23/08/2024 15:21 GMT+7 | Tin tức 24h
Gần 2 tuần nữa, cùng với học sinh cả nước, hơn 2,3 triệu học sinh phổ thông và trẻ mầm non Hà Nội sẽ chính thức bước vào năm học mới 2024 - 2025. Đây là năm học mà Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được phủ kín từ lớp 1 đến lớp 12, cũng là năm lứa học sinh lớp 12 đầu tiên tốt nghiệp Trung học phổ thông theo chương trình giáo dục phổ thông mới.
Bên cạnh đó, việc đảm bảo chỗ học vẫn luôn là ưu tiên của Thủ đô trước tình trạng dân số ngày càng tăng.
Những “ngôi nhà mới” khang trang
Theo ghi nhận của phóng viên TTXVN tại các quận, huyện của Hà Nội, nhiều trường học được xây mới, sửa chữa, cải tạo khang trang, hiện đại với trang thiết bị đồng bộ đã sẵn sàng đón học sinh trong năm học mới. Trong năm học này, Hà Nội tiếp tục dẫn đầu cả nước về số lượng học sinh với hơn 2,3 triệu em, hơn 2.900 trường học. Trước thực tế số học sinh toàn thành phố mỗi năm tăng từ 40.000 - 60.000 em, chính quyền các cấp cũng như ngành Giáo dục và Đào tạo đã có những giải pháp kịp thời, bảo đảm đủ chỗ học cho mọi học sinh.
Với mục tiêu không để học sinh nào thiệt thòi, ngay khi kết thúc năm học 2023 - 2024, các quận, huyện, thị xã và các nhà trường đã khẩn trương triển khai nhiều dự án cải tạo, sửa chữa, nâng cấp, cũng như xây dựng bổ sung, nhất là tại các trường ở địa bàn đông dân cư.
Tại quận Hoàng Mai, năm học 2024 - 2025 sẽ có thêm 4 ngôi trường mới. Trong đó, riêng tại phường Hoàng Liệt (mật cư dân cư cao nhất quận) có thêm 1 trường mầm non, 1 trường tiểu học và 1 trường trung học phổ thông.
Trường Tiểu học Trần Phú (phường Trần Phú, quận Hoàng Mai) vừa được hoàn thiện để kịp đón năm học mới. Với gần 900 học sinh trên tổng số 24 lớp học, nhà trường có sĩ số “đẹp như mơ”, hoàn toàn đáp ứng các điều kiện dạy và học.
Cô Bùi Nguyệt Thu, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Trần Phú chia sẻ, trường có 30 phòng học, 11 phòng chức năng và được trang bị đồng bộ các trang thiết bị dạy học theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018. Các học sinh trong trường đã nhận được sách giáo khoa và sẵn sàng bước vào năm học mới.
Công tác chuẩn bị đón năm học mới tại Trường Mầm non Trần Phú (ngôi trường xây mới nằm ngay sát bên Trường Tiểu học Trần Phú) cũng đã được các cán bộ, giáo viên và nhân viên hoàn tất. “Trước đây, trường phải chia thành 2 điểm, quản lý và triển khai các hoạt động rất vất vả, chưa kể đến tình trạng cơ sở vật chất bị xuống cấp. Nay trường được xây mới, 420 học sinh của 4 khối lớp sẽ được chăm sóc, nuôi dưỡng với cơ sở vật chất khang trang, đồng bộ. Với tổng số 28 giáo viên yêu trẻ, tâm huyết, nhà trường đã sẵn sàng đón năm học mới”, cô Tô Thị Hà, Phó Hiệu trưởng Trường Mầm non Trần Phú chia sẻ.
Năm học 2024 - 2025, học sinh hai thôn Thuận Tốn và Đào Xuyên (xã Đa Tốn, huyện Gia Lâm) sẽ được học tại ngôi trường vừa khánh thành - Trường Tiểu học Đại Hưng. Đây là 1 trong 2 trường học vừa được xây mới, hoàn thiện và đưa vào sử dụng của huyện Gia Lâm. Đón 738 học sinh cho 20 lớp học, đảm bảo sĩ số theo tiêu chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Trường Tiểu học Đại Hưng được đầu tư trang thiết bị, cơ sở vật chất hiện đại, đồng bộ với các phòng chức năng, phòng đa năng, phòng Khoa học - Công nghệ, Mỹ thuật, Tiếng Anh, nhà thể chất, bếp ăn, phòng Tư vấn tâm lý học đường.
Cô Phùng Thị Anh Hà, Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đại Hưng phấn khởi chia sẻ: “Dù còn gần nửa tháng nữa năm học mới bắt đầu, nhưng cán bộ, giáo viên nhà trường đã vệ sinh, chuẩn bị cho "ngôi nhà" mới, sẵn sàng chào đón học sinh tới trường. Trường được xây dựng nhằm giảm tải cho Trường Tiểu học Đa Tốn nên sĩ số học sinh chỉ khoảng 36 học sinh/lớp, nhân dân trên địa bàn rất phấn khởi”.
Không khí chuẩn bị năm học mới ở ngôi trường lân cận là Tiểu học Đa Tốn cũng rất rộn ràng, náo nức. Với sự “chia sẻ” của Trường Tiểu học Đại Hưng, năm học 2024-2025, Trường Tiểu học Đa Tốn được phân tuyến tuyển sinh học sinh thuộc 3 thôn Ngọc Động, Lê Xá, Khoan Tế và 1 phần học sinh trong Khu đô thị Vin Ocean Park 1.
“Toàn trường có 1.027 học sinh với 30 phòng học, 5 phòng chức năng, đội ngũ cán bộ, giáo viên đều sẵn sàng cho năm học mới. Sĩ số khoảng 35 học sinh/lớp là điều kiện thuận lợi để cán bộ, giáo viên giảm áp lực, nâng cao chất lượng dạy và học”, Cô Lê Thị Mỹ Nga, Phó Hiệu trưởng phụ trách Trường Tiểu học Đa Tốn nói.
Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Gia Lâm Phùng Thị Hoài Hương cho biết, công tác đầu tư xây dựng trường chuẩn quốc gia được huyện tập trung thực hiện. Năm 2024, huyện đã hoàn thành bàn giao đưa vào sử dụng 4 dự án cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới trường học. Trong đó, huyện cải tạo, nâng cấp Trường Trung học Cơ sở Ninh Hiệp, Trung học Cơ sở Đặng Xá; xây dựng mới Trường Tiểu học Đại Hưng, Trường Mầm non Sao Khuê tại xã Đa Tốn. Thời gian tới, huyện sẽ đầu tư cải tạo, sửa chữa 11 trường phục vụ nâng chuẩn và công nhận lại chuẩn quốc gia, chuẩn bị đầu tư đối với 1 trường liên cấp tại thị trấn Trâu Quỳ và 3 trường trong khu đô thị Vin Ocean Park.
Nâng chất lượng giáo dục
Năm học 2024 - 2025 là năm học Chương trình giáo dục phổ thông 2018 được phủ kín từ lớp 1 đến lớp 12, thay thế hoàn toàn Chương trình giáo dục phổ thông 2006. Việc đổi mới phương pháp giáo dục chủ yếu từ trang bị kiến thức sang phát triển năng lực và phẩm chất học sinh đã đặt ra những yêu cầu mới, không chỉ về cơ sở vật chất mà còn ở đội ngũ cán bộ, giáo viên.
Năm học 2023 - 2024, ngành Giáo dục và Đào tạo quận Hoàn Kiếm đã hoàn thành xuất sắc 13/13 chỉ tiêu nhiệm vụ được giao. Tính đến hết năm học 2023-2024, toàn quận đã có 25.332 học sinh với 32/37 trường đạt chuẩn quốc gia, chiếm 86,5% (trong đó có 6 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2, 2 trường chất lượng cao). Chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn được nâng lên, công tác giáo dục toàn diện được quan tâm và có những chuyển biến tích cực, thực hiện tốt việc triển khai Chương trình Giáo dục phổ thông 2018.
Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hoàn Kiếm Trịnh Ngọc Trâm cho biết, chuẩn bị cho năm học mới 2024 - 2025, quận quyết tâm thực hiện chủ đề năm học “Kỷ cương trách nhiệm, đổi mới sáng tạo, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo”. Theo đó, quận Hoàn Kiếm xác định tập trung triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm, đặc biệt quan tâm đến đảm bảo an toàn trường học, triển khai hiệu quả Chương trình Giáo dục phổ thông 2018, bồi dưỡng nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo, nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, chất lượng giáo dục mũi nhọn, tăng cường giáo dục đạo đức, lối sống, kĩ năng sống, giáo dục thể chất cho học sinh…
Là huyện miền núi, địa bàn rộng, nhiều xã còn khó khăn, nguồn thu ngân sách chung còn thấp, việc xã hội hóa đầu tư cho giáo dục hạn chế, Ba Vì đã tập trung nguồn lực đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất hiện có, bảo đảm an toàn trường học và tập trung mua sắm trang thiết bị để thực hiện hiệu quả Chương trình giáo dục phổ thông 2018.
Huyện Ba Vì hiện có 114 trường mầm non, phổ thông với hơn 64.000 học sinh. Trong năm 2024, toàn huyện có tổng cộng 26 dự án đang triển khai xây dựng và chuẩn bị khởi công với kinh phí hơn 680 tỷ đồng. Chuẩn bị đón năm học mới, huyện đã cải tạo, sửa chữa khẩn cấp 5 trường học; sửa chữa chống xuống cấp 5 trường học. Trong đó, huyện đẩy nhanh tiến độ xây dựng Trường Trung học cơ sở Tản Đà tại địa điểm mới, rộng rãi hơn, nhằm nâng cao chất lượng giáo dục, xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.
Theo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội, với mạng lưới trường lớp hiện nay, Hà Nội đảm bảo đủ chỗ học cho học sinh. Việc quá tải trường học chỉ xảy ra cục bộ ở một số địa bàn tập trung đông dân cư. Do đó, sĩ số trung bình cấp Tiểu học của toàn thành phố chỉ khoảng 37,5 học sinh/lớp. Việc giảm sĩ số học sinh/lớp luôn là mục tiêu, giải pháp của Ngành để tiếp tục nâng cao chất lượng giáo dục.
Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương cho biết, năm học 2024 - 2025, quy mô giáo dục thành phố tiếp tục tăng, toàn thành phố có thêm hơn 30 trường học. Với sự chủ động chuẩn bị của các đơn vị, trường học, nhiều bất cập của kỳ tuyển sinh năm học trước đã được khắc phục, không còn hiện tượng phụ huynh xếp hàng nộp hồ sơ đăng ký tuyển sinh.
“Sở xác định nhiệm vụ quan trọng hàng đầu trong năm học mới là rà soát, bổ sung quy hoạch phát triển mạng lưới trường lớp, bảo đảm đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục phổ thông. Sở đã đề nghị các Phòng Giáo dục và Đào tạo tăng cường tham mưu chính quyền địa phương rà soát, bổ sung quy hoạch mạng lưới trường lớp, ưu tiên bố trí quỹ đất tại các khu đô thị mới, khu vực đông dân cư, địa bàn có khu công nghiệp để xây dựng trường công lập. Bên cạnh đó, Sở đề nghị Phòng Giáo dục và Đào tạo các địa phương hướng dẫn các đơn vị nghiên cứu, tham mưu việc sáp nhập, chia tách trường hoặc gom các điểm trường lẻ”, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội Trần Thế Cương nói.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất