Bầu Đức và HAGL: Tâm thôi chưa đủ!

12/08/2015 19:29 GMT+7 | Bóng đá Việt

(Thethaovanhoa.vn) - 20 vòng đấu đã qua của V-League 2015, HAGL thua 12, hòa 5, thắng 3. Hơn 2/3 chặng đường của V-League 2015 đã trôi qua và đó là kết quả của lứa “gà nòi” đầu tiên mà ông Đoàn Nguyên Đức – Chủ tịch tập đoàn HAGL dành tâm huyết để đầu tư 8 năm trước.

Đầu tư vào bóng đá trước hết một Mạnh Thường quân cần sự đam mê, nhiệt tình, tâm huyết. Những điều này bầu Đức có đủ, đôi khi là thừa. Khi bóng đá Việt Nam đi xuống, giấc mơ vàng SEA Games vẫn chỉ là những hoài mong, bầu Đức đã thành lập Học viện bóng đá Hoàng Anh Gia Lai Arsenal JMG với mong muốn ban đầu là “đánh bại người Thái”.

Sự đầu tư mạnh mẽ từ việc tuyển chọn cho tới chế độ tập luyện, dinh dưỡng, những chuyến tập huấn, tất cả điều như trong mơ. Màn trình diễn của U19 Việt Nam trong năm 2013- 2014 với nòng cốt là các thành viên đến từ HAGL Arsenal JMG đã đem lại niềm tin trong lòng người hâm mộ Việt Nam chưa bao giờ lớn đến thế.

Nhưng rồi khi V-League 2015 diễn ra, những sự thật đã được bóc trần, những sai sót đã được bộc lộ trong cái cách làm bóng đá của bầu Đức.


HAGL quá non nớt và những trận thua liên tiếp tại V-League khiến tâm lý của họ bị ảnh hưởng. Ảnh: Phạm Tuân

Công Phượng, Tuấn Anh, Xuân Trường, … bắt đầu sự nghiệp thi đấu chuyên nghiệp vào đầu năm 2015 khi thi đấu ở V-League ở tuổi 20. Quãng thời gian trước đó, các đối thủ các em thi đấu dù có cao to, chuyên môn lớn hơn nhưng dù sao vẫn chỉ là “bạn bè cùng trang lứa”.

Trên thế giới, một cầu thủ có thể có màn ra mắt CLB ở tuổi 17 khi cơ thể, tâm sinh lý đã phát triển đầy đủ. Thời gian thi đấu dù ít hay nhiều nhưng sự trải nghiệm, quan sát làm kinh nghiệm trận mạc, độ lì lợm của cầu thủ tăng lên.

HAGL-JMG được xây dựng theomô hình JMG, tập theo giáo án của Arsenal? Wilshere chẳng phải đã ra mắt Arsenal ở tuổi 16 hay anh chàng Denayer, sản phẩm của JMG Bỉ, người mà Công Phượng đổi áo đấu trong trận đấu với Manchester City cũng đã làm “lính đánh thuê” ở Celtic từ khi 18.

Mùa giải 2015 bắt đầu, Đức đã thanh lý hợp đồng với hầu hết với đội hình mùa giải 2014, ngay cả những trụ cột như Timothy, Akpan, Đoàn Văn Sakda, Văn Pho, ... và chỉ giữ lại những gương mặt trẻ Út Cường, Hoàng Thiên, Đức Lương, Minh Vương...

Ai cũng hiểu rõ bầu Đức đang muốn thanh lọc hoàn toàn, triệt để để tạo ra cho CLB HAGL một bộ mặt mới, trẻ trung, các cầu thủ được đôn lên từ Học viện và đội trẻ sẽ có nhiều cơ hội thi đấu. Điều này khiến đội bóng không có tính kế thừa, những Tuấn Anh, Xuân Trường ở tuổi đôi mươi đã được làm “đàn anh”.


HLV Guillaume Graechen thiếu kinh nghiệm huấn luyện thực tế. Ảnh: Thanh Hà

Khi ra sân thi đấu, áp lực, trách nhiệm gánh vác một đội bóng đặt lên vai những cậu bé mới qua tuổi 20 là rất nặng khiến đôi chân không được thanh thoát. Để một cầu thủ trẻ có thể phát triển toàn diện, ngoài việc được thi đấu thường xuyên, anh ta còn cần sự dìu dắt từ những đàn anh.

Đáng nói hơn, đội quân non trẻ ấy còn được dẫn dắt bởi một HLV chuyên về đào tạo trẻ. Có thể bầu Đức cho rằng vì đã ăn tập với lứa cầu thủ đầu tiên, ông Guillaume Graechen đã hiểu rõ điểm mạnh, yếu của các cầu thủ nên khi dẫn dắt sẽ có những lợi thế nhất định.

Nhưng mỗi đội bóng đều chia ra những HLV ở các cấp bậc U18, U21, cũng như khi bạn đi học, đâu phải giáo viên dạy bạn lớp 1 có thể đi cùng bạn tới năm lớp 12. Điều họ cần là 1 HLV có kinh nghiệm, như ông Lê Thụy Hải chẳng hạn?

HAGL thiếu một GĐKT. Trong một CLB, GĐKT là một người đưa ra những chiến lược phát triển, là “cánh tay phải” của Chủ tịch. Bầu Đức cần một vị “quân sư” giúp ông có đưa ra những ý kiến chính xác.

Bầu Đức là một doanh nhân, chắc hẳn những hiểu biết về làm bóng đá của ông chưa thực sự sâu nhưng ở HAGL hiện còn thiếu cả những quân sư đủ tầm để trở thành cánh tay phải cho ông.

Khoa Nguyễn

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm