01h45, ngày 14/6, Hà Lan - Đức: Khi Đức giăng bẫy

13/06/2012 10:09 GMT+7 | Bảng B

(TT&VH) - Sự chủ động về lối chơi của Đức, khác truyền thống, là tấn công. Hà Lan, cũng tương đối khác truyền thống, thiên về phản công hơn. Nhưng hoàn cảnh có thể khiến họ tạm gác lại những ý niệm về cuộc cải cách vận hành, và đề cao việc giành thế chủ động chiến thuật để chiến thắng. Đức đang có ưu thế hơn về mặt này.

Sự chủ động của Đức

Họ bị chỉ trích về màn trình diễn trước Bồ Đào Nha (BĐN), nhưng dường như BĐN bị đánh giá thấp quá, hoặc kỳ vọng về sức cống hiến của Đức cao quá, nên người Đức chưa hài lòng. Nhưng họ vẫn “chủ động” thắng, và không thể gọi đó là may mắn được. Vẫn là sự thực dụng với vũ khí kinh điển, một bàn duy nhất,  giản đơn từ một quả tạt.

3 điểm đã có có thể là gợi ý cho Đức quay về với sự thực dụng của mình khi gặp Hà Lan. Đó không hẳn là sự “phản bội” với lối đá Đức đã tạo dựng hơn nửa thập kỷ qua, cũng không hẳn là “bản lĩnh Đức” đang bị nghi ngờ. Hoàn cảnh, tương quan lực lượng lẫn độ kết dính lối chơi cho phép Đức chủ động kiểm soát trận đấu và chờ cơ hội phản công. Nghĩa là Đức thành…Hà Lan thường thấy. Tất nhiên, không hoàn toàn trong 90 phút. Về mặt con người, họ có thể thực hiện được điều đó.

Đức (áo trắng) sẽ chủ động giăng ra cái bẫy chiến thuật trước đội Hà Lan? - Ảnh Getty

Để Hà Lan chủ động quay về với cách đá của họ, thông qua việc Đức ra sức tấn công, khiến Đức dễ rơi vào thế phản công đầy tốc độ của đối thủ. Cự ly đội hình của tuyến tiền vệ phía Đức không tốt trong trận gặp BĐN có thể bị khai thác khi Hà Lan triển khai bóng nhanh.

Thất bại trước Italia (World Cup 06) hay TBN (Euro 08, World Cup 2010), những đội Đức chưa đương đầu được trên góc độ giành ưu thế về chiến thuật,  rồi kết quả sau cùng,  có thể khiến Loew thay đổi phần nào.Không nhất thiết tấn công ào ạt từ mọi hướng, thay vào đó là việc chủ động trong lối chơi và cách nhập cuộc. Thực hiện được điều đó cũng sẽ thể hiện sự tiến bộ về mặt thích ứng trước các lối đá khác nhau. Đấy là điều có ý nghĩa không nhỏ cho sự thành bại của họ ở giải đấu này.

Về mặt phẩm chất kĩ thuật, Đức không thể tấn công hiệu quả trước mọi đối thủ trong khi họ có thể chủ động kiểm soát thế trận, bao gồm cả phòng thủ phản công trước bất kỳ ai, cũng với những con người này.

Mertesacker đã vắng mặt ở trận đầu và có khả năng trở lại, nhưng các trung vệ Hummels và Badstuber chơi vẫn tốt. Đức cũng không gặp vấn đề về phòng ngự dọc biên. Bất ổn của họ là sự linh hoạt và giữ cự ly ở tuyến tiền vệ. Nhưng đó là tuyến mạnh nhất của Đức và sự trục trặc có thể chỉ là phong độ nhất thời.

Lúc cần, khai thác hai biên để tạt bóng hoàn toàn có thể là cách mà Đức tấn công, và vũ khí của họ sẽ rất hữu hiệu khi hai cánh Hà Lan không vững vàng.

Dẫu sao thì các học trò của Loew cũng chưa xem việc lao lên phía trước thành bản năng. Vấn đề là Loew đương đầu thế nào trước sức ép về danh hiệu, chơi đẹp và ông có muốn thay đổi gì không. Thay đổi không có nghĩa là thay thế tư tưởng bóng đá hiện hành, đơn giản đó là sự linh hoạt chiến thuật.

Cơ hội của Hà Lan

Thực ra thì Hà Lan có thể tấn công không tồi, nhưng họ vẫn thích những khoảng trống của phản công hơn. Tuy vậy, họ phải thắng để tự quyết định số phận, nhưng sẽ không tấn công ồ ạt, điều không nên và cũng không thể làm trước Đức. Vấn đề là nếu Đức không mặn mà lao lên, Hà Lan sẽ phải làm chuyện đó.

Tấn công vũ bão vừa không là sở trường (thực ra do hạn chế về con người nhiều hơn là lối chơi), vừa là dịp để Đức phản công vỗ mặt. Sự trở lại của Mathijsen giúp Hà Lan phòng thủ trung lộ tốt hơn, nhưng vẫn là không đủ để chống chọi khi Đức có không gian để triển khai bóng nhanh trong bối cảnh Hà Lan có ít người tuyến dưới. Do vậy, để đảm bảo chiến thắng, đầu tiên hàng thủ phải an toàn. Ở đây nhấn mạnh vai trò của cặp De Jong – Van Bommel mà sự cơ động của người sau,do tuổi tác, là một dấu hỏi.

Sẽ là bài toán không dễ giải cho Marwijk nếu người Đức có thiên hướng phòng thủ tiêu cực, nhưng có thể tin rằng họ gần như đã đoạn tuyệt với giai đoạn “cỗ xe tăng”. Cơ hội lớn nhất của Hà Lan sẽ đến nếu Đức tấn công triệt để.

Nhưng để Đức lao lên, Hà Lan phải ghi bàn trước, tức là phải trở thành chính người…Đức trong việc khai thác triệt để tình huống ăn bàn.

Cơ hội sẽ đến từ những khoảng trống Đức “bỏ lại” trong một vài quãng thời gian của trận đấu, từ những pha đột kích của Robben và các đường chuyền của Sneijder. Nhưng Marwijk phải gạt bỏ ngay sự ích kỉ của Robben và giải quyết câu chuyện phong độ của Van Persie để tìm bàn thắng.

Hà Lan có ít sự lựa chọn về chủ động chiến thuật hơn, nhưng không hẳn đó là bất lợi, Sức ép cũng có thể là động lực của họ khi lâm vào thế chân tường. Khi cần sự đoàn kết và tập trung để không tự hại chính mình. Hà Lan sẽ khác.

Một cuộc kiểm chứng thực sự về bản lĩnh cả hai đội, 2 HLV, và cái bẫy phản công có thể được giăng ra từ Đức. Nhưng họ có thể sập chiếc bẫy của chính mình nếu bị dẫn bàn hoặc cứ đá tận hiến. Dù thua trận, không ai nghi ngờ Đức đi tiếp, thậm chí với ngôi đầu bảng.

Thăm dò ý kiến

Theo bạn trận Đức - Hà Lan sẽ có kết quả như nào?


Dự đoán 2-1

Huỳnh Anh

Lực lượng

Đức: Mertesacker có thể  đá từ đầu.

Hà Lan : Mathijsen có thể trở lại đội hình chính

Đội hình dự kiến:

Đức: Neuer - Boateng, Mertesacker, Badstuber, Lahm - Khedira, Schweinsteiger - Muller, Ozil, Podolski – Klose.

Hà Lan: Stekelenburg - Van der Wiel, Heitinga, Mathijsen, Willems- Van Bommel, De Jong,  Sneijder -  Robben, Van Persie, Huntelaar.

Thống kê

0: Kết quả đối đầu giữa Đức và Hà Lan ở các giải đấu lớn chưa bao giờ lặp lại trong hai trận liên tiếp. Thêm nữa, không đội nào chịu rời sân mà không ghi được bàn.

3: Có 3 cầu thủ của Hà Lan đang chơi tại Budesliga. Đó là Huntelaar, Robben, Boulahrouz. Ngược lại, không có cầu thủ nào của Đức đang chơi ở giải VĐQG Hà Lan.

4: Tổng số cú sút trúng đích mà Đức có trong trận gặp BĐN, bằng nửa Hà Lan và Đan Mạch. BĐN ở trận vừa rồi đã sút được 7 quả trúng đích.

12: Tổng số bàn thắng 2 đội đã ghi trong 7 cuộc đối đầu chính thức kể trên. Đức mở tỉ số trước trong 5 trận đã đấu.

38: Đây là lần thứ 38, Đức và Hà Lan gặp nhau. Đức thắng 14 và hòa 10 trận. Ở các giải đấu lớn như World Cup hay EURO, hai đội đã gặp nhau tổng cộng 7 lần, Đức thắng 3 và hòa 2. Trong 7 trận đó, có 4 trận trong khuôn khổ EURO, Hà Lan đã thắng 2, thua 1 trong 4 trận đó. Lần gần đây nhất ở EURO họ gặp nhau là vòng bảng EURO 2004 (hòa 1-1).

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm