11/08/2020 11:00 GMT+7 | Giải Bùi Xuân Phái
(Thethaovanhoa.vn) - “Có những người bạn quốc tế nói với tôi: Những đạo sắc phong của Việt Nam có giá trị và ý nghĩa không kém gì lịch sử phong thần của Hy Lạp. Điều này nên để các chuyên gia đánh giá. Còn với tôi, đó đơn giản là “file gốc”, là căn cước tạo nên bản sắc của một nền văn hóa Việt” – nhà thơ Nguyễn Quang Thiều bắt đầu câu chuyện.
Ngày 8/8 vừa qua, cùng với các thành viên của nhóm Nhân sĩ Hà Đông, ông Thiều đã có chuyến đi tới thôn Hạ, xã Phùng Xá (Mỹ Đức, Hà Nội) để dâng tặng lại cho địa phương 11 đạo sắc phong cổ từng bị thất lạc. Công việc ấy đã được họ thực hiện đều đặn trong 5 năm qua, tại các địa phương thuộc Hà Nội và cả những tỉnh xung quanh.
Di sản đặc biệt
Nhóm Nhân sĩ Hà Đông có các tên tuổi như nhà thơ Nguyễn Quang Thiều (Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam), ông Trịnh Hữu Sỹ, nhà thơ Lương Tử Đức, họa sĩ Hoàng A Sáng, NSƯT Chu Lượng, doanh nhân Đỗ Văn Hiểu... - những gương mặt đã quen thân và sinh hoạt với nhau từ khá lâu. Một ngày năm 2015, trong câu chuyện vui, các thành viên tình cờ nhắc tới những bản sắc phong cổ mà tác giả Trịnh Hữu Sỹ đang lưu giữ. Là người yêu văn hóa truyền thống, dù chưa có dịp hiểu cặn kẽ về chúng, ông Sỹ đã sớm có ý thức sưu tầm, góp nhặt các sắc phong vốn đang trôi nổi trên thị trường với suy nghĩ đơn giản: Đó là những cổ vật gắn với văn hóa Việt và không nên để chúng bị bán ra nước ngoài.
Cần nhắc lại, sắc phong (thường làm từ giấy) là những “văn bản” cổ xuất hiện sớm nhất từ thế kỷ 15, được xác nhận bằng ấn triện của triều đình, có nội dung biểu thị sự tôn vinh một số nhân vật lịch sử tại các địa phương (thường là thành hoàng làng). Nói cách khác, đó là “quyết định” từ nhà nước phong kiến, cho phép mỗi địa phương chính thức tôn thờ những vị thần bản địa của mình.
“Khi còn nhỏ, vào ngày hội làng, tôi vẫn nhớ mãi cảnh các cụ trân trọng rước các đạo sắc phong từ hậu cung ra làm lễ và dâng hương” - nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nói thêm - “Có nghĩa, đó là hiện vật mang tính biểu trưng cho truyền thống của cả một cộng đồng dân cư trong từng làng xã. Chúng tôi bảo nhau: Phải dịch nghĩa, tra xuất xứ, rồi tìm cách trao lại cho chính chủ thôi”.
Để rồi, khi vào việc, nhóm Nhân sĩ Hà Đông mới hiểu rõ: Việc tìm trao lại những đạo sắc phong này không đơn giản như suy nghĩ ban đầu. Dù đã nhờ các chuyên gia Hán Nôm dịch nghĩa và tra cứu, rất nhiều làng, xã, tổng... được nhắc tới tại các sắc phong đã biến đổi về tên gọi hay địa chí theo thời gian, thậm chí gần như xa lạ trên thực tế.
Nhưng ở hướng ngược lại, quá trình tìm hiểu ấy cũng giúp họ hiểu thêm: Sắc phong là di sản vô cùng quý giá, thể hiện sự gắn kết của mỗi làng, xã với khi xưa. Đặc biệt, di sản ấy cũng là niềm tự hào của mỗi làng xã, khi hầu hết những người được vua phong thần thông qua sắc phong đã được người dân thờ cúng như một vị thần và trở thành biểu trưng cho truyền thống của mỗi cộng đồng.
Bởi thế, ngoài nguồn sắc phong trong bộ sưu tập của tác giả Trịnh Hữu Sỹ, nhóm Nhân sĩ Hà Đông cũng chủ động tìm kiếm và sưu tập những đạo sắc phong đang trôi nổi trên thị trường để trao lại sau này. Thông qua bạn bè và mạng xã hội, họ đưa ra lời kêu gọi: Những ai lưu giữ các đạo sắc phong cổ, nếu có tấm lòng thì xin chuyển lại cho nhóm để trao về chính chủ. Trường hợp đã trót bỏ tiền ra để sở hữu, chủ nhân cũng có thể báo cho nhóm biết để tìm cách mua lại.
Và hành trình đặc biệt
Vài năm qua, những lời kêu gọi ấy cũng đã phát huy hiệu quả bước đầu: Một số người tặng hoặc bán lại cho nhóm những đạo sắc phong từng có với mức giá hữu nghị. Để rồi, theo thời gian, tổng cộng số đạo sắc phong mà Nhân sĩ Hà Đông từng lưu giữ lên tới con số hơn 200.
“Có những người - điển hình là họa sĩ Lê Thiết Cương - tặng cho chúng tôi những đạo sắc phong của mình, kèm theo lời chia sẻ chân thành rằng họ từng sưu tầm và lưu giữ chỉ vì chúng rất đẹp” - ông Thiều kể - “Ngược lại, có người ra giá rất đắt vì nghĩ gặp được “khách sộp”. Chúng tôi chỉ còn cách gắng thỏa thuận để lấy giá gốc, trường hợp căng quá thì đành nghiến răng mua. Xin phép không nói cụ thể, nhưng có những đạo sắc phong chúng tôi phải mua tới hàng chục triệu đồng”.
Ngoài chuyện tự bỏ kinh phí, mỗi người trong nhóm Nhân sĩ Hà Đông đều có công việc riêng. Dù vậy, đều đặn, trong 5 năm kể từ 2015 đến nay, họ vẫn lần lượt tìm kiếm và dâng tặng lại khoảng 150 đạo sắc phong cho các địa phương, trong đó có trên 80 đạo sắc phong cho các đình, đền... tại Hà Nội. Có nơi may mắn nhận về cả chục đạo, và có nơi ít hơn, nhưng điểm chung của những lần dâng tặng ấy vẫn là sự hân hoan và xúc động đặc biệt từ cộng đồng.
“Tôi chỉ có thể dùng từ thiêng liêng và kính cẩn để nói về câu chuyện này. Mỗi lần dâng tặng lại sắc phong là một ngày hội thực sự của địa phương” - nhà thơ Nguyễn Quang Thiều nói - “Ở đó, lần lượt, người già, trẻ em, đại diện Đảng bộ, chính quyền cơ sở... đều háo hức và muốn được lên chia sẻ tâm tư của mình trong ngày đặc biệt. Tôi hiểu, họ ý thức được giá trị của những đạo sắc phong, và từ lâu đã chờ đợi cơ hội chúng trở lại với mình”.
Ông Thiều nhớ nhất một lần dâng tặng lại sắc phong cho một xã tại Ứng Hòa. Các phụ lão địa phương dẫn nhóm Nhân sĩ Hà Đông vào gian thờ rồi chia sẻ rất thật: “Làng chúng tôi giàu, đồ thờ đồ lễ không thiếu gì như các bác thấy. Nhưng nhiều năm qua, vì mất đi sắc phong, làng chúng tôi vẫn như cái xác rỗng mất hồn. Bây giờ, phần hồn ấy mới có dịp tìm về”.
Rồi, lần khác, khi dâng tặng lại sắc phong cho một làng tại Đan Phượng, nhóm Nhân sĩ Hà Đông không muốn tổ chức lễ trao trả quá long trọng vì thấy địa phương khá nghèo nên chỉ nhắn đại diện qua tiếp nhận. Vậy nhưng, đoàn đại diện địa phương này vẫn tìm đến, với sự trịnh trọng và nhiệt tình khiến anh em phải lúng túng: Các cụ phụ lão mặc áo dài khăn xếp, làm hẳn một chiếc rương sơn son thếp vàng để đựng sắc phong, trong khi đó toàn bộ người dân đã chờ sẵn ở đình làng để đợi rước di sản bị thất lạc trở về...
Lần lượt, Đông Anh, Gia Lâm, Hoài Đức, Đan Phượng, Sơn Tây, Ứng Hòa.... - gần như toàn bộ các địa phương quanh Hà Nội đều có những di tích được nhóm Nhân sĩ Hà Đông dâng tặng lại sắc phong. Như lời kể của ông Thiều, điều khiến ông xúc động là rất nhiều người - quen hoặc không quen - đã liên hệ với nhóm để đề nghị được hỗ trợ về kinh phí, hoặc góp sức vào công việc của họ trong khả năng của mình.
“Có cả những bạn rất trẻ ở độ tuổi dưới 30 nhưng cũng liên lạc, chia sẻ và nhờ chúng tôi có dịp tìm lại những đạo sắc phong đã mất cho làng” - ông kể - “Từ câu chuyện ấy, tôi hiểu thêm một điều: Nếu biết cách tiếp cận và khơi dậy tình cảm với văn hóa truyền thống từ giới trẻ, họ sẽ ủng hộ và đồng hành với chúng ta trên lộ trình bảo lưu bản sắc dân tộc mình”.
Hành trình dâng tặng lại các đạo sắc phong cổ của nhóm Nhân sĩ Hà Đông đã được đề cử ở hạng mục giải Việc làm của Giải Bùi Xuân Phái – Vì tình yêu Hà Nội lần 13- 2020 do báo Thể thao &Văn hóa (TTXVN) tổ chức. Lễ trao giải sẽ diễn ra trong thời gian tới. |
Cúc Đường
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất