17/12/2022 22:33 GMT+7 | Tin tức 24h
Chiều 17-12, trong khuôn khổ phiên toàn thể của Hội thảo Văn hóa 2022, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong, Ủy viên Hội đồng Lý luận trung ương khẳng định, Hà Nội sẵn sàng thí điểm các chính sách liên quan đến việc phát triển văn hóa nói chung và công nghiệp văn hóa nói riêng, từ đó trở thành tiền đề, rút kinh nghiệm để có thể nhân rộng ra cả nước.
Phát biểu tham luận với chủ đề “Định hướng, chính sách và nguồn lực cho phát triển công nghiệp văn hóa, xây dựng thương hiệu thành phố sáng tạo”, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết, ngày 17-6-1999, Hà Nội đón nhận danh hiệu “Thành phố Vì hòa bình” do UNESCO trao tặng. Sau 20 năm, ngày 30-10-2019, Hà Nội tiếp tục được vinh danh là thành viên “Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO” và là địa phương đầu tiên của Việt Nam tham gia mạng lưới này.
Thành phố nhận thấy, việc tham gia “Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO” có mục tiêu lấy nguồn lực văn hóa và sáng tạo văn hóa làm nền tảng cho quá trình phát triển đô thị một cách bền vững. Sự kiện này giúp xác lập mục tiêu phát triển văn hóa mới, truyền cảm hứng sáng tạo và định vị thương hiệu mới cho Hà Nội trên trường quốc tế; là bước tiến thuận lợi cho Thủ đô Hà Nội có điều kiện phát huy sức mạnh tổng hợp các nguồn lực kinh tế, chính trị, xã hội, nhất là khai thác, phát huy tối đa nguồn lực văn hóa và con người, đồng thời quyết tâm chuyển hóa nguồn lực ấy thành “sức mạnh mềm”, bảo đảm thúc đẩy mạnh mẽ việc kế thừa và phát triển dòng chảy văn hóa sáng tạo của Thủ đô ngàn năm văn hiến.
Là nơi gặp gỡ Đông - Tây, Hà Nội là thành phố của sự đa dạng, có lịch sử ngàn năm văn hiến, nguồn tài nguyên văn hóa dồi dào, đa dạng về loại hình và có giá trị cao về lịch sử, văn hóa, kiến trúc, nghệ thuật với 5.922 di tích lịch sử văn hóa; 1.793 di sản văn hóa phi vật thể; 1.175 lễ hội và 1.350 làng nghề. Hệ thống di sản văn hóa phong phú là những tài sản vô giá để Hà Nội phát huy nguồn lực văn hóa, tiếp thêm sức sáng tạo cho các hoạt động văn hóa, nghệ thuật và tài nguyên du lịch, góp phần quảng bá hình ảnh Thủ đô văn hiến, sáng tạo đến bạn bè quốc tế.
Hà Nội cũng lợi thế với tỷ lệ dân số vàng, có một cộng đồng sáng tạo mới mẻ, phong phú, gồm các nhà thiết kế, nghệ sĩ, nhà khoa học, các không gian sáng tạo và hàng nghìn doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực thiết kế sáng tạo và công nghiệp văn hóa. Đây chính là thế mạnh của thành phố trong kết nối quốc tế dựa trên sự sáng tạo cũng như phát triển khoa học - công nghệ.
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết, với những thay đổi tích cực về chính sách, công nghiệp văn hóa, công nghiệp sáng tạo của Thủ đô đã từng bước có sự chuyển động tích cực. Năm 2018, ngành công nghiệp văn hóa đóng góp khoảng 1,49 tỷ USD vào tổng sản phẩm trên địa bàn thành phố Hà Nội (chiếm tỷ trọng 3,7% GRDP của thành phố). Tổng doanh thu trực tiếp từ làng nghề truyền thống và các làng có nghề của Hà Nội đạt gần 1 tỷ USD với tổng số gần 1 triệu lao động tại các làng nghề. Với thu nhập bình quân đầu người năm 2022 đạt xấp xỉ gần 6.000 USD, đây là tiền đề rất thuận lợi để phát triển các ngành công nghiệp văn hóa theo kinh nghiệm quốc tế.
Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã định hướng nhiệm vụ và giải pháp xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, trong đó nhấn mạnh đến nội dung “Triển khai có trọng tâm, trọng điểm ngành công nghiệp văn hóa và dịch vụ văn hóa trên cơ sở xác định và phát huy sức mạnh mềm của văn hóa Việt Nam, vận dụng có hiệu quả các giá trị và thành tựu mới của văn hóa, khoa học, kỹ thuật, công nghệ của thế giới”. Đây là cơ sở quan trọng để Thành ủy Hà Nội ban hành Nghị quyết số 09-NQ/TU ngày 22-2-2022 về “Phát triển công nghiệp văn hóa trên địa bàn Thủ đô giai đoạn 2021-2025, định hướng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045”. Đây là một trong hai Nghị quyết chuyên đề được xác định trong cả nhiệm kỳ Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố - được coi là bước đột phá trong phát triển văn hóa Thủ đô, nhằm bảo đảm hài hòa giữa bảo tồn và phát triển văn hóa, cải thiện chất lượng văn hóa, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân Thủ đô, thu hẹp dần khoảng cách, nâng cao điều kiện thụ hưởng văn hóa giữa các vùng của Thủ đô, góp phần quan trọng thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, gia tăng tỷ trọng đóng góp của công nghiệp văn hóa vào GRDP của thành phố.
Mục tiêu chung được Hà Nội xác định là tạo bước phát triển toàn diện các ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô cả về quy mô, chất lượng sản phẩm, dịch vụ và thị trường, đảm bảo phát triển bền vững, trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, có tốc độ, tỷ trọng, giá trị gia tăng cao; hoạt động có tính chuyên nghiệp, với kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại; dịch vụ, sản phẩm văn hóa đa dạng, có chất lượng, có thương hiệu, đáp ứng nhu cầu sáng tạo, hưởng thụ của người dân trong nước, thúc đẩy phát triển du lịch và xuất khẩu. Mục tiêu cụ thể đến năm 2025, công nghiệp văn hóa Thủ đô trở thành ngành kinh tế quan trọng, tạo động lực mới thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội; phấn đấu có mức đóng góp 5% GRDP của thành phố; đến năm 2030 đóng góp khoảng 8% GRDP của thành phố và đến năm 2045 đóng góp khoảng 10% GRDP của thành phố.
Để trở thành một trong những trung tâm hàng đầu của cả nước về phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, định vị thương hiệu “Thành phố sáng tạo”, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong cho biết, Hà Nội đã tập trung chỉ đạo thực hiện với 6 quan điểm: Phát triển công nghiệp văn hóa được đặt trong tổng thể và dựa trên nền tảng phát triển văn hóa, con người Việt Nam nói chung và Thủ đô Hà Nội nói riêng; phát triển công nghiệp văn hóa trên nguyên tắc bảo đảm hài hòa giữa bảo tồn và phát triển, phát huy tối đa những tiềm năng, thế mạnh, giá trị văn hóa truyền thống mang bản sắc của Thủ đô ngàn năm văn hiến; phát triển công nghiệp văn hóa là trách nhiệm của cả hệ thống chính trị, các cấp, các ngành, của toàn xã hội trên tinh thần “đầu tư cho văn hóa là đầu tư cho phát triển bền vững”; quá trình phát triển công nghiệp văn hóa đi đôi với hoàn thiện thị trường văn hóa, phát huy cao nhất lợi thế của Thủ đô; bảo đảm kết cấu hạ tầng, tạo lập môi trường và hệ sinh thái đổi mới sáng tạo cho các ngành công nghiệp văn hóa phát triển; hoàn thiện quy hoạch, cơ chế, chính sách phát triển văn hóa và công nghiệp văn hóa để huy động, đầu tư, khai thác tối đa và sử dụng hiệu quả mọi nguồn lực để phát triển công nghiệp văn hóa Thủ đô vừa bao trùm, đặc sắc, vừa bền vững, hiện đại.
Thành phố cũng đề ra 8 nhóm nhiệm vụ, giải pháp cụ thể: Đổi mới tư duy, nâng cao nhận thức về công nghiệp văn hóa; tập trung xây dựng, hoàn thiện cơ chế, chính sách phát triển các ngành công nghiệp văn hóa trong thời kỳ mới; đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp văn hóa của Thủ đô; tăng cường ứng dụng khoa học và công nghệ hiện đại trong sáng tạo, sản xuất, phổ biến, lưu giữ các sản phẩm văn hóa và nâng cao chất lượng dịch vụ văn hóa, phù hợp với thị trường trong và ngoài nước; phát triển thị trường công nghiệp văn hóa, chú trọng khu vực có tiềm năng, lợi thế; thu hút và hỗ trợ đầu tư; mở rộng giao lưu, hợp tác trong nước và quốc tế về văn hóa; triển khai thực hiện có hiệu quả các sáng kiến và cam kết khi Hà Nội tham gia Mạng lưới các Thành phố sáng tạo của UNESCO.
Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong đề xuất 3 kiến nghị đối với các bộ, ban, ngành Trung ương. Trong đó, cần có chính sách về đầu tư công và quản trị tư, đặc biệt là đối với các thiết chế văn hóa. Bên cạnh đó, cần có quy hoạch tổng thể về văn hóa và công nghiệp văn hóa của cả nước để điều tiết, quản lý và phát huy thế mạnh của từng địa phương, từng lĩnh vực, tránh câu chuyện cùng một lúc rất nhiều địa phương tổ chức lễ hội, từ đó dẫn đến sự cạnh tranh, triệt tiêu lẫn nhau; đồng thời, cần có chính sách phù hợp để phát triển các loại quỹ văn hóa của công cũng như tư.
“Hà Nội sẵn sàng thí điểm các chính sách liên quan đến việc phát triển văn hóa nói chung và công nghiệp văn hóa nói riêng, từ đó trở thành tiền đề, rút kinh nghiệm để có thể nhân rộng ra cả nước”, đồng chí Nguyễn Văn Phong nói.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất