điều ấy và tự thay đổi, khi tìm tới chất liệu sơn mài truyền thống."Khi đại dịch Covid-19 xảy đến, nhiều dự định công việc của tôi bị gián đoạn. Bù lại, trong quãng thời gian này, tôi có điều kiện tìm hiểu chuyên sâu, bài bản và chính quy về nghệ thuật sơn mài" - Quang kể.
Ai cũng rõ, tranh sơn mài không chỉ là câu chuyện của nét vẽ hay tư duy. Đó còn là lĩnh vực còn đòi hỏi sự kiên nhẫn và sáng tạo khi gắn với một chất liệu vốn được chế tác rất công phu. Và thực tế, trong quá trình sáng tác, Chu Nhật Quang đã có dịp thử nghiệm nhiều công nghệ và tri thức từng được học ở Mỹ để tạo ra những màu sắc mới, cũng như kết cấu của tranh sơn mài khổ lớn.
Cũng khó bỏ qua một câu chuyện khác: Sơn mài luôn là cuộc chơi tốn kém, đặc biệt là với những bức tranh khổ lớn như Quang đang thực hiện. Bên cạnh khoản tiền tiết kiệm cá nhân, hẳn anh cũng không dễ sớm tổ chức cuộc triển lãm này nếu thiếu sự đồng cảm và khuyến khích từ gia đình.
"Nhiều người hỏi tôi, triển lãm này có tốn kém không? Thẳng thắn là rất tốn kém. Tôi có một chút chắt chiu, định mua tặng Quang một chiếc ô tô để đi làm, nhưng dự định ấy đã dừng lại để dồn tất cả cho triển lãm này" - NSƯT Chu Lượng chia sẻ chân tình.
Ông tâm sự tiếp: "Đó là chuyện bình thường, bởi tôi vẫn nói với cháu: Nghệ thuật, đặc biệt là nghệ thuật gắn với truyền thống, phải hướng về cội nguồn, về cái đẹp và sự cao cả. Hãy cố gắng tự thanh lọc mình, gác lại những bận tâm khác, để cả đời hướng về nghệ thuật bằng một tâm hồn đẹp đẽ".
Còn như lời nhà văn Nguyễn Quang Thiều, với những gì đang có, Quang cho thấy điểm sáng của một người trẻ: Biết tiếp nhận xu thế hiện đại của thế giới để đưa vào một lĩnh vực truyền thống như tranh sơn mài, với những đề tài cũng gợi ở về văn hóa dân tộc.
"Đó là điều tôi mong được thấy ở những người sáng tạo trẻ" - nhà văn nói - "Họ không bao giờ rời bỏ dân tộc và nguồn cội, nhưng cũng rất biết cách cất tiếng nói của thời đại mình".
"Từ góc nhìn của một người làm nghề sử, tôi cảm nhận được khát vọng đổi mới trong tranh sơn mài của Chu Nhật Quang. Anh đã dấn thân vào việc làm mới nghệ thuật truyền thống của cha ông, trải qua nhiều thử thách và tìm tòi cách để phát triển" - nhà sử học Dương Trung Quốc.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất