Hà Trần: Tết bên Mỹ Thực tế là buồn!

02/02/2011 08:48 GMT+7 | Âm nhạc

Với Hà Trần, đơn giản tôi có cảm giác đang trò chuyện với một người bạn mẫn tiệp, hiểu biết- hơn là với một ca sĩ nổi tiếng như hình dung thông thường. Hầu như về bất kỳ chủ đề gì, cô đều có quan điểm riêng.


Vẫn trẻ nhất trong đội ngũ diva Việt, cô là gạch nối giữa hai thời kỳ- thời của diva và thời của các nghệ sĩ độc lập.

* Ô nhiễm môi trường, biến đổi khí hậu, một số loài động vật đã và đang tuyệt chủng, hay nạn buôn người, bạo hành phụ nữ, bạc đãi trẻ em… có thể khiến Hà quan tâm và sẵn sàng đấu tranh hơn cả? Vì sao?

- Tất cả những vấn đề này tầm quan trọng như nhau, nhưng ưu tiên với tôi là ô nhiễm môi trường- điều kiện ảnh hưởng sự sống, và bạc đãi trẻ em- vì trẻ nhỏ không biết gì hơn và không được lựa chọn. Những tệ nạn liên quan đến trẻ em là tội lỗi của người lớn.

* Giả sử buộc phải chọn lựa giữa việc có con và sự nghiệp, Hà sẽ quyết định như thế nào?

- Nếu chưa có sự nghiệp, con cái chắc chắn không phải là ưu tiên của tôi. Trẻ con không đòi được sinh ra. Đưa một người vào đời, với tôi, là để lại. Mình chưa thành công thì có gì để lại?

* Nghĩa là phụ nữ nên thành đạt đã rồi mới sinh con?

- Quan niệm của tôi về sự thành đạt là có sự nghiệp. Có sự nghiệp đòi hỏi thời gian và thời gian làm người ta chín chắn, khôn ngoan. Sinh con khi đã trưởng thành, việc nuôi dạy hợp lý hơn. Bởi khi đủ từng trải để hiểu rõ những bổn phận của bản thân, mới có thể ý thức trách nhiệm cho một người khác.

* Đôi khi thành công của người mẹ chính là đứa con thì sao? Người ta hẳn không sai khi khẳng định làm mẹ là thiên chức của phụ nữ?!

- Mẹ nào cũng có thể nuôi con được, nhưng dạy là một chuyện khác. Phụ nữ đẻ sớm phải hy sinh nhiều thứ, vất vả và lúng túng với chính bản thân đã đành, mà còn ảnh hưởng đến sự hình thành nhân cách đứa con. Họ thường hay kỳ vọng vào con cái những gì họ thiếu hụt hoặc không đạt được trong đời sống. Tôi đã nhìn thấy rất nhiều gia đình như thế. Con cái lớn lên lại tiếp nối đổ những mặc cảm ấy sang thế hệ sau. Nuôi thì có thể dựa vào thiên chức, bản năng, chứ dạy phải dựa vào vốn sống.



* Di chuyển nhiều, chắc Hà có nhiều chuyện thú vị để chia sẻ với độc giả trong cương vị du khách?


- Đời sống luôn mới mẻ khi mình di chuyển. Chỉ múi giờ khác biệt, cảm xúc đã thay đổi rồi. Phong tục, tập quán, văn hóa và phong cảnh cũng làm con người khác biệt. Có 2 cách nhanh nhất để hiểu về một chỗ mới là làm quen, sinh hoạt chung với người bản xứ và ăn đồ ăn của họ. Ẩm thực khiến người ta quây quần và cởi mở. Xứ nào không có văn hóa ẩm thực thường là một chỗ buồn tẻ, khô cứng, chán ngắt.

* Hà còn muốn đi những đâu?

 - Nhiều chứ. Tôi muốn xuống Nam Mỹ- những nước như Brazil, Peru, Argentina. Châu Âu tôi cũng còn muốn đi nhiều xứ, nhất là vùng Bắc Âu. Tôi muốn đi khắp thế giới.

* Du lịch, mua sắm, vào bếp hay đi spa… sẽ được Hà ưu tiên lựa chọn để xả stress? Vì sao?

- Đi mua sắm thì còn stress hơn. Với tôi sẽ là vào bếp. Nấu ăn ngon chẳng những mình được hưởng, mà khoái chí nhân đôi khi người khác cũng khoái khẩu. Tôi không thuộc tuýp phụ nữ đi spa, đến thẩm mỹ viện để giải trí. Ngồi một chỗ cho người khác phục vụ, tôi thấy mất thì giờ.

* Những việc nhất định phải xảy ra trong một ngày lý tưởng của Hà Trần?

- Thể dục buổi sáng, làm việc hiệu quả, hưởng một bữa ngon tự tay mình nấu, và tối diễn thành công.

* Thích nấu ăn, hẳn phải quan tâm đến dinh dưỡng. Hà Trần có thể chia sẻ bí quyết ăn uống để có một thân hình khỏe đẹp như bạn đang sở hữu?

- Ăn đồ Việt Nam nhiều rau tốt, nhưng hơi thiếu dinh dưỡng. Ăn đồ Tây đảm bảo dinh dưỡng lại béo, dễ tăng kí. Nên để đảm bảo sức khỏe mà không béo thì phải để ý thành phần dinh dưỡng. Tôi ăn nhiều rau quả, thịt cá và giảm tinh bột, dầu mỡ, đường… Tôi chỉ tham khảo những nguyên tắc dinh dưỡng cơ bản mọi người đều có thể tìm hiểu qua các tạp chí về sức khỏe, thể thao. Không có chế độ đặc biệt nào cả.

* Lịch vận động thể chất của Hà có căng thẳng như của Madonna?! Mời bạn tiếp tục chia sẽ bí quyết giữ dáng?

- Tôi cũng thuộc loại khoái ẩm thực, mà đồ ăn ngon miệng thường làm tăng cân. Tuy thế, nếu cân bằng với vận động thì vẫn được. Mỗi ngày tôi dành khoảng 1 giờ tập thể dục. Ý thức quan trọng hơn cả, bận mấy cũng có thể xen kẽ 10-15 phút trong ngày để vận động. Chẳng hạn thay vì ngồi một chỗ lướt mạng giữa giờ, bạn có thể xuống đường đi bộ, hoặc làm vài động tác thể dục nhẹ. Có thể tập theo đĩa ở nhà, không cần cầu kì gì cả. Thể thao có cái hay là luyện tính kỷ luật. Đầu tiên bao giờ cũng ngại, nhưng đã quen rồi dễ ghiền vì thấy cơ thể khỏe mạnh, nhẹ nhàng, phấn chấn hơn. Bí quyết giữ dáng của tôi là ăn nhiều…bữa, và cân bằng dinh dưỡng và hoạt động thể chất.

* Thử thư giãn bằng việc hình dung cuộc sống của Hà Trần, khi cô ấy không có giọng hát của một ca sĩ?

- Tôi khá năng động đấy. Từ xưa đến giờ, những gì thích tôi đều làm được. Nhờ giọng hát mà tôi được… lười thôi.

* Đa số các ngôi sao càng nổi tiếng càng xinh đẹp hơn. Ngoài việc phẫu thuật thẩm mỹ, theo Hà còn có những lý do nào khác, từ kinh nghiệm bản thân?

- Sự nổi tiếng đem lại kinh tế, dễ phục vụ các nhu cầu bản thân hơn. Tôi chỉ tin vào một phương pháp truyền thống: tập thể dục, sinh hoạt có kỷ luật và ăn uống khoa học. Những gì nạp vào người thuộc về tự nhiên thì lâu bền nhất.  Phẫu thuật thẩm mỹ đạt  hiệu quả tức thì, nhưng đa số làm người ta giống nhau. Tôi chỉ dùng khoa phẫu thuật thẩm mỹ trong trường hợp bất khả kháng, chẳng hạn như gãy, rơi rụng cái gì không tự cải tạo nổi.

* Hà làm việc và nổi tiếng trong cộng đồng người Việt, nhưng có lẽ lại là một dân thường giữa những người bản xứ. Hẳn đó là một cuộc sống lý tưởng đối với một ngôi sao, khi muốn luôn có thể sắm vai thường dân. Hà nghĩ sao về điều này?

- Tôi nghĩ nhu cầu làm “phó thường dân” ai cũng có, kể cả thủ tướng. Thử tưởng tượng về nhà vẫn phải lên com-lê, cà-vạt, nói chuyện chính sách này nọ thì có mà chết. Hình ảnh nổi tiếng là cái bộ mặt “công sở” của tôi. Đời thường rũ bỏ áo mão, tôi cũng chỉ là một người như mọi người mà thôi.

* Xã hội ngày càng phát triển, người ta càng hay nói về “phong cách sống”. Hà hình dung về khái niệm này như thế nào?

- Theo cách hiểu của tôi thì phong cách sống phụ thuộc vào vào khả năng biết thu xếp đời sống. Được một mà muốn mười thì chết toi, cuộc đời trở thành cuộc đua đuổi mồi bắt bóng. Tôi biết nhiều người như thế lắm, không bao giờ cân bằng và không biết đến hạnh phúc. Tôi luôn thấy rất đầy đủ, dù tôi chẳng thừa tiền. Bố mẹ tôi dạy con coi trọng những giá trị tinh thần, tình nghĩa. Thế có cái hay là con cái không quỵ lụy tiền bạc, nhưng cũng dở là chúng tôi rất lơ ngơ về tài chính. Từ ngày mẹ mất, phải tự lập hơn, tôi học được giá trị của sự tiết kiệm. Nó giúp tôi làm chủ đời sống, và còn có thể giúp đỡ người khác khi cần. Nói chung, những bài học tôi nhận được từ cuộc đời này rất cơ bản, chẳng có gì xa hoa cả. Nhưng những giá trị cơ bản luôn là giá trị kinh điển. Đi lòng vòng rồi cũng phải trở về cơ bản mà thôi.

* Có cảm giác Hà luôn làm chủ được cuộc sống của bản thân. Những nguyên tắc về phong cách sống Hà luôn giữ cho mình?

- Là những nguyên tắc cơ bản. Tôi là người cho chứ không phải người lấy, nên tôi thích giúp đỡ, tạo điều kiện cho người khác. Với bản thân, tôi đơn giản, thích gần thiên nhiên, thích hoạt động thể chất, thích tìm hiểu tự nhiên và khoa học xã hội. Tôi cũng biết tự chăm sóc mình, cho mình cái quyền làm những gì mình thích và hưởng thụ những gì tôi có. Khi tự tin và say sưa với chính mình, mới có thể truyền niềm vui sống sang người khác được.

* Hà quả là biết hưởng thụ cuộc sống…

- Hưởng thụ cuộc sống không có nghĩa là giàu nứt đố đổ vách, vẫy một ngón tay là có cả thế gian. Với tôi, hưởng thụ cuộc sống đơn giản là hiểu và nắm được những giá trị của đời sống phù hợp với nhu cầu bản thân. Theo ý nghĩa này, tôi đang hưởng thụ mỗi ngày tôi sống.

* Ca sĩ luôn phải lo may sắm trang phục mới. Hà giải quyết đồ cũ thế nào?

- Tôi luôn có đủ, không thừa không thiếu. Đồ cũ nếu là trang phục thường ngày, tôi cho từ thiện, cho người thân thích. Trang phục diễn vì khá đặc biệt, nên tôi giải quyết qua những trang web bán đồ sưu tập, và dùng số tiền thu được cho từ thiện. Có lẽ tôi là một người nổi tiếng “tẻ nhạt” chăng? Cuộc sống của tôi có vẻ rất chuẩn mực, điềm đạm cho một người của công chúng.



* Cuốn sách thú vị mà Hà muốn chia sẻ với bạn đọc? Các tác phẩm này đã ảnh hưởng Hà như thế nào?


- Cuốn tôi đọc gần đây đã được dịch ra trong nước là Bài giảng cuối cùng của Randy PauschBố giàu bố nghèo của Robert Kiyosaki, nói về cách thu xếp và giải quyết các vấn đề trong cuộc sống cá nhân. Tôi khoái đọc các cuốn tự truyện, các cuốn chia sẻ kinh nghiệm của những nhân vật thành đạt. Bí quyết thành công của họ ai cũng biết, nhưng không phải ai cũng theo nổi.  Đó là lòng kiên nhẫn và lao động.

* Ăn Tết ở Mỹ có gì đặc biệt? Hà chuẩn bị đón Tết này như thế nào?

- Tết ở Mỹ thực tế là buồn. Không thể có không khí náo nức như ở Việt Nam, khi mà mọi người vẫn phải đi làm. Tuy vậy, cộng đồng người Việt rất cố gắng đem lại không khí Tết cho bà con qua nhiều hoạt động như hội chợ Tết, ca nhạc, diễu hành hoa v.v… Rất tiếc, năm nay tôi không về nhà được, nên chắc chắn tôi sẽ tham gia văn nghệ bên này thôi. Nếu về Việt Nam, tôi sẽ không đi hát, mà dành ngày Tết đi thăm gia đình, bạn bè

* Việc chuyển vùng sống có tác động thế nào đến sự nghiệp của Hà Trần? Đơn cử việc chỉ phải diễn vào cuối tuần, nên Hà sẽ có thời gian đi chơi hoặc tập trung cho những dự án dài hơi?

- Về thời gian biểu, đúng là thư thái hơn. Nhưng trở ngại là nhận thức rộng lớn ra, khiến tôi thấy thành quả đã có là rất nhỏ, rất khiêm tốn và chẳng có ý nghĩa mấy. Điều này khiến tôi nghi ngờ những giá trị của âm nhạc. Để an ủi, động viên tinh thần, tạo nên trào lưu và thời trang, âm nhạc hoàn toàn đáp ứng. Để thay đổi đời sống thì không. Con người cần nhiều hơn chỉ âm nhạc.

* Như thể đã có lúc Hà “ảo tưởng” mình chỉ cần có âm nhạc?

- Tôi đến với âm nhạc vì di sản gia đình để lại và nối nghiệp bố mẹ khi anh trai tôi quyết định đi theo một con đường khác. Âm nhạc là một trách nhiệm, là sĩ diện của gia đình mà tôi phải thừa lãnh. Nhưng tôi không bao giờ tranh đấu, giành giật vì nó, như người ta phải làm trong bất cứ một nghề nghiệp nào để thành công và tồn tại. Thái độ của tôi với âm nhạc là một cuộc chơi thuần túy, vui thì chơi và chơi hết mình. Với nghề nghiệp, tôi là một kẻ chân trong chân ngoài, vừa thấu hiểu tất cả những yếu tố liên quan đến công việc, vừa đứng ngoài tất cả các hệ lụy, sân si của ngành công nghiệp giải trí. Nên tôi cũng chẳng nuôi ảo tưởng vào âm nhạc.

* Những điều gì đang cần cho cuộc sống của Hà hơn âm nhạc?

- Nhiều lắm. Tôi muốn một gia đình bình yên và đầy đủ. Tôi cần những thử thách mới khi cuộc chơi, với tôi, là bớt vui rồi. Ngành âm nhạc bây giờ chất lượng, tài năng và sự khiêm tốn không còn được coi trọng. Thay vào đó là các giá trị ảo và vận động hành lang…- những thứ mà không phải tôi không biết, không làm nổi, mà thực sự là không muốn làm. Nên tôi chỉ đầu tư cho âm nhạc trong quy mô nhỏ những người giống tôi, có thể chia sẻ với tôi mà thôi.

Theo Lửa ấm

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm