30/11/2017 11:09 GMT+7 | Thế giới
(Thethaovanhoa.vn) - Thành phố Hà Nội đã thống nhất phương án cải tạo môi trường nước hồ Hoàn Kiếm. Theo đó, sẽ nạo vét bùn, dùng nước ngầm bổ sung nước hồ và dùng chế phẩm Redoxy-3C làm sạch nước hồ.
Đây là thông tin được ông Võ Tiến Hùng, Tổng Giám đốc Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đưa ra.
Ông Võ Tiến Hùng cho biết, sau khi xin ý kiến, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch thống nhất phương án cải tạo môi trường nước hồ Hoàn Kiếm do Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội đề xuất với các nội dung rà phá bom mìn lòng hồ, nạo vét bùn lòng hồ, xây dựng bể ngầm cấp nước cho hồ, xử lý làm sạch nước hồ bằng chế phẩm Redoxy-3C. Đồng thời, Công ty cũng đã xin ý kiến của các nhà khoa học, các hội nghề nghiệp, cộng đồng dân cư và nhận được sự tán đồng.
Về phương án triển khai thực hiện, ông Hùng cho biết, trước khi thi công nạo vét, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội phối hợp với Tiểu đoàn 554-Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội thực hiện rà phá bom mìn, vật nổ để dò tìm, xử lý hết các loại bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh trên mặt bằng hồ.
Để bảo vệ hệ thủy sinh của hồ, đơn vị thi công sẽ khoanh vùng trong quá trình vét bùn đáy, các hoạt động thi công chỉ diễn ra trong ranh giới vùng thi công và dùng lưới quây dồn hệ thủy sinh vào vị trí riêng biệt cách xa khu vực thi công.
Để bổ sung nước cho hồ, các đơn vị sẽ khoan thăm dò nước ngầm tại Hồ Gươm, sử dụng công nghệ của Đức để xử lý nước ngầm trước khi đưa vào hồ.
Theo ông Hùng, phương án sẽ hạn chế ảnh hưởng đến hệ sinh thái là phân vùng nạo vét và triển khai nạo vét trong thời gian dài giúp ổn định lại đường bờ và hệ sinh thái được thích nghi dần dần với sự thay đổi cấu trúc đáy hồ, giảm tác động đến hệ sinh thái hồ…
Bên cạnh đó, Công ty sẽ phối hợp với Trung tâm nghiên cứu đa dạng sinh học và nguồn lợi thủy sản, Viện nghiên cứu nuôi trồng thủy sản 1 thực hiện ngăn lưới, cách ly động vật thủy sinh tại hồ Hoàn Kiếm. Trong quá trình thi công, Công ty sẽ chia lòng hồ thành 3 vùng thi công, căng lưới, dồn thủy sinh để bảo tồn hệ thủy sinh trong hồ; tiến hành thi công dứt điểm trong từng khu vực nên hạn chế ảnh hưởng đến nguồn thủy sinh đặc hữu của hồ.
Về nạo vét bùn, ông Võ Tiến Hùng cho biết, dự kiến nạo vét bùn với khối lượng khoảng 57.400 m3 theo phương án giữ nguyên mực nước không bơm cạn hồ, nạo vét toàn bộ lòng hồ đến cao độ +5.60 m để bảo đảm không bị sạt lở kè xung quanh hồ, kè Tháp Rùa, kè đền Ngọc Sơn. Phạm vi nạo vét bảo đảm cách mép chân kè các công trình trên là 7,0 m.
Biện pháp thi công nạo vét sẽ sử dụng dây chuyền C2 cải tiến gồm máy xúc đặt trên ponton xúc bùn lên phễu chứa máy bơm bùn công suất 40-60 m3/h để bơm bùn lên các xe téc qua hệ thống ống dẫn bùn nằm trên hệ phao nổi; bố trí 2 mũi thi công, mỗi mũi sử dụng 1 dây chuyền C2 cải tiến, thi công song song từ hướng Nam lên hướng Bắc.
Ngoài ra, trong quá trình thi công sẽ thu gom rác, phế thải quanh bờ bằng thủ công cho lên thuyền, xúc lên phương tiện trung chuyển (xe bùn cống ngang), trung chuyển về điểm tập kết; dùng xe thùng kín (xe cẩu bùn cống ngang) vận chuyển về bãi đổ quy định.
Để không ảnh hưởng đến cảnh quan Hồ Gươm, thời gian thi công dự kiến từ thứ Hai đến thứ Năm, thi công từ 23h đến 5h sáng hôm sau. Riêng thứ Sáu đến Chủ nhật thi công từ 24h đến 5h sáng hôm sau. Tổng thời gian thi công trong tuần là 39 giờ. Thời gian nạo vét sẽ bảo đảm hoàn thành trước Tết Mậu Tuất phục vụ nhân dân đón Tết.
Sau khi nạo vét khoảng 3-4 tháng, Công ty TNHH MTV Thoát nước Hà Nội sẽ tiến hành lấy mẫu phân tích, đánh giá chất lượng nước để có phương án xử lý, duy trì chất lượng nước hồ bằng chế phẩm Redoxy-3C.
Thời gian thực hiện từ 1/12/2017 đến 7/2/2018. Tổng kinh phí dự kiến là 29 tỷ đồng.
Diệu Anh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất