Coldplay và Hà Trần: ai mượn nhạc ai?

24/10/2011 20:35 GMT+7 | Âm nhạc

Trong khi nghi án Coldplay và Rihana "mượn" nhạc Hà Trần vẫn còn nhiều tranh cãi thì trong album Mylo Xyloto chính thức ra mắt hôm 24-10 trên toàn thế giới, Coldplay đã chú thích rõ ca khúc Princess of China có dùng sample (mẫu có sẵn).


Ca sĩ Hà Trần và nhạc sĩ Thanh Phương - Ảnh: Jundat


Phần giới thiệu album Mylo Xyloto ghi rõ: “Princess of China (Công chúa Trung Hoa) đã lấy từ Takk... sáng tác bởi Jón Þór Birgisson, Orri Páll Dýrason, Georg Hólm, Kjartan Sveinsson của nhóm Sigur Rós”.

Ngày 23-10, một thành viên của trang âm nhạc http://m-mosaic.com cho biết: “Đã nhận được album mới của Coldplay nhờ đặt hàng qua mạng từ trước. Nhìn vào giới thiệu bài Princess of China, lên mạng tìm kiếm vài giây là mọi việc rõ ràng”.

Từ thông tin này, một số cư dân mạng đã đặt giả thuyết cả Ra ngõ tụng kinh của Hà Trần và Princess of China của Coldplay đều sử dụng cùng một sample, tức là Hà Trần đã lấy mẫu từ một bản nhạc khác nhưng không ghi rõ trong đĩa nhạc của mình, còn Coldplay cũng lấy mẫu từ bản nhạc này nhưng có ghi thông tin cụ thể.

Điều này giống với giả thuyết của nhạc sĩ Nguyễn Hải Phong khi trả lời trên một tờ báo mạng: “Rất có thể người hòa âm phối khí bài của Hà Trần đã dùng sample trên thế giới, có thể mua trả tiền hoặc dùng miễn phí từ năm 2008. Đến năm 2011, người thực hiện hòa âm phối khí cho Rihanna cũng sử dụng sample giống như vậy. Sample này có từ trước năm 2008 nên cũng không thể nói ai đạo ai được”.

Trước đó, trao đổi với Tuổi Trẻ, nhạc sĩ Thanh Phương - người phối khí album Trần Tiến của Hà Trần - cho biết: “Tôi đã phối ca khúc này cùng Hà Trần tại Mỹ vào năm 2008 khi qua đây thực hiện album. Vì đây là câu vocal dạo đầu nên khi phối, tôi đã làm việc cùng Hà để có được một câu nhạc hợp lý và ưng ý nhất cho cả hai. Chúng tôi đã cùng viết câu dạo đầu này và nó khá là đặc biệt”. Nhạc sĩ Thanh Phương cũng tỏ ra bất ngờ trước sự tương đồng với Princess of China.


Bìa album Mylo Xyloto của nhóm Coldplay - Ảnh: Wiki

Trong một bài viết trên trang m-mosaic, tác giả M!osaic Team còn chỉ ra rằng hiện tượng sử dụng sample khá phổ biến trên thế giới và là một vấn đề đau đầu cho các nghệ sĩ và ban nhạc. Tác giả M!osaic Team cũng chỉ ra rằng tại Việt Nam cũng ghi nhận những hiện tượng như Beautiful girl của Minh Hằng lấy từ Tik Tok của Ke$ha hay Hồ Ngọc Hà với Thêm một lần vỡ tan lấy từ Red Blooded Woman của Kylie Minogue.

Trong khi đó, một số khán giả lại cho rằng điều này chưa đủ để lý giải vì sao những câu hát dạo đầu của Princess of China lại rất giống với Ra ngõ tụng kinh. Bạn có nick Giothoivivu bình luận: “Dù cùng sample nhưng câu dạo đầu thì sao chế biến giống nhau thế”.

Đồng thời nhiều khán giả tinh ý nhận ra phần hòa âm của cả Ra ngõ tụng kinh nhất là đoạn “ê…a” lại có phần giống với khúc ca Đốn củi của thổ dân Tomahawk, từng được đội bóng chày Atlanta Braves, bang Georgia, Mỹ, sử dụng.

Trên trang khuya.net, một thành viên viết: “Bạn có tin Thanh Phương, Hà Trần hay biết đâu chính Coldplay cũng đang đùa? Phần hòa âm album cùng tên Ra ngõ tụng kinh của Hà Trần được thực hiện ở Mỹ, và chúng ta có khúc ca Đốn củi của thổ dân Tomahawk mà đội bóng chày Atlanta Braves (thành lập từ năm 1871) ở bang Georgia, Mỹ sử dụng”.

Hiện tại những tranh cãi xoay quanh vấn đề này vẫn chưa ngã ngũ.

Mời bạn đọc nghe để phân biệt:

 


Theo Tuổi trẻ

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm