04/02/2021 14:30 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - UBND huyện Mỹ Đức (Hà Nội) sẽ không tổ chức lễ khai hội chùa Hương vào ngày 17/2 (tức mùng 6 tháng Giêng âm lịch), để đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch COVID-19.
Lễ hội chùa Hương năm 2021 dự kiến được diễn ra trong 3 tháng (từ ngày 13/2 đến hết ngày 5/5). Lễ khai hội được tổ chức vào ngày mùng 6 tháng Giêng hàng năm. Đến thời điểm này, công tác chuẩn bị cho lễ hội đã được đảm bảo, chu đáo, công phu, trang trọng.
Tuy nhiên, trước diễn biến phức tạp của dịch COVID-19, thực hiện sự chỉ đạo của Trung ương, thành phố Hà Nội và Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội về tăng cường công tác phòng chống dịch COVID-19 trong hoạt động lễ hội, huyện đã quyết định không tổ chức lễ khai hội.
Huyện Mỹ Đức chỉ duy trì đón khách tham quan Di tích quốc gia đặc biệt Quần thể khu Di tích Thắng cảnh Hương Sơn - Chùa Hương. Khách tham quan được yêu cầu bắt buộc đeo khẩu trang, thực hiện nghiêm "Thông điệp 5K" của Bộ Y tế.
Trong trường hợp tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp không đảm bảo an toàn cho du khách, UBND huyện Mỹ Đức sẽ dừng việc đón du khách tham quan lễ hội Chùa Hương.
Ngoài ra, sau khi liên tiếp ghi nhận các ca mắc COVID-19, huyện Mê Linh đã quyết định không tổ chức lễ hội đền Hai Bà Trưng và các lễ hội khác trên địa bàn huyện trong dịp Tết Tân Sửu 2021.
Lễ kỷ niệm 1981 năm khởi nghĩa Hai Bà Trưng và lễ hội Đền Hai Bà Trưng như thường lệ được tổ chức vào ngày 17/2 (mùng 6 tháng Giêng âm lịch).
Việc dừng tổ chức lễ hội đền Hai Bà Trưng sẽ đi cùng với việc hạn chế đón tiếp khách đến làm lễ dâng hương tại Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt này.
Huyện Sóc Sơn xây dựng kế hoạch tổ chức lễ hội Gióng tại đền Sóc gắn với Lễ kỷ niệm 10 năm Hội Gióng được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, vào sáng 17/2 (mùng 6 tháng Giêng âm lịch). Dù vậy, trước tình hình mới của dịch COVID-19, huyện Sóc Sơn thống nhất không tổ chức lễ kỷ niệm 10 năm Hội Gióng được UNESCO công nhận là di sản.
Đối với lễ hội Gióng tại đền Sóc, huyện cũng chủ trương không tổ chức phần hội, chỉ tổ chức phần lễ với các nghi thức truyền thống.
Trước đó, một số tỉnh thành cũng thông báo dừng tổ chức những lễ hội lớn những ngày đầu năm 2021.
Theo công văn của tỉnh Nam Định, xét đề nghị của UBND TP Nam Định, văn bản của Sở Văn hóa thể thao du lịch tỉnh và Sở Y tế về việc xin ý kiến dừng tổ chức lễ Khai ấn đền Trần, phường Lộc Vượng dịp xuân Tân Sửu 2021 nhằm tập trung triển khai các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 thì Thường trực Tỉnh ủy, UBND tỉnh Nam Định quyết định đồng ý với nội dung đề nghị này. Đây là năm thứ 2 lễ hội khai ấn đền Trần phải hủy vì dịch Covid-19.
Dù dừng lễ khai ấn đền Trần nhưng nghi thức khai ấn truyền thống của các cụ cao niên phường Lộc Vượng vẫn sẽ được tiến hành. Ngoài việc dừng tổ chức lễ khai ấn đền Trần, UBND tỉnh cũng quyết định dừng tổ chức chợ Viềng xuân năm 2021.
Trước đó, chiều 2/2, UBND TP Hải Phòng yêu cầu dừng tổ chức các hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao tập trung đông người; lễ hội truyền thống của thành phố trong dịp Tết Nguyên đán Tân Sửu cho đến khi có chỉ đạo mới.
Cùng ngày, UBND tỉnh Thái Bình cũng quyết định dừng tổ chức lễ hội đền Trần đầu xuân (13 tháng giêng) tại khu di tích quốc gia đặc biệt đền thờ và lăng mộ các vua Trần thuộc xã Tiến Đức, huyện Hưng Hà. Dừng kế hoạch tổ chức ngày hội văn hóa, thể thao tỉnh Thái Bình dự kiến diễn ra ngày 21/3.
Ngày 28/1, UBND tỉnh Vĩnh Phúc cũng đã ban hành văn bản 614/UBND-VX1 về tăng cường phòng, chống dịch Covid-19 trên địa bàn. Trong đó yêu cầu tạm dừng tổ chức các lễ hội có quy mô lớn như: lễ hội chọi trâu Hải Lựu, lễ hội Đền Ngự Dội... Tiết giảm về quy mô, hình thức tổ chức các lễ hội dân gian tại các địa phương (chỉ tổ chức các nghi thức tế lễ cơ bản); trường hợp tổ chức thì phải thực hiện nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch và tuân thủ yêu cầu, hướng dẫn của cơ quan y tế về phòng, chống dịch Covid-19.
Bảo Anh (tổng hợp)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất