Hành trình đến Tây Tạng

18/12/2015 20:18 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Chúng tôi lên ô-tô sang cửa khẩu Hữu Nghị để nhập cảnh, đi đường bộ sang Nam Ninh để lại tiếp tục bay đến Trùng Khánh và dần tiến tới đích là Tây Tạng thiêng liêng - một chuyến đi mà tôi sẽ nhớ mãi…

Trên đường đi, mọi thứ đều rất suôn sẻ. Chị hướng dẫn viên ở Nam Ninh rất thạo tiếng Việt vì đã từng sang học tiếng Việt và được sống cùng một gia đình Việt Nam! Chị say sưa kể về các sản phẩm cũng như con người Quảng Tây. Rằng ở đây có một dân tộc rất đặc biệt. Họ muốn sinh đẻ bao nhiêu cũng được và mỗi một đứa con đều được Nhà nước trợ cấp một khoản tiền từ khi lọt lòng. Họ chính là người sản xuất ra An cung Ngưu hoàng hoàn. Vì thế họ rất giàu có và toàn sống trong các khu biệt thự đắt tiền.

Thấm thoát đã đến sân bay, chúng tôi làm thủ tục và chụp ảnh kỷ niệm và bắt đầu chặng bay đầu tiên của hành trình: Nam Ninh - Trùng Khánh...

Ngày thứ hai, chúng tôi dậy sớm, lục tục kéo nhau xuống ăn sáng ở khách sạn tại Trùng Khánh. Ở đây, ngày chúng tôi đến, không khí mát mẻ dễ chịu. Tôi yêu thích Trùng Khánh cũng bởi nhiều lẽ, không chỉ bởi nó có vẻ đẹp rất riêng của những con đường uốn cong chạy dọc bờ sông, những cây cầu vượt hai tầng thoáng rộng, mà còn bởi những tòa nhà nhấp nhô được quy hoạch đủ để vẫn thông thoáng, mà vẫn đảm bảo cho lượng dân cư lớn có thể sống tại đây...

Trùng Khánh, không lung linh về đêm như Thượng Hải, không bụi bặm, ô nhiễm như Bắc Kinh, không ồn ã sầm uất như Quảng Châu, mà thanh bình, vững chãi, mà gần với thiên nhiên nhưng vẫn giữ được một nét hiện đại làm người ta có cảm giác được sống trong một thành phố trẻ, đầy năng động.


Du khách chụp ảnh trước cung điện Potala - một trong những nơi linh thiêng cần phải đến của Tibet

Ngồi ngắm đường phố qua tấm kính chắn, tôi tự dưng thấy lòng nhẹ nhõm... Chỉ qua ngày hôm nay, đến ngày mai tôi sẽ được đến với Tây Tạng linh thiêng rồi...

Ngày thứ ba, sau khi trả phòng, chúng tôi ai nấy hồ hởi kéo va-li lên ô-tô và ra sân bay đi Tây Tạng.

Bay được một lúc đột nhiên hiện ra trước mặt tôi những mỏm núi tuyết thấp thoáng. Tôi như không tin vào mắt mình nữa. Lúc đầu tôi tưởng mây, hóa ra máy bay bắt đầu bay qua dãy Himalaya. Tôi cứ mở to mắt ra mà ngắm nhìn, mà thảng thốt với một vẻ đẹp hùng vĩ của thiên nhiên. Một tay chụp ảnh, một tay ghi lại những cảm xúc trong trái tim...

Những rặng núi tuyết trùng trùng điệp điệp nhấp nhô phía bên dưới máy bay. Từng tầng mây xốp trắng như bông giống hệt trong chuyện cổ tích. Những nhánh sông nhỏ ngoằn ngoèo chảy qua khe núi...

Máy bay đã hạ cánh an toàn trong sân bay nằm giữa những ngọn núi trùng điệp. Nhiệt độ bên ngoài lúc này khoảng mười mấy độ và có nắng. Mặc dù đã được dặn trước là hạn chế nói chuyện và chân đi chậm, lê như sên cho quen với áp lực không khí loãng trên này nhưng mọi người vẫn chưa cảm nhận hết được nó cho đến khi đi vào ống máy bay. Ai nấy dường như cũng khựng lại vì một cảm giác chuếnh choáng khó tả. Hít thở có vẻ khó khăn...

Mọi người chỉ nhìn nhau, lê từng bước chậm chạp, cách mấy mét lại ngồi nghỉ rồi lại đứng dậy chậm chạp bước tiếp. Những nhân viên đón tiếp ở cửa ra rất tươi cười, niềm nở. Họ mặc chiếc áo khoác dạ dài và làn da rất trắng. Tôi mỉm cười đáp lễ rất tươi tắn với họ, nhưng khi quay sang nhìn mẹ và mọi người trong đoàn thì thật kỳ lạ, da ai cũng trắng bệch và môi thâm sì. May mà tôi đánh son đỏ chót, không thì chắc trông cũng thê thảm giống họ mà thôi.

Sân bay mà chúng tôi hạ cánh chính là sân bay quốc tế Lhasa. Đón chúng tôi, theo phong tục Tạng, mỗi người được tặng một chiếc khăn trắng ban phước quàng vào cổ.

Từ sân bay đến trung tâm thành phố khoảng 60 km tương đương 1 giờ di chuyển. Ở đây, chúng tôi có thể nhìn thấy những lá cờ cầu nguyện nhiều màu sắc, mỗi màu tượng trưng cho một loại: lửa, bầu trời... Người Tây Tạng tin rằng các lời nguyện cầu và thần chú sẽ được thổi tới các cung trời như là những vật phẩm cúng dường tới các hộ thần của họ và đem lại thật nhiều lợi lạc cho những ai treo cờ, cho hàng xóm của họ và cho tất cả chúng sinh, thậm chí là các loài chim bay trên trời.

Tuy nhiên, nếu cờ được treo sai ngày, chúng sẽ chỉ đem lại những kết quả tiêu cực. Và càng được treo lâu thì chướng ngại được sinh ra sẽ lớn hơn. Cờ cũ được thay bởi cờ mới thường niên vào Tết của người Tạng.

Mùa này Tây Tạng không có mưa, những con sông khô cạn. Người Tạng không ăn cá vì cá sống ở sông hồ mà những nơi đó lại nhận cát của mạn đà la sau khi xóa đổ xuống.

Nhiệt độ nơi đây dao động rất lớn, từ khoảng 20 độ C vào ban ngày xuống -2 độ C vào ban đêm. Ban ngày có nắng, có gió, nhưng đứng trong nắng thì ấm, trong râm vẫn lạnh. Đến trưa thì ấm, nhưng mà phải thường xuyên bôi kem dưỡng da và chống nắng để da đỡ khô, nứt nẻ. Đặc sản ở đây là trâu lùm và trà bơ theo những gì tôi được biết. Sau này tôi cũng tranh thủ thưởng thức và mua về làm quà cho mọi người trong phòng.

(Còn nữa)

Thủ tục xin giấy phép vào Tây Tạng thường phải làm trước nhiều tháng. Mỗi năm, Giáo hội Phật giáo Việt Nam chỉ tổ chức 1 chuyến tới Tây Tạng. Chương trình năm 2016 sẽ kéo dài từ 25/4 - 2/5/2016.

Diệu Hảo
Thể thao & Văn hóa Cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm