15/06/2021 19:00 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Sáng 15/6, Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh, Trưởng ban chỉ đạo triển khai dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di sản Hoàng thành Thăng Long và Khu di tích Cổ Loa chủ trì phiên họp thứ nhất của Ban Chỉ đạo.
Ngày 20/4/2021, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Quyết định số 948-QĐ/TU thành lập Ban chỉ đạo triển khai dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu Di sản Hoàng thành Thăng Long và khu di tích Cổ Loa gồm 20 thành viên với nhiệm vụ chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra việc triển khai dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị tại 2 khu di tích quốc gia đặc biệt của Thủ đô.
Theo đó, Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội được UBND thành phố Hà Nội giao làm chủ đầu tư các dự án trong khu di sản Hoàng thành Thăng Long và khu di tích Cổ Loa. Tính đến nay, Trung tâm đã triển khai thực hiện 20 dự án tại khu sản Hoàng thành Thăng Long và khu di tích Cổ Loa, bằng các nguồn vốn đầu tư xây dựng, sự nghiệp, chống xuống cấp và nguồn phí được để lại của đơn vị. Trong đó, có 13/20 dự án hoàn thành bàn giao đưa vào khai thác sử dụng và quyết toán dự dự án hoàn thành theo quy định và 7 dự án đang triển khai.
Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội đề nghị UBND thành phố cho phép Trung tâm xây dựng Đề án tăng mức thu phí lệ phí tham quan và thu dịch vụ tại khu di sản Hoàng thành Thăng Long và khu di tích Cổ Loa trình HĐND thành phố; Đề nghị thành phố chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội có chủ trương mở rộng và tăng thời lượng chương trình học tập ngoại khóa tại các nhà trường, gắn với việc tìm hiểu các di tích lịch sử của Thủ đô, đặc biệt là Hoàng thành Thăng Long và khu di tích Cổ Loa; đồng thời ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác quản lý và phát huy giá trị di sản...
Trung tâm bảo tồn Di sản Thăng Long – Hà Nội trực thuộc UBND thành phố Hà Nội, có chức năng quản lý, bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa khu di tích Cổ Loa và khu di sản trung tâm Hoàng thành Thăng Long xứng đáng là địa danh di sản văn hóa thế giới, di tích lịch sử văn hóa tiêu biểu của thành phố Hà Nội và của cả nước.
Phát biểu tại phiên họp, Phó Bí thư Thành ủy Nguyễn Văn Phong đề nghị cần tiếp tục làm rõ nhiệm vụ của các đồng chí cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo; mời thêm một số thành viên là lãnh đạo, chuyên gia thuộc các cơ quan trung ương... Phó Bí thư Thành ủy yêu cầu xây dựng kế hoạch tổng thể để triển khai các dự án của cả Khu di sản Hoàng thành Thăng Long, trong đó, tập trung vào phục dựng Điện Kính Thiên trên cơ sở, căn cứ khoa học; tạo sự đồng thuận, thống nhất về mặt nhận thức bằng tăng cường truyền thông về vấn đề này.
“Bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị khu di sản Hoàng thành Thăng Long và khu di tích Cổ Loa cần lưu ý 3 nội dung chính là các công tác xây dựng dự án, nội dung chi tiết các dự án và toàn bộ các mối quan hệ, truyền thông xung quanh các dự án”, Phó Bí thư Thành ủy nói.
Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Chu Ngọc Anh đã kết luận phiên họp, đề nghị các thành viên Ban Chỉ đạo cần tiếp tục rà soát lại thành phần Ban Chỉ đạo, trong đó bổ sung Sở Giáo dục và Đào tạo và Sở Du lịch, mời lãnh đạo một số bộ, ngành trung ương, chuyên gia khoa học tham gia Ban Chỉ đạo.
“Các dự án bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di sản Hoàng thành Thăng Long và Khu di tích Cổ Loa phải được xây dựng chi tiết, cụ thể, làm sao để đưa các dự án vào kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, trong đó các dự án phải có các thành phần ưu tiên, lộ trình kèm theo, đồng thời truyền thông rộng rãi để tạo sự đồng thuận”, Chủ tịch Chu Ngọc Anh nhấn mạnh.
Đồng thời, Chủ tịch UBND TP Chu Ngọc Anh yêu cầu việc xây dựng các dự án bảo tồn, phục dựng Hoàng Thành - Thăng Long cần phải nghiên cứu chặt chẽ trên cơ sở khoa học, khảo cổ, từ đó tạo sự đồng thuận trong các chuyên gia, nhân dân.
Ngày 1/8/2010, UNESCO đã thông qua nghị quyết công nhận khu Trung tâm Hoàng thành Thăng Long - Hà Nội là Di sản văn hóa thế giới. Những giá trị nổi bật toàn cầu của khu di sản này được ghi nhận bởi 3 đặc điểm nổi bật: chiều dài lịch sử văn hóa suốt 13 thế kỷ; tính liên tục của di sản với tư cách là một trung tâm quyền lực, và các tầng di tích di vật đa dạng, phong phú, sinh động. |
Thành Cổ Loa là toà thành cổ vào bậc nhất Việt Nam được vua Thục An Dương Vương xây từ thế kỷ thứ 3 trước Công nguyên để làm kinh đô nước Âu Lạc (tên nước Việt Nam thời đó). Nay thuộc huyện Ðông Anh, ngoại thành Hà Nội. |
Thảo Nhi - Hà Linh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất