Quân đội Hàn Quốc bị chỉ trích sau vụ đấu pháo trên bán đảo Triều Tiên

25/11/2010 15:45 GMT+7 | Trong nước

(TT&VH) - Trong khi quân đội Triều Tiên ngày 23/11 ra tuyên bố cáo buộc quân đội Hàn Quốc đã khai hỏa vụ bắn pháo và họ đã đáp trả bằng “những biện pháp quân sự kiên quyết” thì ngày 24/11, Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Kim Tae Young đã bị chỉ trích vì phản ứng một cách thụ động trong vụ đấu pháo này. Giới phân tích vẫn tiếp tục tìm kiếm nguyên nhân vụ đấu pháo và đã tính tới những viễn cảnh có thể xuất hiện sau sự kiện này.

Theo tờ Korea Times, đạn pháo đã trúng vào các căn cứ quân sự và một số khu vực dân cư ở đảo Yeonpyeong của Hàn Quốc, làm chết 2 quân nhân, 2 dân thường. 15 quân nhân và 3 dân thường Hàn Quốc cũng bị thương. Triều Tiên sử dụng cả pháo bắn cầu vồng lẫn pháo bắn thẳng. Tổng cộng Triều Tiên bắn khoảng 150 quả đạn trong khoảng thời gian từ 2h34 tới 2h46 chiều ngày 23/11. Tiếp theo, nước này bắn thêm 20 phát đạn từ 3h12 tới 3h29. Trong khi đó, quân đội Hàn Quốc chỉ bắn được 80 phát đạn từ những cỗ pháo tự hành K9.


Lính Hàn Quốc với pháo tự hành K9

Các nhà lập pháp từ cả đảng cầm quyền lẫn đảng đối lập đều lên tiếng khiển trách giới lãnh đạo quân đội, cho rằng lẽ ra họ phải bắn nhiều phát đạn hơn con số 80 và phải sử dụng những vũ khí mạnh hơn. Quân đội Hàn Quốc đã lập tức lên tiếng giải thích. “Hơn 100 quả đạn của Triều Tiên đã rơi xuống các địa điểm khác nhau vì thế nên chúng tôi đã không thể đoán được từ đầu đối phương bắn bao nhiêu quả” - một quan chức giấu tên thuộc Bộ Tổng tham mưu Liên quân Hàn Quốc nói với báo giới - “Chỉ huy ngoài chiến trường cũng chỉ biết đưa ra quyết định phản ứng dựa trên kinh nghiệm chiến đấu”.

Ông nói rằng khi xảy ra vụ đấu pháo, một số pháo tự hành K9 đang được điều đi các địa điểm tập trận nên phải mất thời gian để người ta triển khai vũ khí. Tuy nhiên pháo K9 đã không thể bắn thẳng vào các cỗ pháo của Triều Tiên mà chỉ mở cuộc tấn công nhằm vào các trại lính và một số cơ sở khác của đối phương.

Nghị sĩ Kim Jang Soo thuộc đảng Đại dân tộc đã chất vấn vì sao những chiếc F- 15K và KF-16 của Hàn Quốc không phản ứng vào thời điểm xảy ra vụ đấu pháo. Máy bay F-15K và F-16 được trang bị vũ khí tấn công chính xác như bom thông minh JDAM và tên lửa đối đất SLAM-ER, đủ để tiêu diệt vũ khí của phía Triều Tiên. Ông tuyên bố: “Những chiếc F-15K lẽ ra phải có các cuộc không kích nhằm vào các cỗ pháo đó và nơi che giấu chúng”. Song Kim Tae Young nói rằng vụ không kích có thể đẩy cuộc xung đột nhỏ thành chiến tranh quy mô lớn. Tuy nhiên ông cũng cho biết “các quy định giao chiến hiện nay đã kêu gọi việc phản ứng với bất kỳ hành động gây hấn nào bằng hỏa lực mạnh gấp đôi đối phương” và Bộ Quốc phòng đang cân nhắc việc tăng cường quy định này.


Hình ảnh đạn pháo Triều Tiên rơi vào đảo Yeonpyeong
được một ống kính nghiệp dư ghi lại


Những viễn cảnh sau màn đấu pháo

Trong lúc đó, giới phân tích tiếp tục tìm hiểu nguyên nhân vụ đấu pháo và dự đoán viễn cảnh tương lai.

Trang tin Reuters đã tổng hợp khá nhiều hướng giải thích mới. Một trong số đó cho rằng quân đội Triều Tiên đã ở trong tình trạng báo động cao khi quân Hàn Quốc diễn tập bắn đạn thật ở khu vực vùng biển tranh chấp. Có thể một số sĩ quan Triều Tiên đã hiểu lầm cuộc diễn tập và tin rằng họ bị tấn công nên nổ pháo bắn trả. Song các chuyên gia tin rằng khả năng này khó xảy ra. Những cuộc tập trận như vậy diễn ra khá thường xuyên và hoàn toàn không có gì bất ngờ trong cuộc diễn tập mới nhất của Hàn Quốc để xảy ra hiểu lầm. Thực tế, vụ đấu pháo diễn ra ít nhất nửa tiếng sau khi cuộc tập trận bắn đạn thật của Hàn Quốc kết thúc.

Hướng giả thuyết khác tin rằng đây là sự lặp lại kịch bản gây sức ép của Triều Tiên và kịch bản này tới nay vẫn khá thành công. Ông Xu Guangyu, một viên tướng về hưu thuộc Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc, đánh giá sau vụ bắn pháo, tình hình sẽ không căng thẳng thêm do Triều Tiên đã đạt được mục đích của họ. “Mỹ và Hàn Quốc đã tỏ ra không muốn tái đối thoại với Triều Tiên nên họ chọn việc bắn pháo để thể hiện quan điểm”. Điều này cũng có nghĩa Triều Tiên sẽ có thêm những hành động cứng rắn trong những ngày tới để thể hiện quan điểm, dù hành động của họ khó gây ra chiến tranh.

Một số chuyên gia phương Tây cho rằng vụ bắn pháo còn có thể được xem là nỗ lực cải thiện hình ảnh của nhà lãnh đạo tương lai Kim Jong Un trong vai trò một tướng quân trẻ. Vụ bắn pháo có thể khiến Kim được sự ủng hộ tốt hơn từ phía quân đội, đồng thời củng cố mối quan tâm của dư luận Triều Tiên tới vấn đề quốc phòng.

Tuy nhiên một trong những kịch bản đáng lo ngại nhất là vụ đấu pháo vừa qua không phải do chủ ý từ các nhà lãnh đạo, mà là sản phẩm của một bộ phận cứng rắn trong quân đội, những người ngày càng tự ý làm nhiều chuyện.

Giả thuyết này được sự ủng hộ từ ông Christopher Hill, cựu đặc sứ Mỹ ở Triều Tiên. Trong trường hợp này xảy ra, các tính toán cẩn thận lâu nay nhằm giúp bán đảo Triều Tiên không rơi trở lại bờ vực chiến tranh sẽ sụp đổ và xung đột vũ trang sẽ là điều khó tránh trong tương lai.

Tường Linh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm