17/09/2015 13:08 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Việc hàng chục thí sinh trúng tuyển vào đại học Sư phạm Huế (Đại học Huế), để rồi lại bị đánh trượt vì không "chuẩn" hạnh kiểm đang thu hút sự quan tâm của dư luận với những quan điểm khác nhau.
Cụ thể, theo tiêu chí đã được các trường sư phạm trên cả nước cùng ban hành từ 2014, thí sinh trúng tuyển vào chuyên ngành này phải đạt mức hạnh kiểm từ loại khá trở lên trong các năm học cấp 3. Và, sự cố tại trường ĐH Sư phạm Huế đến từ 2 phía: việc không rà soát kỹ hồ sơ của nhà trường (nên gửi giấy báo cho các em đủ điểm trúng tuyển) lẫn việc không... đọc kỹ tiêu chí của các thí sinh dự thi.
Tuy nhiên, bỏ qua chuyện sai sót, một câu hỏi được Thể thao & Văn hóa (TTXVN) đặt ra với các chuyên gia giáo dục: việc căn cứ vào xếp hạng hạnh kiểm trong 3 năm học đã đủ chính xác và thuyết phục để "tuyển chọn" đạo đức của thí sinh?
PGS Văn Như Cương: Băn khoăn, dù đúng về lý
Tôi hiểu cách đặt tiêu chí về hạnh kiểm của các trường sư phạm. Là ngành đào tạo đặc thù, nghề giáo luôn cần chọn những học sinh đạt phẩm chất đạo đức tốt, cũng như sớm xác định cho các em những yêu cầu đặc biệt về quy chuẩn này. Và, khi chúng ta chỉ có duy nhất bảng xếp hạng hạnh kiểm trên ghế nhà trường của các học sinh để làm cơ sở đánh giá, thì tất nhiên những em không đạt hạnh kiểm khá, tốt sẽ là đối tượng không đủ tiêu chuẩn.
Hiểu vậy, nhưng tôi lại vô cùng băn khoăn, bởi cách chấm điểm "hạnh kiểm" trên ghế nhà trường của chúng ta hiện vẫn chưa có những tiêu chí cụ thể. Bao nhiêu lần bỏ học, không làm bài, nói chuyện riêng... thì một học sinh sẽ bị xếp mức hạnh kiểm trung bình hoặc thấp hơn? Những điều ấy chưa được chính thức đặt ra để thảo luận, lấy ý kiến, chứ chưa nói tới việc "chuẩn hóa" bằng văn bản.
Đánh giá về đạo đức của một con người là việc khó và nên thận trọng. Ở độ tuổi vị thành niên, việc phạm sai lầm trong cách nghĩ, hoặc đơn giản hơn là sự nghịch ngợm, bồng bột, xốc nổi... là chuyện rất phổ biến. Đồng ý rằng với nghề giáo, chúng ta nên loại bỏ những thí sinh có đạo đức kém ngay từ đầu. Nhưng, việc thế nào là đạo đức "đủ" kém thì lại đang phụ thuộc vào cách nhìn và quan điểm cá nhân của từng giáo viên.
TS Nguyễn Tùng Lâm: Không quốc gia nào trên thế giới còn xếp loại hạnh kiểm
TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý Giáo dục Hà Nội, Hiệu trưởng trường THPT dân lập Đinh Tiên Hoàng, ngôi trường vẫn được mệnh danh “trường cá biệt” cho hay: “Các trường có quyền đưa ra yêu cầu tuyển sinh và thí sinh cần tìm hiểu kỹ trước khi đăng ký xét tuyển. Nên, trong trường hợp Đại học Sư phạm Huế, trường này đã thực hiện đúng và thí sinh bị “mắc kẹt” là do tìm hiểu không kỹ thông tin tuyển sinh.
Nhưng, chúng ta cần nhìn vào gốc rễ câu chuyện. Rằng “hạnh kiểm” có phải là khuôn vàng thước ngọc về đạo đức để đánh giá con người khi xét tuyển giáo viên tương lai không?
Tôi nghĩ là không. Tôi đã làm nghiên cứu và nhiều lần kiến nghị lên Bộ GD&ĐT về việc nên bỏ xếp loại hạnh kiểm với học sinh phổ thông. Đến lúc này, không quốc gia nào trên thế giới xếp loại con người bằng “hạnh kiểm”. Nó cũng phản ánh đúng logic của cuộc sống: không có con người hoàn toàn tốt (hạnh kiểm tốt, khá) và con người hoàn toàn xấu (hạnh kiểm dưới khá). Con người vốn phức hợp nhiều tính cách nên thế giới đã đưa bộ tiêu chí rất cụ thể tới 7-8 tiêu chí để đánh giá cụ thể về độ năng động, sáng tạo cũng như hiếu động... của học sinh.
Hơn thế, việc đánh giá hạnh kiểm tốt - kém còn khiến học sinh sống giả dối, vo tròn theo những luật lệ cứng nhắc của nhà trường (nhiều khi không hợp với các em) để có hạnh kiểm tốt. Trong khi đó, giáo dục cần khuyến khích con người mạnh mẽ, bộc lộ cá tính chứ không phải như cái lò gạch đào tạo ra ngàn vạn viên gạch đều nhau.
TS Nguyễn Văn Vịnh: Tiền lệ xấu cho giáo dục phản biện
TS Nguyễn Văn Vịnh, Phó Viện trưởng Viện Công nghệ Giáo dục cho hay: Chúng ta đang cố hướng tới một nền giáo dục phản biện. Theo đó, học sinh có quyền tư duy mở, lập luận ngược. Song, việc đặt “hạnh kiểm” vào tiêu chí tuyển sinh trường Đại học Sư phạm Huế lại phá hoại hoàn toàn điều này vì nhiều lẽ:
Thứ nhất, việc yêu cầu các “giáo viên tương lai” phải là người có hạnh kiểm trên khá đã biến mô hình giáo dục trở nên cứng nhắc và tẻ nhạt. Chúng ta cần nhiều hơn những giáo viên cá tính, truyền cảm hứng cho học sinh sáng tạo và suy nghĩ khác chứ không cần thêm nữa những giáo viên mô phạm, rập khuôn.
Thứ hai, việc coi hạnh kiểm là một trong những tiêu chí xét tuyển đại học sẽ khiến thầy giáo chủ nhiệm, các bạn cán bộ lớp thêm quyền lực rất nhiều. Điều này tiềm ẩn nhiều hệ lụy về việc “lobby”, nịnh nọt để đạt hạnh kiểm như ý. Và đến lúc ấy, học sinh còn dám phản biện theo cái mình cho là đúng (mà khác đám đông trong đó có cán bộ lớp, thậm chí thầy giáo) không? Chắc chắn là không.
Ngày 15/9, trường Đại học Sư phạm Huế (thuộc Đại học Huế) đã đưa ra hướng xử lý với trường hợp 13 thí sinh đủ điểm trúng tuyển nhưng không đạt yêu cầu về hạnh kiểm trong 3 năm học cấp 3. |
Sơn Tùng - Mỹ Mỹ (lược ghi)
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất