Đức - Anh, còn 1 ngày: Khởi đầu là “tâm lý chiến”

26/06/2010 10:02 GMT+7 | World Cup 2010

(TT&VH) - Nếu như Tam sư đã có một HLV giỏi, những ngôi sao hàng đầu, và một lối chơi ngày một tiến bộ, thì đâu là điểm yếu nhất của họ ở một giải đấu lớn? Quá dễ để trả lời: Đó chính là vấn đề tâm lý, nói rõ hơn chính là khả năng chịu đựng áp lực và tự kiềm chế trước khiêu khích. Thật trớ trêu, đó lại là những gì mà người Đức rất giỏi. Không phải ngẫu nhiên mà Mannschaft đã luôn được mô tả như một tảng thép nguội về ý chí và bản lĩnh thi đấu.


Vấn đề lớn nhất của tuyển Anh luôn là tâm lý - Ảnh: Getty
Ngay sau trận thắng của tuyển Anh trước Slovenia, Hoàng đế Franz Beckenbauer đã cao giọng chế nhạo cách chơi của thầy trò Capello ở giải đấu lần này. Huyền thoại người Đức đã đúng, khi chê trách việc Tam sư không thể chứng tỏ thực lực với ngôi đầu bảng. Nhưng có lẽ đã có một sự thái quá, khi ông gọi màn trình diễn đó là “một sự ngu ngốc”. Thật ra, những lời chê bài của Beckenbauer đã tới từ ngay sau trận hòa 1-1 giữa Anh và Mỹ. Lúc ấy, người đã từng giúp Đức đăng quang ở World Cup 1990 đã cho rằng, tuyển Anh đang đi giật lùi với sự trở lại của lối chơi “kick & rush”. Liệu đó có phải là những tuyên bố ngẫu nhiên? Người Anh không tin là thế. Theo nhận định từ giới truyền thông xứ sương mù, việc Tam sư để hòa ở trận ra quân đã khiến Beckenbauer nghĩ tới ngay kịch bản Anh -  Đức ở vòng 1/8. Chính vì thế mà những ngón đòn tâm lý chiến đã được tung ra từ rất sớm.


Nếu như đây là sự thật, rất có thể Đức sẽ phải ngạc nhiên vì sự thay đổi từ phía đối thủ. Với Capello, vấn đề bản lĩnh thi đấu của các cầu thủ Anh đã được cải thiện đáng kể ở vòng loại. Việc họ chơi cực tốt trước Croatia ở cả 2 trận đã phần nào nói lên điều đó. Trước đối thủ Balkan được xem là rất kỵ giơ, Anh đã chơi như thể bóng ma ở vòng loại Euro 2008 chưa từng xảy ra. Tất nhiên, trận đấu với người Đức luôn rất khác. Tuy vậy, người hâm mộ có quyền tin rằng, đội quân của Don Fabio không còn là những chú cừu non trên đấu trường World Cup.

Thứ nhất, Capello cực giỏi trong việc điều tiết tinh thần, cũng như khích lệ cảm hứng thi đấu của cầu thủ. Từ phòng thay đồ cho đến băng ghế huấn luyện, ông thầy người Ý luôn tỏ rõ một ý chí đáng nể với phong cách “sẵn sàng chống lại tất cả”. Terry hiểu rõ điều đó hơn ai hết sau vụ nổi loạn bất thành vừa qua. Cách thể hiện quyền uy của Capello cũng phảng phất điều gì đó mang phong cách Mourinho.

Thứ 2, các cầu thủ Anh đã trở nên thiện chiến và dày dạn hơn bao giờ hết trong vài năm qua, khi mà các CLB lớn của họ liên tục tiến xa ở Champions League. Tất nhiên, giữa CLB và ĐTQG vẫn có những khoảng cách không thể chối cãi. Nhưng thật khó tin là những ngôi sao của Chelsea, Liverpool, Man Utd, hay Arsenal lại dễ dàng đánh mất mình trong những cuộc đấu quan trọng như thế này. Thực sự, rủi ro đã không nhiều như người ta vẫn nghĩ về các cầu thủ xứ sương mù, những người đã từng luôn chơi theo kiểu phổi bò hoặc thiếu ý thức tuân thủ chiến thuật.

Người Đức gọi, và người Anh cũng đã trả lời cho cuộc đầu mở màn bằng tâm lý chiến. Một cách bình thản, Capello cho rằng Đức “đang sợ hãi” trước cuộc đấu với Tam sư. Còn Wayne Rooney, người vẫn chưa ghi bàn ở một giải đấu lớn nào cho tuyển Anh kể từ bàn thắng vào lưới Croatia tại vòng bảng Euro 2004, cũng tuyên bố “rất hài lòng” khi được sớm gặp Đức. Lý do với tiền đạo của Man Utd rất đơn giản: “Không gì tuyệt hơn là được đánh bại họ”.

Trong quá khứ, những chiếc thẻ đỏ của David Beckham tại World Cup 1998 và của Rooney ở VCK năm 2006 đã gián tiếp làm hại ước mơ của tuyển Anh. Việc bị căng thẳng tột độ và dẫn tới sai lầm thậm chí còn ám ảnh Tam sư hơn cả bóng ma trên chấm phạt đền. Người Đức hiểu điều đó. Nhưng người Anh cũng đã sẵn sàng thay đổi nó, với sự trợ giúp của những người như Capello. Bỏ qua những vấn đề về chuyên môn, chỉ riêng yếu tố này cũng đã khiến trận đấu trở nên đáng xem hơn rất nhiều.

YẾN THANH

Cầu thủ Đức mới bị vắt kiệt sức

Beckenbauer cho rằng các cầu thủ Anh tỏ ra cạn kiệt về thể lực vì đá quá nhiều trận ở Premier League cũng như các Cúp nội địa. Đúng là Premier League, với 38 vòng, nhiều hơn Bundesliga 4 vòng. Nhưng thực tế, các thống kê cho thấy cầu thủ Đức mới đá nhiều trận hơn.

50 & 47: Tính trung bình, mỗi cầu thủ Đức đã đá đến 50 trận trên mọi đấu trường ở mùa giải 2009-2010 vừa qua. Con số này với tuyển thủ Anh là 47 trận.

64 & 62: Cầu thủ Đức thi đấu nhiều nhất ở mùa vừa qua là thủ quân Philipp Lahm, với 64 trận. Với tuyển Anh là cựu thủ quân John Terry, với 62 trận.

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm