04/04/2018 06:11 GMT+7 | Bóng đá Việt
(Thethaovanhoa.vn) - Nếu có một cuộc bình chọn dành cho giải VĐQG chuyên nghiệp bị đối xử phũ phàng nhất thế giới thì có lẽ V-League xứng đáng có một vị trí nằm trong Top 5, hoặc thậm chí là Top 3. Sở dĩ nói thế là bởi hiếm giải VĐQG nào trên thế giới lại hay bị đe doạ tẩy chay như V-League, và điều đáng nói là lời đe doạ này có thể xuất phát từ bất cứ ai.
Đấy có thể là một cầu thủ vì không hài lòng với án phạt của BTC mà đưa ra những tuyên bố mang tính chất “nắn gân” kiểu nếu như không được giảm án thì sẽ cân nhắc khả năng treo giày
Chẳng hạn như Công Vinh (CLB T&T Hà Nội) năm 2010, Ngọc Tùng (CLB TP.HCM) năm 2011, Chí Công (B.Bình Dương năm 2012 và XSKT Cần Thơ năm 2016). Cũng có trường hợp cầu thủ doạ đình công vì bị nợ tiền lương thưởng như trường hợp của CLB Than Quảng Ninh hồi đầu mùa bóng 2014.
Tuy nhiên, số lượng cầu thủ tuyên bố từ bỏ V-League thật chẳng thấm tháp gì so với số lượng ông bầu muốn dứt áo với giải VĐQG chuyên nghiệp, mà tiêu biểu trong số này phải là bầu Nguyễn Đức Thụy (Xuân Thành Sài Gòn) với 2 lần thông báo doạ bỏ giải ở mùa bóng 2012 và 2013, rồi cuối cùng ông Thụy đã chia tay bóng đá.
Danh sách những ông bầu từ bỏ V-League còn có những cái tên như ông Trần Đình Long của Hoà Phát, ông Hoàng Mạnh Trường của V.Ninh Bình, ông Nguyễn Văn Đệ của Thanh Hoá… Đấy là những ông bầu đã hoàn toàn dứt áo với bóng đá Việt Nam và chắc chắn sẽ không bao giờ hẹn ngày quay lại.
Cũng có những ông bầu khác đưa ra lời tuyên bố bỏ giải kèm theo điều kiện này kia, như trường hợp ở mùa bóng năm ngoái ông bầu Trịnh Văn Quyết doạ sẽ chia tay V-League nếu như Ban Kỷ luật không giảm án treo giò cho tiền đạo Omar (FLC Thanh Hoá), hay việc Chủ tịch CLB Long An, Võ Thành Nhiệm nói sẽ cho CLB của mình rút lui khỏi bóng đá nếu tiếp tục bị trọng tài xử ép.
"Hòn bấc ném đi thì hòn chì ném lại", nếu có những ông chủ hoặc cầu thủ dọa bỏ bóng đá vì bị đối xử không công bằng thì cũng có trọng tài cho biết sẽ xem xét giải nghệ nếu như không được tôn trọng, như vụ việc trọng tài Nguyễn Trọng Thư, người cầm còi trong trận đấu gây tranh cãi giữa CLB TP.HCM và CLB Long An trên sân Thống Nhất hồi tháng 2/2017, từng tuyên bố anh em trọng tài nội sẽ xin nghỉ làm giải luôn nếu BTC cảm thấy không tin tưởng.
Tóm lại, thành phần đưa ra tuyên bố chia tay V-League rất đa dạng, không bị giới hạn trong bất cứ phạm vi nào, chỉ khác biệt ở chỗ có những người đã thực sự từ bỏ bóng đá Việt Nam, còn có người thì hiện vẫn đang là thành viên của giải đấu, nhưng luôn thường trực ý tưởng bỏ giải nếu như gặp phải một điều gì đó trái ý, mà chiếm số lượng đông đảo nhất đương nhiên vẫn là các ông bầu.
Vấn đề đặt ra ở đây là liệu V-League có xứng đáng bị đem ra làm con tin để mặc cả như vậy hay không, khi bản thân giải VĐQG chuyên nghiệp thực ra chỉ là “nạn nhân” trong cuộc tranh cãi của những người đang tham gia cuộc chơi bóng đá, mà ở đấy thì chỉ cần cảm thấy không hài lòng với một hoặc một số đối tượng nào đó là người ta có thể dễ dàng buông ra những lời doạ dẫm.
Đấy là một điều rất không công bằng, bởi dám chắc chẳng ông bầu nào dám tuyên bố bóng đá chẳng đem lại cho họ bất cứ lợi nhuận nào kể từ khi họ gắn bó với V-League. Bóng đá là một kênh quảng bá truyền thông vô cùng lợi hại, và nhiều ông bầu cũng như doanh nghiệp chỉ được công chúng biết tới nhờ gắn tên với bóng đá, thậm chí có ông bầu còn được nhận nhiều hơn thế nhờ bóng đá.
Nói cách khác, V-League hay nói rộng ra là bóng đá Việt Nam không nợ ân tình của bất cứ ông bầu nào, và đây là một cuộc chơi hoàn toàn sòng phẳng, khi mà mỗi bên đều có quyền lợi và nghĩa vụ như nhau, và nếu một ngày nào đó cảm thấy không còn có thể chung đường thì hãy nói lời chia tay một cách vui vẻ và văn minh, chứ không nên sử dụng V-League như là con tin, hễ trái ý phật lòng là lại đưa ra những lời doạ dẫm bỏ giải.
Nói yêu nhau đừng buông lời doạ dẫm là mang ý nghĩa như vậy.
Huy Anh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất