19/05/2014 20:58 GMT+7 | Atletico Madrid
(Thethaovanhoa.vn) - Trong nhiều năm qua, khi nói về chuẩn mực của bóng đá Tây Ban Nha, người ta nghĩ ngay tới triết lý bóng đá tấn công và lối chơi tiqui-taca, do thành công rực rõ của Barca trong suốt một thập kỷ. Nhưng ở mùa bóng này, khi Atletico lên ngôi vương tại Liga, thì các chuẩn mực đó đã thay đổi.
Không ai có thể quên Barca từng là đội bóng được coi là hay nhất trong lịch sử, đặc biệt dưới thời của Pep Guardiola, khi “gã khổng lồ xứ Catalunya” giành được 14 trong số 20 danh hiệu có thể chỉ trong bốn năm, gồm cả những giải thưởng lớn như Liga và Champions League , chưa kể Cúp Nhà vua, Siêu cúp Tây Ban Nha, Siêu cúp châu Âu, Cúp Thế giới các CLB.
Cũng chưa ai quên thứ bóng đá tấn công tổng lực và thế trận áp đảo của đội bóng này nhờ lối chơi kiểm soát bóng, đập nhả, chọc khe, chạy chỗ, bứt phá và dứt điểm với tốc độ nhanh và tính biến ảo phong phú. Chính thứ bóng đá tấn công và lối chơi tiqui-taca đó cũng là nền tảng cho thành công của ĐTQG có cái tên “cơn cuồng nộ màu đỏ” trên đấu trường châu Âu và Thế giới.
Nhưng sự đi xuống của Barca, xuất hiện từ mùa bóng trước sau khi bị Bayern hạ nhục với tỷ số 7-0 ở hai trận bán kết Champions League và thể hiện rõ ở mùa giải trắng tay năm nay, cùng sự nổi lên của Atletico tại cả đấu trường trong nước và châu Âu đã làm đảo lộn những những giá trị và chuẩn mực tưởng như vững bền mãi mãi.
“Cholismo” và những giá trị mới
Với Diego Simeone trên băng ghế chỉ đạo, Atletico đã trình làng một triết lý bóng đá mới mang tên “cholismo” (chủ nghĩa Cholo). “Cholo” chính là biệt danh của chiến lược gia người Argentina và “cholismo” là học thuyết bóng đá của Simeone.
Nếu như Barca lấy triết lý tấn công và giữ bóng là tư tưởng chỉ đạo, thì với Atletico, giá trị quan trọng hàng đầu là tinh thần chiến đấu, văn hóa lao động, sự hy sinh và ý thức tập thể. Diego Simeone luôn truyền tải tới các học trò những nguyên tắc cơ bản: “ Tự tin là sức mạnh”, “Sự cố gắng là không thể thương lượng”, “ kết quả nằm ở lao động và sự hy sinh” và “chỉ nghĩ đến từng trận một và thắng từng trận một”, coi “mỗi trận đấu là một trận chung kết”.
“Chủ nghĩa Cholo” còn là cách quản lý một phòng thay đồ, biến một tập thể thành một khối thống nhất, trong đó các cầu thủ, từ chính thức tới dự bị, đều được tôn trọng và đối xử như nhau, đều cảm thấy mình là một người quan trọng, đều tự nguyện chấp hành quy tắc và kỷ luật ở trong và ngoài sân cỏ. Simeone là một nhà cổ động và vận động bẩm sinh, bởi ông biết khai thác và phát huy tất cả những khả năng tiềm ẩn trong mỗi cầu thủ.
Với Diego Simeone, lối chơi của một đội bóng luôn phải phù hợp với những đặc điểm của các cầu thủ của đội bóng đó, chứ không có một công thức chung dành cho tất cả. Tiqui-taca có thể hợp Barca, Bayern Munich và Manchester City nhưng không thể thay lối chơi phòng ngự phản công của Real Madrid, Atletico và Chelsea. Và ngay cả khi các đội bóng có cùng một lối chơi, thì mỗi đội vẫn chơi theo một kiểu khác nhau.
Thí dụ, phòng thủ phản công của Jose Mourinho mang tính tử thủ và rình rập nhiều hơn, nhưng phòng thủ phản công của Diego Simeone mang tính chủ động và tập thể cao hơn. Atletico không phòng thủ theo kiểu co cụm ở phần sân nhà mà phòng thủ từ xa, bao vây đối phương, quyết liệt tranh bóng từ tuyến giữa, phản công tổng lực và tính toán kỹ càng trong từng pha bóng chiến lược như sút phạt bóng chết hay các cú phạt góc.
Sự thành công của Atletico nhờ “el cholismo” đã làm thay đổi bộ mặt của Liga. Từ chỗ chỉ là một cuộc đua song mã, Liga giờ đây đã trở thành một cuộc đua tam mã. Từ chỗ cứ nghe đến hai cái tên Barca và Madrid là các đội khác đã coi như mình thua cuộc từ trước, thì giờ đây bất cứ một đội bóng nào, kể cả những đội bóng ở tốp “đèn đỏ” phải tranh suất trụ hạng như Osasuna, Valladolid, Betis. Getafe đều biết cách để quật ngã đội bóng hoàng gia Tây Ban Nha và “gã khổng lồ xứ Catalunya”, giống như Atletico đã làm được.
Simeone đã chứng minh, một đội bóng có tiềm lực kinh tế yếu hơn, có ít cầu thủ ngôi sao hơn, nhưng nếu có một dự án thể thao đúng đắn, biết phát huy sức mạnh của một khối thống nhất, biết lao động cần cù, biết hy sinh và biết chiến đấu theo cách riêng phù hợp với những đặc điểm của mình, thì đội bóng đó hoàn toàn có thể đánh bại bất cứ một “thế lực” nào, dù là đội bóng vĩ đại nhất của thế kỷ XX như Real Madrid, hay đội bóng hay nhất của đầu thế kỷ XXI, như Barcelona.
Rõ ràng, “chủ nghĩa Cholo” đang làm thay đổi hiện trạng, triết lý, lối chơi và quy chuẩn của bóng đá Tây Ban Nha.
Khang Chi
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất