'Hai bàn tay trắng' của Vinh Sử không chỉ có nỗi buồn

07/08/2015 16:34 GMT+7 | Âm nhạc

(Thethaovanhoa.vn) - Sau đêm nhạc Kỷ niệm của Nguyễn Ánh 9, đến đêm nhạc Hai bàn tay trắng của Vinh Sử vừa qua, đạo diễn âm nhạc Nguyễn Quang đã tiếp tục cùng chuỗi chương trình Vàng son một thuở tạo được những hiệu ứng khó quên trong lòng khán giả. 

Với bàn tay tài hoa của Đạo diễn âm nhạc - Nhạc sĩ Nguyễn Quang, các ca khúc của Vinh Sử trong đêm nhạc Hai bàn tay trắng như được khoác lên mình “chiếc áo mới” trong những giai điệu Bolero đầy xúc động.


Nhạc sĩ Vinh Sử, ca sĩ Ngọc Châm dưới "mái lá" được thiết kế đặc biệt trên sân khấu

Đêm nhạc Hai bàn tay trắng của nhạc sĩ Vinh Sử đã để lại rất nhiều dư âm trong long khán giả yêu nhạc, không chỉ bởi những ca khúc của ông gắn liền với cả một thế hệ, bất cứ ai cũng thuộc một đoạn ca khúc, một bài hát nào đó của ông và có thể ngêu ngao hát bất cứ khi nào, mà còn bởi nhà sản xuất chương trình đã đầu tư rất kỹ lưỡng về sân khấu, âm thanh, ánh sang… để nhạc sĩ Vinh Sử không quên được một đêm nhạc trong cuộc đời mình.

Vốn là dòng nhạc được cho là sến, thường viết cho người bình dân, rất dễ nghe, dễ thuộc, nhưng khi bước vào thánh đường Nhà hát lớn, dưới bàn tay tài hoa của Đạo diễn âm nhạc - Nhạc sĩ Nguyễn Quang, đêm nhạc Vinh Sử như được khoác lên mình “chiếc áo mới”, sang hơn, mới mẻ hơn. Tuy nhiên, “tấm áo mới” trong âm nhạc ấy đã được hoà quyện cùng sự bình dị, thân gần của sân khấu như thể hiện được cả tâm hồn của người nghệ sĩ sáng tác tài hoa.

Sân khấu của đêm nhạc lần này được dàn dựng và thiết kế với những hình ảnh vô cùng giản dị, gần gủi nhưng không kém phần sang trọng như: Mái nhà rơm, giàn mướp, con thuyền trôi trên sông, những giọt mưa rơi lang thang, lãng mạn trên sân khấu… Một không gian trữ tình, biến ảo, rất nhiều màu sắc liên tục xuất hiện trên sân khấu mang cho khán giả cảm giác thú vị nhưng thân thuộc.

Vở nhạc kịch bolero mà đạo diễn âm nhạc Nguyễn Quang kể là câu chuyện bước ra từ trong từng lời hát, là tâm trạng khi sang tác của nhạc sĩ Vinh Sử, những câu chuyện tình dang dở, những niềm yêu trăn trở sau vách nghèo, nỗi lòng của kẻ sa cơ lỡ vận và những hạnh phúc nhen nhóm… Nhạc Vinh Sử khá tiêu biểu cho dòng nhạc sến, là buồn, và u sầu, là trăn trở, nhưng cách làm mới cũng như dàn dựng sân khấu sống động đã không để lại cảm giác đó, mà khiến khán giả bị thu hút, thao thức cùng từng cung bậc cảm xúc. Nói như ca sĩ Lệ Quyên là đôi khi hát mà cô nhìn xuống dưới khán giả, thấy có nhiều vị khán giả cười tủm tỉm, cô hiểu đó chính là tâm sự của nhạc sĩ đã gắn vào những ký ức nào đó của chính khán giả.


Ca sĩ Bảo Khánh với con thuyền độc mộc trong ca khúc Lỗi hẹn cùng Tôn  nữ

Nhạc sĩ Nguyễn Quang đã chia sẻ: “Cái khó khăn nhất trong đêm nhạc là làm sao để những tác phẩm cách đây 50 năm của nhạc sĩ Vinh Sử sau khi được dàn dựng, hòa âm và phối khí nhưng vẫn giữ được linh hồn của bài hát. Vì tôi đã nghe và nghiên cứu rất nhiều về nhạc của nhạc sĩ Vinh Sử trước khi làm chương trình, nên tôi mong muốn xây dựng một sân khấu mang đúng tâm hồn của nhạc Vinh Sử”.

Ca khúc Lỗi hẹn cùng tôn nữ do ca sĩ Bảo Khánh biểu diễn là một trong những tiết mục được đạo diễn âm nhạc Nguyễn Quang dàn dựng công phu nhất. Khán giả đã vô cùng bất ngờ khi thấy ca sĩ Bảo Khánh trên chiếc thuyền độc mộc từ từ hiện lên trên sân khấu và trôi đi nhè nhẹ, nhè nhẹ trong biển khói sương mờ ảo. Từ đó, giọng hát khan khan lạ lùng mà say đắm của Bảo Khánh cất lên khiến người ta ngỡ như mình đang ở trên cầu Trường Tiền và ngắm sông Hương mộng mơ. Cảnh sắc ấy, cách làm và đầu tư đó khiến nhiều khan giả xuýt xoa như đang được xem ở những chương trình đầu tư lớn.

Đó cũng chính là sự thành công của việc kết hợp khéo léo giữa những nhạc cụ dân tộc và âm nhạc hiện đại đã mang đến một sắc thái mới cho đêm nhạc Vinh Sử. Nhà sản xuất cũng rất cầu kỳ và cẩn trọng khi đầu tư mời hẳn cả ban nhạc từ Sài Gòn ra để thực hiện chương trình với tâm ý, dù có mặc “áo mới” như thé nào đi chăng nữa, thì nhạc Vinh Sử vẫn phải “đúng chất”, đúng tâm hồn của nhạc sĩ. Và như con thuyền trôi trên song như thế, đêm nhạc Vinh Sử đã trôi vào ký ức của người xem những giai điệu, hình ảnh không thể quên.


Lệ Quyên bên mái lá nghèo trên sân khấu

Nhạc sĩ Nguyễn Quang là con trai của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, nhưng anh không được cha khích lệ theo con đường âm nhạc mà bắt anh phải theo học và tốt nghiệp trường Đại học kinh tế. Nhưng vì quá đam mê nghệ thuật, Nguyễn Quang đã lén giấu gia đình đi theo con đường âm nhạc và cho đến bây giờ, anh đã có hơn 30 năm gắn bó và cống hiến cho nền âm nhạc nước nhà trong vai trò là nhạc sĩ hòa âm – phối khí, đạo diễn âm nhạc.

Từ năm 17 tuổi, nhạc sĩ Nguyễn Quang đã bắt đầu tham gia vào ban nhạc của Đoàn nhạc kịch nói Kim Cương, sau đó là Đoàn ca nhạc Đài truyền hình TP.HCM, Đoàn ca nhạc nhẹ tháng 8… và tham gia các chuyến lưu diễn từ Bắc chí Nam. Cũng trong giai đoạn nền tân nhạc Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ tại Sài Gòn, nhạc sĩ Nguyễn Quang đã là người quản lý các phòng trà có tiếng một thời như phòng trà M và Tôi, Tiếng Tơ Đồng, phòng trà 2B… Đến năm 2004, theo lời mời của một trung tâm âm nhạc nước ngoài, nhạc sĩ Nguyễn Quang xuất ngoại làm việc và tiếp tục học tập, lấy bằng đạo diễn âm nhạc của một trường đại học danh tiếng tại Mỹ.

Khoảng 3 năm trở lại đây, anh quyết định trở về nước trong vai trò đạo diễn âm nhạc và bắt tay vào làm các chương trình ca nhạc lớn phát trực tiếp trên sóng quốc gia như Son Vàng, Tình khúc vượt thời gian.v.v…


Đạo diễn Nguyễn Quang và diễn viên Chiến Thắng ở hậu trường sân khấu

Tiếp nối sự thành công của đêm nhạc Vinh Sử lần này, công ty “Vàng Son một thủa” sẽ tiếp tục thực hiện đêm nhạc vinh danh các nhạc phẩm của nhạc sĩ Lam Phương vào tháng 9/2015. Nguyễn Quang cũng chia sẻ: “Trong các chương trình, tôi luôn cố gắng để không có sự trùng lặp về ý tưởng. Tất cả các tiết mục trên sân khấu phải được phối hợp rất nhịp nhàng giữa âm thanh và ánh sáng để thu hút người xem. Chính vì vậy đêm nhạc Lam Phương sắp tới hứa hẹn sẽ mang đến cho khán giả những tiết mục vô cùng đặc sắc và mới lạ.

Minh Trí

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm