Ca sĩ Tuấn Hiệp: Tôi coi nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 như bố

22/11/2013 11:43 GMT+7 | Âm nhạc

(Thethaovanhoa.vn) - Ca sĩ Tuấn Hiệp và nhạc sỹ Sơn Thạch đang trong giai đoạn gấp rút hoàn thành CD Những tình khúc Nguyễn Ánh 9 được biên tập bởi chính tác giả. CD bao gồm những bài hát quen thuộc của ông như: Cô đơn, Buồn ơi chào mi, Ai đưa em về, Tình khúc chiều mưa, Bơ vơ... với mong muốn sẽ phát hành vào Xuân 2014.

Đồng thời, đêm nhạc Nguyễn Ánh 9 cũng được diễn ra trong hai tối 23 và 24/11 tại Hà Nội, do ca sĩ Tuấn Hiệp tổ chức khi ông nhận lời mời của ca sĩ Tuấn Hiệp và nhạc sĩ Giáng Son ra Hà Nội chơi.



Ngươi nhạc sĩ tài hoa và hiền từ

* Nguyên do nào cho hai đêm nhạc ra đời vậy anh?


-  Tôi là ca sĩ chuyên hát tại các phòng Trà từ nhiều năm nay và khi có ý định mời nhạc sỹ Nguyễn Ánh 9 ra ngoài Hà Nội chơi thì đương nhiên nhạc sỹ nhận lời ngay vì ông cũng muốn được chơi âm nhạc cùng tôi.

 Mỗi lần tôi vào Sài Gòn biểu diễn, dù nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 có bận mấy thì cũng tới động viên và đệm đàn cho tôi hát Liên khúc ba bài của ông là Cô đơn, Bơ vơ, Tiếng hát lạc loài.

Đây là ba bài hát kể về một câu chuyện tình của ông với một nghệ sỹ thân thuộc đã từng gắn bó với ông trước năm 75...

Và lần này khi nhạc sỹ nhận lời mời của tôi và nhạc sỹ Giáng Son ra Hà Nội chơi thì tôi tổ chức luôn hai đêm nhạc tại Hà Nội với mong muốn các khác giả Hà Nội được biết, hiểu thêm về người nhạc sỹ tài hoa hiền từ...

Đây là lần thứ hai nhạc sỹ Nguyễn Ánh 9 nhận lời ra chơi và biểu diễn cùng tôi. Lần đầu là cách đây hai năm. Khi đó chúng tôi cùng biều diễn ở Phòng Trà 92 của tôi. Lần này, nhạc sỹ Nguyễn Ánh 9 đơn thuần ra đây là chơi với tôi và nhạc sỹ Giáng Son.

Mỗi lần tôi và Giáng Son vào Sài Gòn thì luôn đến thăm nhạc sỹ và ba người lại café lang thang cùng nhau. Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 quý tôi và nhạc sỹ Giáng Son. Còn hai chúng tôi thì coi ông như bố và thường gọi cái tên thân thương là Bố 9.



 * Sao anh lại chọn phòng trà để giới thiệu các tình ca  của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9, thay vì biểu diễn trên sân khấu?

- Bởi đây là một cuộc chơi âm nhạc và tôi muốn người nghe có không gian âm nhạc thật ấm cúng, khán giả được gần gũi với nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 hơn, đồng thời qua đó ông cũng cảm nhận được khán giả Hà Nội yêu quý và kính trọng ông như thế nào...

Đây chưa phải là một chương trình lớn để khẳng định tên tuổi hay bán vé nên phòng Trà là lựa chọn đầu tiên của tôi và nhạc Sỹ Nguyễn Ánh 9.

* Thường ưa thích chọn các ca khúc tình “xưa” để biểu diễn, mỗi lần hát, anh như mắc mớ vào sợi dây tình cảm sâu thẳm trong từng ca khúc, vì sao các ca khúc của nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 nói riêng và dòng nhạc những năm 30 thế kỷ trước lại hấp dẫn anh đến thế?

- Dòng nhạc những năm 30 vẫn được gọi là dòng nhạc thời kỳ tân nhạc.

Âm nhạc thời kỳ này ảnh hưởng âm nhạc phương Tây rất nhiều và đặc biệt là ảnh hưởng âm nhạc của Pháp nên giai điệu cũng như ca từ rất hay và lãng mạn nên không chỉ riêng tôi mà bất kỳ  nghệ sỹ cũng như khán giả nao quan tâm tới đều mê say với chất thơ cũng như giai điệu trong bài hát

Những nhạc sỹ như: Văn Cao, Đoàn Chuẩn, Phạm Duy, Hoàng Quý, Tô Vũ đã để lại cho thế hệ sau một kho tàng âm nhạc quý giá, luôn luôn được các thế hệ ca sĩ khai thác cũng như người nghe đón nhận...

Để hát nhạc xưa, ca sĩ cần có cái tâm cái tầm

* Theo anh, để diễn tả trình bày tốt mỗi ca khúc, liệu có cần gây dựng cốt cách con người mình, để có thể biểu diễn, thể hiện tốt, gợi về không khí nghệ thuật trí thức lãng mạn đong đầy cảm xúc những năm 30 xưa?

Hình ảnh của những trí thức và nghệ sỹ của những năm 30 khác với thực tại rất nhiều bởi khoảng cách thời gian.

Muốn thể hiện không tâm hồn, chất thơ, sự lãng mạn trong tác phẩm thì đương nhiên sự nhận thức và cốt cách con người của nghệ sỹ phải đạt được cái tâm và cái tầm...

Vì thực tế một nghệ sỹ muốn truyền tải được hết những ý nghĩa cùng cái hồn trong tác phẩm thì đương nhiên phải là người sống sâu sắc và có tâm mới làm được. Còn không thì chỉ là sự đánh đu và dạo chơi trong tác phẩm mà thôi.

* Vậy theo anh, dòng nhạc những năm 30 luôn có sức sống bền bỉ âm thầm của nó, càng nhiều thời gian qua, càng khẳng định được giá trị?

- Năm ngoái trong chương trình Văn hoá Sự kiện & Nhân vật, MC Mỹ Linh có hỏi:  Hiệp hát dòng nhạc những năm 30 và tiền chiến trữ tình có phải là Hiệp đang đi sau các ca sĩ cùng trang lứa hát nhạc nhẹ...?

Tôi đã nói luôn rằng, tôi hát dòng nhạc này là tôi đi trước họ. Bây giờ có thể các bạn trẻ nghe nhạc còn trẻ thì họ tìm đến pop, rock, R&B... nhưng đến cái tuổi 35 - 40 và nhiều hơn nữa chẳng lẽ họ vẫn tìm nghe những thể loại giật đùng đùng đó...? Họ sẽ tìm về những không gian âm nhạc trữ tình lãng mạn, du dương... và đương nhiên họ sẽ phải tìm đến âm nhạc tiền chiến, trữ tình của các thế hệ trước...

Chính vì vậy dòng nhạc của những năm 30 hay sau này của các nhạc sĩ sáng tác trước năm 75 luôn sống khỏe và có cuộc đời riêng của nó...

* Xin cảm ơn anh và chúc cho hai đêm nhạc Nguyễn Ánh 9 và CD sắp ra mắt của anh gặt hái nhiều thành quả tốt đẹp.

Đêm nhạc Nguyễn Ánh 9 sẽ diễn ra từ 20h30 ngày 23 và 24/11 tại Phòng Trà HI, 43 Nguyên Hồng, Hà Nội.

Trong đêm nhạc ngoài tiếng đàn dương cầm của ông thì nhạc sỹ còn trực tiếp đệm đàn cho các ca sĩ khách mời hát cùng ban nhạc của Phòng Trà...

Ngoài ra, nhạc sỹ Nguyễn Ánh 9 còn mang theo cô ca sĩ học trò của ông là Bích Hiền. Cùng sự tham gia của các nghệ sỹ: Quỳnh Hoa, Hằng Nga, Minh Thu, Trọng Hùng và Tuấn Hiệp...


An Vũ (thực hiện)

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm