Khi khán giả không còn là cầu thủ thứ 12

05/05/2016 08:19 GMT+7 | V-League

(Thethaovanhoa.vn) - Đội đang dẫn đầu V-League 2016 sau 8 lượt trận, CLB Hải Phòng, không thừa nhận Hội CĐV như một phần cơ thể của họ, chỉ vì những tranh chấp về quyền lợi và trách nhiệm liên quan đến nhiều hội, nhóm, điều tương tự đã và đang xảy ra ở Bình Dương hay Nghệ An.

Vấn đề về khán giả và CĐV của bóng đá Việt Nam là một câu chuyện dài nhiều tập, liên quan đến quyền lợi, trách nhiệm và nghĩa vụ nhiều hơn các giá trị về tình yêu chân chính hay lòng trung thành.

1. Ở Lạch Tray, Hải Phòng, người ta không thừa nhận Hội CĐV chính thức, dù nó đã hoạt động từ hàng chục năm nay, ở mảnh đất đã và đang được ví là kinh đô của bóng đá, của tình yêu và của cả sự quá khích. Lý do cơ bản liên quan đến quyền lợi và trách nhiệm của các bên có liên quan, ở đây là CLB Hải Phòng, BTC sân Lạch Tray và Hội CĐV.

Rất thường xuyên tại các trận đấu trên sân nhà Lạch Tray, pháo sáng vẫn xuất hiện nhưng không một cá nhân hay tổ chức, hội nhóm nào đứng ra nhận trách nhiệm, cuối cùng CLB và cụ thể là BTC sân bị nhắc nhở và chịu phạt. Có ý cho rằng, BTC sân có thu thì phải có chi, lỗi ở khâu kiểm soát quá lỏng lẻo. Tuy nhiên, ai mà biết được “ma ăn cỗ”?

Trên thực tế, những tranh chấp về quyền lợi ở cả trên các khán đài và ngoài sân bóng Lạch Tray, giữa những người yêu mến đội bóng và CLB, cũng như BTC sân đã xảy ra từ nhiều năm nay, nhưng không được giải quyết thấu đáo. CLB Hải Phòng được cho là vẫn nhận những quyền lợi nhất định từ một vài Mạnh Thường Quân mang danh CĐV, thế nên…

Trong khi đó, nhu cầu làm đẹp các bản lý lịch về một CLB chuẩn chuyên nghiệp, nghiễm nhiên nhà tổ chức VPF muốn đội bóng đất cảng hợp pháp hoá Hội CĐV được xem là cuồng nhiệt bậc nhất V-League, từ gần một thập kỷ qua. Tuy nhiên, khi mâu thuẫn gần như không thể giải quyết, không thể tìm tiếng nói chung, khó có thể hướng tới điều tốt đẹp.

2. Từ Lạch Tray ngó qua sân bóng láng giềng Cẩm Phả, tuy là cùng chung một màu sắc cổ động, nhưng quy củ hơn nhiều. Ở vùng mỏ, không có những Hội CĐV li khai, kiều như Ultra hay những Hội, nhóm nặc danh, mà “tất cả quy về một mối”, với người đứng đầu là Chủ tịch Trần Lê Trung, hiện đã quy tụ được khoảng 2.000 Hội viên.

“Chúng tôi được thành lập và hoạt động công khai, thông qua quyết định của UBND tỉnh. Tất cả đều tự nguyện, không nói chuyện quyền lợi ở đây, mối quan hệ giữa Hội CĐV với CLB, BHL và các cầu thủ là cực kỳ khăng khít. Ngoài các hoạt động trước, trong và sau trận đấu, chúng tôi còn rất nhiều hoạt động bên lề khác”, anh Trung nói.

U19 Việt Nam sắp hội quân, Man United muốn lập hội CĐV Việt Nam

U19 Việt Nam sắp hội quân, Man United muốn lập hội CĐV Việt Nam

Những thông tin liên quan tới các đội tuyển Việt Nam và trước vòng 8 V-League 2016 có trong bản tin ngày 29/4.


Phát kiến trao thưởng cho các cầu thủ xuất sắc nhất trận, cầu thủ ghi bàn…, cũng bắt đầu từ cá nhân Chủ tịch Hội CĐV Trần Lê Trung, một con người thân thiện.

“Tình yêu là yếu tố cốt lõi, nhưng ngoài ra, phương thức tổ chức Hội nhóm cũng rất quan trọng. Tất nhiên, những đầu lãnh cũng phải có chút điều kiện kinh tế nữa”, vẫn lời ông Trung.

2 năm liền, Hội CĐV Than Quảng Ninh giành giải thưởng Hội CĐV xuất sắc nhất, trước rất nhiều các ánh mắt ghen tị từ phía các Hội CĐV SLNA, FLC Thanh Hoá, SHB Đà Nẵng hay HAGL, là có lý do, dù về mặt quân số hội viên vùng mỏ khá khiêm tốn. Tình yêu bóng đá là duy nhất, nhưng phương thức thể hiện giữ vai trò quyết định.

3. Có câu: “Danh bất chính thì ngôn bất thuận”, trong lộ trình tiến lên chuyên nghiệp, thì cách thức tổ chức Hội CĐV cũng phải chuyên nghiệp, hợp pháp. không thể trống đánh xuôi, kèn thổi ngược trên các khán đài, dù tất cả đều cổ vũ một màu áo. Bóng đá không có khán giả, sẽ tự chết dần chết mòn, nhưng ngay cả tình yêu cũng cần được gây dựng.

Chỉ với câu chuyện trên khán đài thôi cũng đủ nhức đầu chứ chẳng hề đơn giản.

Tùy Phong
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm