Hà Nội: Quyết liệt hơn trong tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp

14/12/2022 18:55 GMT+7 | Tin tức 24h

Sáng 14-12, UBND thành phố Hà Nội tổ chức hội nghị "Tiếp xúc, đối thoại doanh nghiệp năm 2022" dưới sự chủ trì của Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh.

Dự hội nghị có các Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Minh Hải, Nguyễn Mạnh Quyền; lãnh đạo 21 sở, ngành và đại diện các ngân hàng thương mại, tập đoàn, hiệp hội và 60 doanh nghiệp trên địa bàn thành phố.

Chia sẻ cùng cộng đồng doanh nghiệp

Phát biểu mở đầu, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh ghi nhận, biểu dương những nỗ lực đóng góp to lớn của các tập đoàn, doanh nghiệp những năm qua, đặc biệt trong giai đoạn dịch Covid-19 đã cùng khắc phục khó khăn, tham gia phục hồi kinh tế thành phố.

"Thời điểm hiện nay, đặc biệt những ngày, tháng cuối năm 2022, cho đến hết quý I năm 2023, nền kinh tế sẽ gặp nhiều khó khăn. Do đó, thành phố mong muốn lắng nghe các doanh nghiệp trao đổi, phản ánh những khó khăn, vướng mắc, đặc biệt về vấn đề tài chính, tiền tệ, tín dụng để cảm thông, chia sẻ, cùng tháo gỡ, thể hiện tinh thần "đứng cạnh, đi cùng" các doanh nghiệp. Với những vấn đề vượt thẩm quyền, thành phố sẽ có báo cáo Chính phủ để có giải pháp giải quyết kịp thời, quyết liệt hơn", Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh nhấn mạnh.

(14/12) Hà Nội: Quyết liệt hơn trong tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp - Ảnh 1.

Quang cảnh hội nghị “Tiếp xúc, đối thoại doanh nghiệp năm 2022”. Ảnh: Viết Thành

Báo cáo về tình hình phát triển kinh tế - xã hội năm 2022, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Lê Văn Quân nhấn mạnh, kinh tế thành phố đã phục hồi tăng trưởng khoảng 8,89% - đạt cao nhất trong nhiều năm trở lại đây và vượt kế hoạch đề ra. Thu ngân sách đạt cao, vượt 6,8% dự toán, đảm bảo chi đầu tư phát triển, chi thường xuyên và các nhiệm vụ chi phòng, chống dịch Covid-19, chi hỗ trợ người lao động và đối tượng sử dụng lao động, chi đảm bảo an sinh xã hội.

Thành phố dự kiến hoàn thành 22/22 chỉ tiêu kế hoạch đề ra, trong đó 5 chỉ tiêu vượt kế hoạch như tăng trưởng GRDP; GRDP/người; tốc độ tăng vốn đầu tư thực hiện; tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu và giảm số hộ nghèo so với năm trước.

Đặc biệt, công tác tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ doanh nghiệp được thực hiện quyết liệt ở các cấp, các ngành của thành phố, trong mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội. Lãnh đạo thành phố đã tích cực làm việc với các bộ, ban, ngành để tháo gỡ khó khăn về cơ chế, chính sách, đồng thời chỉ đạo sâu sát các sở, ngành và quận, huyện, thị xã thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, phục hồi tăng trưởng. Trong năm, thành phố đã bố trí 221.720 triệu đồng để triển khai các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp như hỗ trợ đào tạo, nghiên cứu, thúc đẩy chuyển đổi số, xúc tiến đầu tư, thương mại…

Thông tin cụ thể về thực hiện chính sách hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho doanh nghiệp trong lĩnh vực thuế, Cục trưởng Cục Thuế Hà Nội Mai Sơn cho biết, đến nay đã triển khai các chính sách miễn, giảm, gia hạn nộp thuế, tiền thu đất nhằm tháo gỡ khó khăn cho trên 119.400 lượt người nộp thuế với tổng số tiền trên 30.400 tỷ đồng. Trong năm, qua hai hội nghị đối thoại trực tuyến với sự tham gia của hơn 196.000 doanh nghiệp trên địa bàn thành phố, Cục đã tiếp nhận và giải đáp kịp thời hơn 500 câu hỏi của doanh nghiệp, người nộp thuế.

Tiếp tục cần sự đồng hành, hỗ trợ cả cấp tốc và dài hơi

Trong phần lớn thời gian của hội nghị, đại diện các hiệp hội và doanh nghiệp tập trung nêu những khó khăn, vướng mắc và giải pháp tháo gỡ để cùng thành phố thực hiện.

(14/12) Hà Nội: Quyết liệt hơn trong tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp - Ảnh 2.

Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu tại hội nghị. Ảnh: Viết Thành

Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa thành phố Hà Nội Mạc Quốc Anh "hiến kế" thành phố tiếp tục miễn giảm thuế, tiền thuế đất năm 2023, thuế thu nhập để duy trì hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp; sớm hoàn thuế giá trị gia tăng với doanh nghiệp đã đủ hồ sơ; ban hành mức lãi suất cho vay hợp lý năm 2023 vì biên lợi nhuận của các doanh nghiệp hiện nay rất thấp.

Thành phố cần kiến nghị các cơ quan trung ương ban hành chính sách và kế hoạch hỗ trợ dài hơi hơn, như giảm, giãn, gia hạn thuế; giảm lãi suất, chi phí sản xuất kinh doanh, các chính sách phát triển thị trường nội địa, thúc đẩy kết nối doanh nghiệp trong nước, hình thành các chuỗi liên kết hợp tác giữa doanh nghiệp FDI, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp làng nghề, doanh nghiệp khởi nghiệp, đẩy mạnh hoạt động chuyển đổi số, đặc biệt công tác về thúc đẩy bán hàng, thương mại điện tử…

"Từ quý II trở lại đây, rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ không tiếp cận được vốn vay ngân hàng. Chính sách về việc nới rộng tín dụng vừa qua là tín hiệu tốt, song chưa đủ với cơn khát vốn của doanh nghiệp. Do giá cả tăng cao nên sức mua giảm, thị trường thu hẹp, hàng hóa tồn kho nhiều, cộng với khó khăn về tài chính nên nhiều doanh nghiệp lao đao, đứng trên bờ phát sản…", ông Lê Vĩnh Sơn, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp sản xuất sản phẩm công nghiệp chủ lực thành phố Hà Nội (HAMI) nêu.

Trên cơ sở đó, ông Lê Vĩnh Sơn mong muốn thành phố có các chương trình an sinh xã hội hỗ trợ người lao động gắn bó lâu dài với doanh nghiệp; đề xuất Chính phủ hỗ trợ cho doanh nghiệp tiếp cận nguồn vốn từ các gói cứu trợ hỗ trợ nhanh, tăng tốc độ giải ngân, giảm lãi suất cho vay trong phạm vi có thể.

Ông Nguyễn Phúc Long, Phó Chủ tịch Hội doanh nghiệp trẻ Hà Nội kiến nghị các cơ quan chức năng có giải pháp cấp bách để ngay trong tháng 12-2022 và tháng 1-2023 đưa nguồn vốn tín dụng vừa nới room sớm đến với doanh nghiệp, đặc biệt doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động, doanh nghiệp sản xuất hàng hóa dịch vụ thiết yếu. Việc giải ngân nguồn vốn được ông Long lưu ý tránh tình trạng "nước chảy chỗ trũng" khi nguồn vốn chảy hết vào các doanh nghiệp lớn, gây khó khăn cho doanh nghiệp nhỏ.

Tại hội nghị, đại diện các ngân hàng, sở, ngành trực tiếp trả lời, giải đáp các thắc mắc, kiến nghị của hàng chục doanh nghiệp thuộc nhiều lĩnh vực trên địa bàn thành phố về việc hỗ trợ nguồn vốn, mở rộng thị trường, thúc đẩy xúc tiến thương mại, chính sách xuất khẩu, phát triển cụm công nghiệp, thử nghiệm thành lập trung tâm đổi mới sáng tạo làng nghề…

Phát biểu kết luận hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Trần Sỹ Thanh đề nghị đại diện các hiệp hội, doanh nghiệp, đặc biệt một số doanh nghiệp lớn tiếp tục có kiến nghị đề xuất cụ thể bằng văn bản, trong đó phân loại rõ theo nhóm vấn đề, thẩm quyền giải quyết để UBND thành phố tập hợp, trình Thủ tướng Chính phủ.

Với những vấn đề thuộc thẩm quyền của thành phố được nêu trong các ý kiến tại hội nghị, các đơn vị, sở, ngành rà soát lại, sớm có văn bản trả lời cho các đơn vị. Chủ tịch UBND thành phố đặc biệt lưu ý các ngân hàng tăng cường sự đoàn kết, giúp đỡ các doanh nghiệp vượt qua khó khăn bằng tình cảm, trách nhiệm bởi "giúp doanh nghiệp là giúp chính mình". Cục Thuế Hà Nội đẩy nhanh về thủ tục hoàn thuế trong thời điểm cuối năm…

Hiểu được mong muốn, nguyện vọng và yêu cầu từ các doanh nghiệp, thành phố sẽ tiếp tục rà soát, thực hiện quyết liệt hơn trong cải cách hành chính, đặc biệt công tác phối kết hợp giữa các sở, ngành, nâng cao chất lượng cán bộ cơ sở, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, quyết liệt và kịp thời hơn nữa trong tháo gỡ khó khăn, hỗ trợ, đồng hành cùng doanh nghiệp.

BẢO HÂN

Tags:
Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm