Thế giới lo ngại IS sẽ hủy diệt Palmyra: Thành phố cổ khiến Rome cũng phải hổ thẹn

23/05/2015 13:00 GMT+7 | Trong nước

(Thethaovanhoa.vn) - Số phận của thành phố cổ Palmyra, một trong những báu vật khảo cổ quan trọng nhất thế giới, đang rất mờ mịt, sau khi lực lượng Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tuyên bố giành quyền kiểm soát hoàn toàn nơi này.

Theo UNESCO, thành phố từng là một trong những trung tâm văn hóa lớn nhất thế giới cổ đại. Đây là một điểm quan trọng trên Con đường tơ lụa, nơi phương Đông gặp gỡ phương Tây cách nay hơn 2.000 năm.

Là một di sản thế giới đã được công nhận, Palmyra được nhiều chuyên gia coi là có những di tích từ thời La Mã hoàn hảo nhất thế giới.

"Nơi này khiến thành Rome của Italy cũng phải hổ thẹn" - Stephennie Mulder, một nhà khảo cổ và là giáo sư chuyên ngành Trung Đông ở Đại học Texas, nhận xét - "Khi tiến tới gần thành phố cổ này, anh sẽ thấy nó vươn lên từ sa mạc, giống như một phép lạ trong truyện cổ tích".


Đền thờ Bel nổi tiếng của thành phố cổ Palmyra

Palmyra, phát triển thịnh vượng nhất trong thế kỷ thứ 1 và thứ 2, có nhiều công trình lịch sử. Trong số đó có một dãy cột tuyệt đẹp, dài tới hơn 1.000 mét; một khu chợ cổ; một nhà hát vòng tròn; một khu phố cổ; nhiều ngôi mộ; một tòa pháo đài cổ nằm trên đồi và đền thờ Bel - một di tích cực kỳ quan trọng, cho thấy sự giao thoa đậm nét của văn hóa và tín ngưỡng.

Hiện người ta rất lo ngại IS sẽ tàn phá Palmyra, giống như đã làm với các thành phố cổ khác ở Syria. UNESCO nói rằng nếu điều đó xảy ra, nhân loại sẽ chịu tổn thất lớn, bởi Palmyra có nhiều yếu tố khiến nó vẫn rất quan trọng với thế giới, về mặt giá trị văn hóa.

Sau đây là những giá trị nổi bật của Palmyra:

1. Một trong những khu định cư cổ nhất thế giới

"Khi nói về nơi có người định cư sớm nhất Trái đất, Palmyra là cái tên đầu tiên lóe lên trong đầu bạn" - James Gelvin, một chuyên gia Trung Đông đã ghé thăm thành phố trong những năm 1990, cho biết.

Dù thành phố thường được gắn với La Mã, lịch sử của nó lại vượt ra ngoài khuôn khổ của đế chế này. Thực tế, thành phố đã được nhắc tới trong những tài liệu khắc đá có từ thế kỷ 19 trước Công nguyên. Thành phố còn đóng vai trò điểm dừng chân quan trọng của các đoàn buôn trong thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên.

Nó cũng là điểm nghỉ ngơi tuyệt vời trong sa mạc, nằm giữa Địa Trung Hải và sông Euphrates ở Iraq.

2. Di tích còn nguyên vẹn bậc nhất trên thế giới

"Trên thế giới có ít khu di tích La Mã còn nguyên vẹn về mặt kiến trúc và thẩm mỹ nuhư ở Palmyra" - theo nhận xét của Mulder, người từng sống ở Syria trong 12 năm trời -"Thành phố nằm giữa sa mạc và không chịu ảnh hưởng bởi hoạt động đô thị hóa mạnh. Bạn về cơ bản là bước vào một thành phố đã 2.000 năm tuổi. Đó là điều khiến nơi này trở nên vô cùng tuyệt vời".

Theo ông, về mặt khảo cổ, chỉ còn một di chỉ khác với các công trình ấn tượng như ở Palmyra là thành phố cổ Baalbek của Lebanon.

Gelvin nói rằng Palmyra là thành phố toát ra "sức mạnh khổng lồ". Khi tới đây, người ta cảm thấy choáng ngợp trước các công trình cổ tuyệt vời hiện diện ở thành phố và họ có cảm giác kính nể những người đã xây dựng ra chúng. Ông đánh giá đó là l‎ý do vì sao Palmyra tồn tại nguyên vẹn lâu tới vậy.


Khói bốc lên khi quân đội Syria dùng pháo phản lực bắn vào các vị trí của IS ở Palmyra trong đầu tuần này

3. Nơi phương Tây gặp phương Đông

"Palmyra là giao điểm trung tâm" - Andrew Smith, giáo sư tại Đại học George Washington nhận xét - "Khi tới đây vào thời cổ đại, anh có thể thấy một người mặc áo kiểu La Mã và người kia mặc quần kiểu Ba Tư. Đó là điều thú vị về nơi này".

"Thành phố trông có vẻ mang phong cách kiến trúc Hy Lạp - La Mã. Nhưng nếu để ý kỹ hơn, anh sẽ thấy các chi tiết mang phong cách Ba Tư và Semitic, bên cạnh ảnh hưởng từ Trung Quốc và Ấn Độ" - Mulder cho biết thêm.

Đền thờ Bel, một trong những công trình ấn tượng nhất ở Palmyra, cũng là bằng chứng cho thấy nhiều nền văn hóa đã kết hợp lại tại thành phố này. Đền thờ là sản phẩm lao động của nhiều chủng tộc người, đã tới định cư và sinh sống trong hòa thuận ở thành phố.

"Syria đã luôn là một xã hội đa văn hóa, đa tín ngưỡng, đa sắc tộc" - Mulder nói - "Người ta luôn tìm ra cách để sống hòa thuận cùng nhau. Trong lịch sử, nơi này (Palmyra) đã từng có những người Công giáo, Hồi giáo, Do thái giáo và nhiều tôn giáo khác, cùng chung sống suốt hàng ngàn năm. Đó chắc chắn là câu chuyện mà IS muốn xóa bỏ".

4. Điểm tôn giáo đa thần quan trọng

Palmyra phát triển thịnh vượng trước khi Hồi giáo ra đời (trong thế kỷ thứ 7) và trước khi Công giáo phổ biến (khi hoàng đế La Mã Constantine Đại đế được rửa tội vào đầu thế kỷ thứ 4).

"Cả thành phố là một cộng đồng thờ đa thần" - Smith nói.

Nhưng đây cũng là điều IS không ưa, do ý thức hệ của lực lượng này cấm việc tôn thờ bất kỳ thần thánh nào. Mulder tin rằng những công trình như đền thờ Bel chắc chắn sẽ bị phá hủy vì nơi đây thờ cúng thần Baal, người có các đặc điểm pha trộn giữa thần bão tố của người Semitic và thần Jupiter trong thần thoại La Mã

5. Biểu tượng của Syria

Trong bối cảnh cuộc nội chiến giữa chính quyền Bashar al-Assad và nhiều phe đối lập nổ ra, đã xé Syria thành nhiều mảnh, Palmyra vẫn đứng vững, đóng vai trò biểu tượng quan trọng cho bản sắc dân tộc.

"Syria là đất nước mới tinh. Hoàn toàn không có Syria cho tới khi Thế chiến I nổ ra" - Gelvin nói - "Sau đó Syria nằm dưới sự quản lý của người Pháp và bị bóc lột. Syria chỉ giành được độc lập vào năm 1946. Khi đó, Syria phải có câu chuyện kể về việc thành lập đất nước và Palmyra đã nằm trong câu chuyện đó".

Trong câu chuyện của người Syria có một phần nói về Zenobia, nữ vương của thành phố Palmyra, sống từ thế kỷ thứ 3. Bà không chỉ chống lại sự thống trị của người La Mã mà còn chiếm vài tỉnh phía Đông La Mã, gồm Ai Cập.

"Các di tích tuyệt vời ở thành phố, cùng với câu chuyện về Zenobia, trở thành biểu tượng của sự kháng cự chủ nghĩa đế quốc" - Gelvin nói - "Mất Palmyra có nghĩa mất đi một phần bản sắc Syria, vào thời điểm bản sắc đó đang rạn nứt".

"Mất Palmyra, chúng ta cũng đứt sợi dây kết nối với quá khứ" - ông cho biết thêm - "Chúng ta mất đi thứ khiến mình cảm thấy choáng ngợp trước sự đẹp đẽ và quy mô của nó. Chúng ta mất đi những thứ có ‎ý nghĩa thực sự".

Tường Linh (Theo LA Times)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm