02/08/2018 21:54 GMT+7 | Thế giới
(Thethaovanhoa.vn) - Theo Ban Chỉ huy Phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn thành phố Hà Nội, đến chiều 2/8, mực nước sông Tích tại trạm Kim Quan ở trên mức báo động II; sông Tích tại trạm Vĩnh Phúc trên mức báo động III, sông Bùi tại trạm Yên Duyệt trên mức báo động III.
Hiện, mưa vẫn còn rải rác khiến nước rút chậm, nhiều nơi ở ngoại thành Hà Nội vẫn còn bị ngập sâu, chủ yếu tập trung ở các xã Phúc Lâm, Mỹ Thành, Đốc Tín, Họp Tiến, Họp Thanh, Hương Sơn (huyện Mỹ Đức) và huyện Chương Mỹ.
Theo Chi cục Thủy Lợi Hà Nội, địa bàn thành phố Hà Nội hiện đang vận hành 101 trạm bơm tiêu với 305 máy bơm; tổng lưu lượng bơm tiêu: 784.250 m3/h. Các đơn vị đã tập trung xử lý sự cố những đoạn đê xung yếu, chống tràn, tạm thời ổn định.
Trên địa bàn xã An Phú huyện Mỹ Đức, đê Đồng Chiêm có nguy cơ tràn khoảng 100m. Xã đã xử lý đắp bao tải cát chống tràn, nhưng do nước lũ rừng ngang lên cao nên xã chủ động đưa nước vào vùng. Vùng Quán Mai, Nam Hưng, Thanh Hà bị tràn, các xã đã chủ động đưa nước vào vùng.
Huyện Chương Mỹ vẫn còn 2.839/2.848 hộ bị ngập sâu từ 0,5-2m và 6.097 khẩu phải sơ tán; sập đổ 170m2 nhà ỏ và 1.774m tường bao; sạt lở 1.885m đường giao thông nông thôn, 8.320m đường giao thông nội đồng, 12.110m chiều dài đê, hồ, đập; hư hỏng 11,860m chiều dài kênh mương, 35 cái cầu cống, đập; ngập và hư hỏng 25 công trình (nhà văn hóa, trường học, trạm y tế, đình, chùa). Theo thống kê sơ bộ, diện tích bị thiệt hại gồm 1.380,9 ha lúa, 307,7 ha rau màu, 603,5 ha nuôi trồng thủy sản, 181,7 ha cây ăn quả; 339 con gia súc bị chết.
Để khắc phục hậu quả sau ngập lụt, Chi cục Thủy lợi thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các công ty thủy lợi đang tích cực bơm tiêu chống úng, chính quyền địa phương tiếp tục tiếp nhận, cung ứng cứu trợ cho người dân bảo đảm kịp thời, đúng đối tượng. Tại các khu vực hết ngập lụt, chính quyền địa phương tích cực, chủ động cùng với nhân dân tập trung ổn định đời sống, khôi phục sản xuất.
Trước tình hình thời tiết vẫn diễn biến thất thường, lãnh đạo thành phố Hà Nội đã chỉ đạo các huyện cần tăng cường kiểm tra, theo dõi các công trình đê, kè, cống để có biện pháp xử lý kịp thời khi có tình huống xảy ra (đặc biệt là các tuyến đê thuộc sông Tích, sông Bùi, sông Đáy). Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn các huyện chỉ đạo các xã huy động lực lượng, phối hợp với các công ty Thủy lợi khơi thông dòng chảy, vớt bèo, rác và các vật cản trên các trạm bơm, kênh tiêu.
Bên cạnh đó, lực lượng chức năng kịp thời hỗ trợ nước uống, các nhu yếu phẩm cần thiết cho các hộ dân bị ngập lụt do lũ gây ra, khẩn trương chỉ đạo tổng vệ sinh môi trường đối với các khu dân cư ngập úng để phòng trừ dịch bệnh; đồng thời tăng cường kiểm tra theo dõi các hồ chứa nước (đặc biệt là các hồ đã đạt mức nước thiết kế) để chủ động điều tiết, phòng tránh các sự cố. Các huyện có đồi, núi như: Ba Vì, Sóc Sơn, Thạch Thất, Quốc Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức cần chủ động tố chức rà soát các khu vực có nguy cơ sạt lở để chủ động phương án sơ tán dân, tài sản đến nơi an toàn./.
Nam Giang (TTXVN)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất