23/09/2020 07:15 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) - Tô Hoài đem lại cho văn chương viết về Hà Nội một chân dung thú vị, như thể một người đã chụp một bộ ảnh Hà Nội từ đen trắng sang ảnh màu, tạo ra một dữ liệu thuyết phục cho bất cứ ai muốn nhận diện đô thị này. Bộ ảnh đó có tấm cảm động, có tấm hài hước, có tấm buồn bã...
LTS: Nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh Tô Hoài (27/9/1920 - 2020), cùng với “Tuần đọc Tô Hoài” (từ 21 đến 27/9, trên 2 fanpage chính thức của NXB Kim Đồng), là cuộc tọa đàm về ông - nhà văn của mọi lứa tuổi (lúc 9h ngày 25/9 tại 55 Quang Trung, Hà Nội). Quả vậy, không chỉ có Dế Mèn phiêu lưu ký với bức tranh khúc xạ về đời sống ven đô, gia sản văn chương của Tô Hoài vô cùng phong phú, trong đó thấm đẫm những trang viết về Hà Nội. Đó là lý do mà ông từng được trao Giải thưởng Lớn - Vì tình yêu Hà Nội năm 2010. Nhân dịp này, thật thú vị khi nghe nhà văn Nguyễn Trương Quý, người cũng mới nhận giải Tác phẩm - Vì tình yêu Hà Nội năm 2019, viết về Hà Nội của Tô Hoài. Xin trân trọng giới thiệu bài viết này.
1. Trong số các tác giả văn xuôi đóng góp vào đề tài Hà Nội, Tô Hoài đem lại một danh mục tác phẩm đa giọng điệu. Từ truyện ngắn, tiểu thuyết cho đến tạp văn, Hà Nội trong văn Tô Hoài luôn đậm dấu ấn những quan sát hoặc trải nghiệm suốt cuộc đời hơn 9 thập niên của tác giả. Qua Tô Hoài, Hà Nội không chỉ là phông cảnh cho các hoạt động mà thực sự hiện diện như một đề tài lớn của một tác giả.
Những truyện ngắn đầu tiên của Tô Hoài có khung cảnh Hà Nội của những kiếp người bên lề ánh sáng đô thị: Nhà nghèo tan tác vì cảnh chạy lũ vỡ đê, gái quê ra thành phố bị dụ dỗ làm điếm... Khía cạnh phong tục và sinh hoạt bình dân từ chỗ là một đặc sản của Tô Hoài đã trở thành thế mạnh khi ông viết về Hà Nội. Ngay từ những sáng tác đầu của Tô Hoài, đô thị này đã hiện diện như một tiền đề, chi phối mạnh mẽ lên sự biến đổi nhiều phần tiêu cực của khung cảnh làng quê ngoại ô.
Các tác phẩm liên quan đến quê hương của Tô Hoài nêu ra quy luật nhân quả của quá trình đô thị hóa mà vùng quê ông thuộc khu vực chịu tác động đầu tiên: Những người làng tha phương cầu thực, bỏ ra thành phố kiếm sống, đi phu cao su hay đi làm lính thợ, những thanh niên sớm quen với những kiểu cách tân thời, những kiếp người tha hóa và cả những thân phận khốn cùng vì tệ nạn xã hội. Những quy luật ấy thấm vào các câu chuyện một không khí bùi ngùi, man mác, có khi cay nghiệt, phũ phàng, khiến cho Hà Nội hiện diện dưới ngòi bút Tô Hoài như một nơi chốn nhiều khắc nghiệt, dễ gây vỡ mộng, khác hẳn không gian lãng mạn của nhóm Tự lực văn đoàn hay giới nhạc sĩ thuộc tầng lớp thị dân trung lưu.
Mẫu nhân vật lưu lạc chìm nổi trở về làng quê, khu phố xuất hiện khá thường xuyên trong các tác phẩm của Tô Hoài. Có thể nói đó là mảng chân dung đặc sắc của người vùng ven cũng như cả tầng lớp thị dân Hà Nội, trôi nổi theo thời, có toan tính nhưng không đủ sâu, ham lạc thú song không say đắm đến cùng.
Thế giới nhân vật thị dân Hà Nội của Tô Hoài thường hiện lên với những vất vả, tùng tiệm hơn là nhàn tản, sang cả. Nhìn chung, ý thức dựng nên chân dung những số phận không bình thường, thậm chí méo mó giữa đám đông bình thường của Tô Hoài khiến cho câu chuyện Hà Nội của ông luôn có dáng dấp một bi hài kịch.
2. Tô Hoài nhiều lần không giấu được việc bị thu hút bởi một giá trị Hà Nội, thông qua những trang viết về những người bạn văn có đời sống văn hóa gắn sâu với nơi này như cách ông viết về nhà phê bình Vũ Ngọc Phan hay nữ sĩ Vân Đài.
Viết về Vân Đài, một tác giả Thơ mới trong bối cảnh Hà Nội sau 1954, câu chữ ông dạt dào cảm xúc hơn mức bình thường: “Người giữ căng tin là chị Vân Đài. Ừ, con người đã viết cả một quyển sách dạy ai muốn trở thành người thanh lịch thì ít nhất ở chỗ này cũng là dịp cho người cầm bút thấy được sự thanh lịch và vang bóng… Thật như là trong chiều thu mặt hồ yên sóng, người đàn bà thanh lịch ấy bước ra. Cử chỉ và phong thái Hà Nội thuở nào, con người của phòng khách, của các thứ sa lông đài các và sang trọng xưa kia. Mặc dầu vẫn bộ áo đại cán kaki màu “be” may đồng loạt trên Thái Nguyên, nhưng quần áo là thẳng nếp. Mái tóc hoa râm, vẻ yểu điệu thanh xuân không còn nữa, nhưng cách thức nhấc, đặt chiếc phin và tách cà phê vừa như hững hờ lại thật như ý tứ. Ôi, điếu thuốc lá - chỉ là điếu thuốc lá mà nói là cầm thì không đủ nghĩa, điếu thuốc lá như một búp ngọc lan chín trắng mịn giữa những ngón tay một thời ngà ngọc của chị” (“Đời chị Vân Đài”, Những gương mặt).
Dù câu chữ lãng mạn, kết thúc vẫn là một bi hài kịch: “Thiếu nợ nhà nước vài ba két bia uống chơi đã ăn nhằm gì, chưa khi nào chúng tôi tính đến chuyện trả. Rồi căng tin của chị Vân Đài vỡ nợ, đóng cửa” (sđd).
Tô Hoài dành nhiều câu chữ viết về Nguyễn Tuân, mà như với ông, tác giả này là một nhân chứng của đời sống Hà Nội đã đi qua: “Tôi không được cùng thời yên ba sầu xứ trong cái vỏ ốc thành phố này với các vị. Nhưng những khi đôi ba chén rỗi rãi, ngồi nghe kể, lại tưởng ra nguồn cơn vui thú của cái ông trưởng nam mới tý tuổi đầu đã được cụ thân sinh dắt theo đến phố Hàng Giấy thưởng thức đàn ngọt hát hay hẳn cũng có khác người, cho nên bóng dáng và tiếng tơ tiếng trúc xóm yên hoa còn dấu vết xa xưa lại trong tâm tư” (Cát bụi chân ai).
Dường như Tô Hoài mượn những người bạn văn này để viết về phần Hà Nội mà ông giữ vị trí quan sát viên hơn là kẻ phiêu lưu. Trước sau ông vẫn “vào quán cà phê… thường chọn góc ngồi có thể nhìn bao quát. Muốn quan sát được nhiều thì cách ghi nhớ của nghề văn cũng đòi thế” (Chiều chiều).
Tô Hoài bằng lòng với vị thế quan sát viên bởi lẽ ông nhận ra thế mạnh của mình. Những chân dung văn nghệ thường được ông khảo kỹ lưỡng về bối cảnh xuất thân. Với Tô Hoài, con người sáng tạo chỉ thực sự là họ khi ở trong môi trường phù hợp. Chẳng hạn khi nhận xét về Nguyễn Bính, ông thẳng thắn chỉ ra nhà thơ này sa vào “hời hợt” khi viết về những “bụi kinh thành” của những đô thị Hà Nội, Sài Gòn, nơi không phải vườn cam với mái tranh quen thuộc. Ở đây, thông qua nhân vật đại diện là Nguyễn Bính, Tô Hoài từ chối những ảo mộng “Nhà em ở cuối kinh thành/ Bên hồ Trúc Bạch nước xanh màu chàm” như Nguyễn Bính đã viết.
(Còn tiếp)
Nguyễn Trương Quý
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất