25/04/2010 10:23 GMT+7 | Giáo dục
Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội đang xây dựng đề án học phí giai đoạn 2010 – 2014. Một ý kiến đề xuất được chú ý là sẽ gộp các khoản thu vào học phí. Theo đó, học phí sẽ bao gồm luôn cả tiền điện, nước, vệ sinh, hỗ trợ xây dựng cơ sở vật chất... Điều này nhằm tránh tình trạng có quá nhiều khoản thu ở các trường hiện nay khiến dư luận xã hội bức xúc.
Có khá nhiều ý kiến đồng thuận của các phòng giáo dục, các trường cũng như phụ huynh học sinh. Tuy nhiên, cũng không ít người lo lắng liệu điều này có làm giảm tình trạng loạn thu ở các trường hiện nay hay không.
Trường sẽ nhàn hơn
Theo ông Hoàng Châu Tuấn, Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Ba Vì, mỗi khi đưa ra một khoản thu ngoài học phí, trường rất đau đầu: “Chúng tôi phải họp phụ huynh, giải thích nguyên nhân thu, lấy ý kiến biểu quyết của họ nhưng không bao giờ nhận được sự đồng tình 100% nên có khi người đóng tiền, người không đóng, dẫn đến những mâu thuẫn không đáng có.”
Vì thế, theo ông Tuấn, khi gộp các khoản vào và thu một lần, các trường sẽ thuận lợi hơn rất nhiều, từ việc không phải chia ra nhiều sổ sách, thu lắt nhắt nhiều lần đến việc trường sẽ được chủ động hơn trong chi tiêu.
Trường Trung học phổ thông Ba Vì dự kiến khi gộp các khoản từ học phí đến tiền các dịch vụ điện, nước, vệ sinh, bảo vệ và tiền hỗ trợ tu sửa cơ sở vật chất thì mức thu sẽ là 50.000 đồng/học sinh/tháng (mức hiện tại của trường là 10.000 đồng/học sinh/tháng).
Tuy nhiên, ông Công lo ngại nếu thực hiện điều này không đồng hành với việc “rót” kinh phí bổ sung sẽ dẫn đến tình trạng các trường đã khó khăn càng khó khăn hơn.
Ông Công lý giải, do học phí có sự khác nhau giữa các vùng nên hiện Hà Nội có ba mức học phí là 25.000 đồng/học sinh/tháng đối với khu vực thành phố, thị xã, 18.000 đồng đối với khu vực nông thôn và miền núi là 10.000 đồng/học sinh/tháng. Các vùng khó thu học phí thấp, nguồn thu ít hơn rất nhiều so với các trường vùng thuận lợi nhưng lại không được hỗ trợ thêm kinh phí nên rất khó khăn trong chi tiêu. “Khi gộp các khoản thu, học phí sẽ tăng lên thì sự chênh lệch sẽ còn cao hơn nữa. Vì vậy, Nhà nước cần có chính sách bù thêm cho các trường,” ông Công kiến nghị.
Phụ huynh vẫn băn khoăn
Rất nhiều phụ huynh đồng tình với việc có thể khoản học phí sẽ tăng lên thay vì họ phải thường xuyên nhận giấy “triệu tập” nộp tiền của trường trong năm học. Tuy nhiên, cũng không ít người tỏ ra nghi ngờ.
Theo chị Nguyễn Bích Ngọc (quận Thanh Xuân), nếu chỉ phải nộp một khoản ngay từ đầu năm học thì phụ huynh sẽ chủ động hơn để chuẩn bị tiền và không cảm thấy ức chế với quá nhiều khoản của trường.
Tuy nhiên, khi đưa ra quy định này, Sở phải đảm bảo tuyệt đối thực hiện nghiêm túc, tránh hiện tượng các trường “lách luật”, đưa ra nhiều khoản thu với các tên gọi khác nhau và lợi dụng danh nghĩa tự nguyện của phụ huynh. “Hiện Sở vẫn cấm các trường loạn thu nhưng Sở không kiểm soát được, hiện tượng này vẫn xảy ra. Khi trường bảo thu một khoản nào đó, hầu hết các phụ huynh không dám phản đối vì lo con mình sẽ bị phân biệt đối xử,” chị Ngọc bức xúc.
Nhìn ở một góc độ khác, chị Nguyễn Thị Thủy (Hà Đông) cho rằng cách làm này cũng khó cải thiện được tình hình vì trường có muôn vàn cách để huy động tiền của phụ huynh, điều quan trọng hơn là các trường phải công khai tài chính. “Trường bảo đóng tiền quỹ tài năng nhưng tôi không biết tiền đó được chi tiêu như thế nào. Hàng năm, các con phải đóng góp nhiều tiền ủng hộ đồng bào lũ lụt, nạn nhân chất độc da cam nhưng chúng tôi không biết bao nhiêu trong số đó được sử dụng đúng mục đích…” chị Thủy chia sẻ.
Theo Giáo sư Văn Như Cương, Hiệu trưởng trường Trung học phổ thông Lương Thế Vinh, việc chỉ thu một khoản có thể là mới lạ đối với các trường công lập nhưng ở các trường dân lập, điều đó gần như đương nhiên.
Trường Lương Thế Vinh thu học phí 600.000 đồng/học sinh/tháng, có trường thu đến vài triệu đồng nhưng tất cả đều được công bố công khai để học sinh và phụ huynh cân nhắc trước khi vào trường. Ngoài khoản học phí này, cộng với tiền gửi xe, trong suốt năm học, các em không phải đóng góp gì thêm. “Với các trường công lập, điều đáng quan tâm không phải là học phí nâng lên 50.000 đồng hay 100.000 đồng một tháng mà phải đảm bảo rằng, ngoài khoản thu đó ra, phụ huynh không phải đóng góp bất cứ một khoản nào nữa. Hiện học phí chỉ vài chục nghìn nhưng phụ phí có khi lên tới tiền triệu,” Giáo sư Cương nhấn mạnh.
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất