Hành động để đưa Việt Nam bước vào kỷ nguyên công nghệ cao

22/04/2025 17:33 GMT+7 | Tin tức 24h

Tại Diễn đàn Đầu tư đổi mới sáng tạo Việt Nam 2025 diễn ra ngày 22/4, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng đã khẳng định vai trò, cũng như những đóng góp quan trọng của khu vực tư nhân nhằm đẩy mạnh hệ sinh thái đổi mới sáng tạo trên toàn cầu, cũng như tại Việt Nam. 

"Cụ thể, không chỉ cung cấp nguồn vốn mồi quan trọng, khu vực kinh tế tư nhân còn giữ vai trò then chốt thúc đẩy những sản phẩm công nghệ tiên phong", Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh.

"Điểm nóng" về đầu tư công nghệ thế hệ mới

Ông Vũ Quốc Huy, Giám đốc Trung tâm Đổi mới sáng tạo Quốc gia (NIC) cho biết, trong năm 2024 các quỹ đầu tư, đối tác ngoại đã thực hiện 141 thương vụ đầu tư vào lĩnh vực đổi mới sáng tạo tại Việt Nam, tổng giá trị giải ngân vốn khoảng 2,3 tỷ USD. Nguồn vốn này đến từ các quỹ đầu tư của Singapore, Nhật Bản và quỹ đầu tư trong nước.

Trong đó các thương vụ đầu tư từ 100-300 triệu USD tăng gấp 2,7 lần, cho thấy nhu cầu đầu tư vào các công ty quy mô lớn, mức độ rủi ro vừa phải tăng nhanh.

Số thương vụ đầu tư dưới 500.000 USD tăng tới 73% so với cùng kỳ năm trước cho thấy sức bật của hệ thái khởi nghiệp trong năm 2024. Giá trị các thương vụ mua lại các công ty hoạt động trong lĩnh vực đổi mới sáng tạo trong năm vừa qua đạt khoảng 1,7 tỷ USD.

Hành động để đưa Việt Nam bước vào kỷ nguyên công nghệ cao - Ảnh 1.

Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Chí Dũng phát biểu tại sự kiện. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN

Bên cạnh đó, Việt Nam nổi lên là "điểm nóng" về đầu tư công nghệ thế hệ mới trong năm 2024 khi đầu tư vào start-up AI tăng gấp 8 lần, Agritech tăng gấp 9 lần do nhu cầu về an ninh lương thực và chuỗi cung ứng số.

Tại diễn đàn, NIC đã công bố báo cáo Đổi mới sáng tạo và đầu tư vốn tư nhân Việt Nam 2025 - cho thấy Việt Nam không chỉ đón nhận vốn đầu tư mà còn sẵn sàng dẫn dắt hoạt động đầu tư đổi mới sáng tạo của khu vực.

Diễn đàn Đầu tư đổi mới sáng tạo quốc gia 2025 cũng thu hút hơn 200 nhà đầu tư, quỹ đầu tư toàn cầu, các tổ chức tài chính đến từ châu Á, vùng Vịnh, châu Âu tham gia, tìm cơ hội hợp tác đầu tư. Trong số này có nhiều quỹ đầu tư lớn như: CDH investments, Partech Ventures, Temasek, Do Ventures, Vina Capital, Golden Gate Ventures.

Tại diễn đàn, NIC và Tổ chức Phát triển đầu tư vốn tư nhân Việt Nam (VPCA) đã ký biên bản ghi nhớ với Hiệp hội Đầu tư mạo hiểm Hàn Quốc, Hiệp hội Đầu tư mạo hiểm và tư nhân Singapore, Hiệp hội Đầu tư mạo hiểm và tư nhân Hong Kong để thúc đẩy cơ hội đầu tư giữa các thị trường, hỗ trợ doanh nghiệp khởi nghiệp và luân chuyển nhân tài, tăng cường đào tạo và đối thoại chính sách.

Ông Max F. Scheichenost, Thành viên Hội đồng quản trị của Tổ chức Phát triển đầu tư vốn tư nhân Việt Nam (VPCA) cho rằng, hoạt động ký kết này đánh dấu một kỷ nguyên mới cho sự hội tụ của hệ sinh thái vốn tư nhân châu Á - dựa trên nền tảng của niềm tin, tôn trọng, hợp tác khu vực và tăng trưởng bền vững. Trung tâm của làn sóng đó là Việt Nam.

Bà Lê Hoàng Uyên Vy, Chủ tịch VPCA, Giám đốc quỹ Do Ventures cho biết, việc hợp tác với các hiệp hội đầu tư mạo hiểm trong khu vực sẽ mở cánh cửa mới cho start-up Việt Nam; đồng thời, thu hút nguồn vốn tư nhân châu Á vào lĩnh vực đổi mới sáng tạo trong nước.

Còn theo ông Ben Sheridan, Giám đốc Toàn cầu khối Đầu tư Tài chính tại Tập đoàn Tư vấn Boston: "Nhà đầu tư nào hiểu rõ đặc thù kinh tế vĩ mô của Việt Nam và có tầm nhìn dài hạn sẽ có cơ hội định hình làn sóng tăng trưởng tiếp theo của Đông Nam Á. Chúng ta đang bước vào giai đoạn hoàng kim của vốn tư nhân tại Việt Nam".

Đột phá để phát triển

Để thúc đẩy phát triển khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết 57/NQ-TW về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia. "Nghị quyết không chỉ là định hướng, mà còn mang tính hành động đưa Việt Nam bước vào kỷ nguyên kinh tế số, kinh tế xanh và kỷ nguyên công nghệ cao.

Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng cho biết, Việt Nam là một quốc gia có nền kinh tế số phát triển rất nhanh trong thời gian qua, với 30 tỷ USD vào năm 2024 và dự kiến sẽ chiếm 30% GDP vào năm 2030. Với sự phát triển đó, Việt Nam đang được đánh giá là điểm đến chiến lược cho các nhà đầu tư công nghệ toàn cầu.

Hành động để đưa Việt Nam bước vào kỷ nguyên công nghệ cao - Ảnh 2.

NIC và VPCA đã ký biên bản ghi nhớ với Hiệp hội Đầu tư mạo hiểm Hàn Quốc, Hiệp hội Đầu tư mạo hiểm và tư nhân Singapore, Hong Kong để thúc đẩy cơ hội đầu tư giữa các thị trường. Ảnh: Tuấn Anh/TTXVN

Cùng với chính sách dịch chuyển chuỗi cung ứng đang diễn ra mạnh mẽ, Việt Nam đã trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn của các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới.

Việt Nam đang có sức hấp dẫn đối với các tập đoàn toàn cầu; trong đó, có các tập đoàn công nghệ lớn trên thế giới, ông Steven Trương, Phó Chủ tịch NVIDIA đã chỉ ra những ưu điểm khiến tập đoàn này lựa chọn Việt Nam là 'cứ điểm' đầu tư: đó là lực lượng lao động trẻ, với độ tuổi trung bình là 32 tuổi, thấp hơn tuổi trung bình tại Hoa Kỳ và châu Âu. Cùng với đó, Việt Nam lại có 5 triệu Việt kiều sống và làm việc ở nước ngoài, trong đó có một lực lượng lớn làm việc tại các tập đoàn công nghệ hàng đầu thế giới.

Tiếp đó là tăng trưởng kinh tế của Việt Nam 3 năm qua luôn ở mức cao, trung bình 6,7%, đứng đầu trong khu vực và trên thế giới. Cùng với đó, 78% người Việt Nam sử dụng Internet… Với những ưu điểm trên, ông Steven Trương cho rằng, Việt Nam đã thu hút được nhiều doanh nghiệp công nghệ tầm cỡ thế giới đến đầu tư, điển hình như Samsung, Apple, điều đó cho thấy, sức hấp dẫn của Việt Nam trên bản đồ công nghệ thế giới.

Để hiện thực hóa các tiềm năng về kinh tế số, Chính phủ Việt Nam đang tạo điều kiện thuận lợi để thu hút đầu tư vào khoa học - công nghệ, đổi mới sáng tạo. Phó Thủ tướng Nguyễn Chí Dũng kêu gọi, các nhà đầu tư đã nhìn thấy tiềm năng, cơ hội tại thị trường Việt Nam hãy "hành động nhanh chóng, quyết liệt hơn" để biến tiềm năng, cơ hội tại thị trường Việt Nam, biến những cam kết thành giá trị. Chính phủ Việt Nam sẽ tiếp tục có những cơ chế, chính sách khuyến khích, nhằm thu hút đầu tư của khu vực tư nhân vào lĩnh vực khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Cùng với đó, đại diện Bộ Tài chính cũng đưa ra những lợi thế mà các tập đoàn công nghệ nên "lựa chọn" Việt Nam là điểm đến đầu tư, bao gồm: Việt Nam có nền chính trị ổn định và quyết tâm mạnh mẽ từ các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước trong việc thúc đẩy đổi mới sáng tạo và phát triển các ngành công nghệ tiên tiến.

Bên cạnh đó, với dân số hơn 100 triệu người, Việt Nam đang trong giai đoạn "dân số vàng" có nguồn nhân lực trẻ đầy nhiệt huyết, năng động, khát vọng cống hiến, khả năng tiếp cận nhanh với các ngành khoa học, công nghệ và STEM, là nguồn nhân lực và thị trường đầy tiềm năng cho đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp.

Việt Nam cũng đã hình thành được một hệ sinh thái đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp toàn diện với sự tham gia của nhiều đối tác trong nước và quốc tế. Đây là nền tảng quan trọng để Việt Nam hiện thực hoá mục tiêu phát triển khoa học công nghệ, và đổi mới sáng tạo theo tinh thần Nghị quyết 57/NQ-TW.

Việt Nam đã xây dựng môi trường kinh doanh hấp dẫn với nhiều ưu đãi cho khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo với nhiều cơ chế, chính sách đặc thù, ưu đãi đặc biệt đã được ban hành như: Nghị quyết 193/2025/QH15 về chính sách đặc biệt tạo đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo; Nghị định số 182/2024/NĐ-CP của Chính phủ về việc thành lập, quản lý và sử dụng Quỹ hỗ trợ đầu tư và đang tiếp tục sửa đổi các cơ chế, chính sách liên quan đến khoa học, công nghệ, đầu tư để tạo môi trường đầu tư thuận lợi, nâng cao năng lực cạnh tranh của Việt Nam.

Ông Nguyễn Đức Tâm, Thứ trưởng Bộ Tài Chính cũng khẳng định diễn đàn không chỉ là sự kiện mang tính kết nối mà còn góp phần định vị Việt Nam là điểm đến đầy tiềm năng của dòng vốn đổi mới sáng tạo trong khu vực. Sự kiện khẳng định sự cam kết đồng hành, đối thoại với các nhà đầu tư của Chính phủ, hướng tới thu hút hiệu quả dòng vốn đầu tư vào lĩnh vực công nghệ, đổi mới sáng tạo.

"Việt Nam đã hội tụ các điều kiện để sẵn sàng đón nhận, hợp tác với các doanh nghiệp, nhà đầu tư từ khắp nơi trên thế giới trong lĩnh vực khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo", Thứ trưởng Nguyễn Đức Tâm khẳng định.

Thúy Hiền/TTXVN

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm