12/06/2012 18:59 GMT+7 | Bảng B
(TT&VH)- Đó được coi là trận đấu giàu màu sắc thù địch và dai dẳng bậc nhất không chỉ trong lịch sử bóng đá, mà thậm chí là trong lịch sử thể thao thế giới. Giống như Boca Juniors và River Plate, AC Milan và Inter, hay Brazil và Argentina, những cuộc chiến được coi là kinh điển không chỉ vì chất lượng và đẳng cấp của nó, mà còn bởi những mâu thuẫn tích tụ trong nhiều năm.
“Bạn có thể thua bất kỳ đối thủ nào, trừ đội Đức” – Ivo Frank, một CĐV Hà Lan, hét lên trước micro phỏng vấn của hãng thông tấn AP. Anh đến Ba Lan cùng một đoàn CĐV chừng 20 người, và ai cũng nghĩ hệt như Frank: “Tốt hơn hết là thế này: Chiến thắng vốn đã ngọt ngào, nhưng chiến thắng người Đức thì còn ngọt ngào hơn. Giống như trận đấu giữa Manchester United và Manchester City vậy. Không gì “đã” hơn thế”.
Đức và Hà Lan là cuộc chạm trán được ví như trận New Zealand và Nam Phi trong bóng bầu dục, Anh và Australia trong môn cricket, New York Yankees đối đầu với Boston Red Sox trong bóng chày, những trận đánh kinh điển của thể thao thế giới.
Frank Rijkaard (phải) “phun mưa” vào Rudi Voeller trong trận Đức – Hà Lan tại World Cup 1990
Đức – Hà Lan là trận đấu từng biểu thị cho khoảng cách mênh mông giữa hai triết lý bóng đá, giữa sự thực dụng đến cùng cực và bóng đá tận hiến. Mâu thuẫn bùng nổ ở trận chung kết World Cup năm 1974, thời điểm mà đội Đức của Franz Beckenbauer đã đánh bại Hà Lan của Johann Cruyff 2-1 với một quả penalty đầy tranh cãi. Ben Hoelzenbein đã thực hiện một cú ngã vờ “xuất sắc” và cũng tai tiếng bậc nhất trong lịch sử bóng đá, để rồi người Hà Lan bắt đầu được gán cho biệt danh “kẻ thất bại vĩ đại”, trước sự ranh ma và lì lợm của đội Tây Đức. Báo chí Hà Lan gọi trận thua năm ấy là “mẹ của mọi thất bại”.
Gần 20 năm sau khi chiến tranh thế giới thứ II kết thúc, một thất bại thể thao lại làm bùng lên mâu thuẫn dân tộc đã âm ỉ từ lâu. 1/4 triệu người Hà Lan đã bị phát xít Đức sát hại trong 5 năm Đức chiếm đóng Hà Lan trong chiến tranh thế giới II, và đất nước xinh đẹp ấy bị tàn phá đến cùng cực: “Tôi đ*ch quan tâm đến tỉ số. 1-0 là đủ để chúng tôi làm bẽ mặt chúng. Tôi ghét chúng. Chúng sát hại cả gia đình tôi. Bố tôi, mẹ tôi và hai người anh” – Wim van Hanegem, tiền vệ của đội tuyển Hà Lan trong giai đoạn từ 1968 – 1979, từng giận dữ tuyên bố. Vào thập niên 1970, trước mỗi trận đấu với Đức, đám đông CĐV Hà Lan đi thành đoàn, miệng hô vang: “Trả lại xe đạp cho tôi”. Một sự “nhắc nhở” đau đớn: Phát xít Đức đã từng nấu chảy hàng loạt chiếc xe đạp của người Hà Lan để lấy vật liệu làm vũ khí trong nửa thập kỷ đen tối trong giai đoạn chiến tranh thế giới II.
Nỗi đau ấy chỉ vơi đi sau EURO 1988, khi đội Hà Lan bỏ lại chủ nhà Tây Đức ở bán kết, với bàn thắng muộn của Marco van Basten. Hà Lan đánh bại Liên Xô ở chung kết, và trong lễ ăn mừng tại thủ đô Amsterdam, HLV Rinus Michel đã đứng trước Cung điện Hoàng gia Hà Lan rồi nói với đám đông: “Chúng ta đã vô địch, nhưng tất cả đều hiểu rằng vòng bán kết mới là một trận chung kết đích thực”. Hai năm sau, tại World Cup 1990, Rudi Voeller của Đức đã nhổ nước bọt đến hai lần vào Frank Rijkaard của Hà Lan, dẫn đến kết cục là cả hai đều bị đuổi khỏi sân.
Mâu thuẫn chưa bao giờ chấm dứt, và trận Đức – Hà Lan cho đến thời điểm này vẫn gờn gợn những ký ức đau đớn mang tính dân tộc và cả thể thao. Ngay cả khi hai nước đã trở thành những đồng minh thân cận trong Liên minh châu Âu, đứng ra chung vai gánh vác trong tình trạng khủng hoảng nợ công lan tỏa khắp châu Âu. Ngay cả khi Voeller và Rijkaard đã dàn hòa và còn cùng nhau đóng một đoạn quảng cáo cách đây vài năm. Và ngay cả khi không có những mâu thuẫn ấy, thì trận đấu giữa hai đội nằm trong tốp 4 thế giới, lần lượt là á quân và thứ ba ở World Cup 2012, vẫn sẽ rất nóng, vì danh dự, và vì đội Hà Lan đã ở vào thế không được phép thất bại.
Phạm An
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất