Hà Nội ghi nhận 1.882 ca Covid-19, đa phần không có triệu chứng

29/12/2021 20:08 GMT+7 | Tin tức 24h

(Thethaovanhoa.vn) - Theo tin từ Sở Y tế Hà Nội, tính từ 18h ngày 28/12 đến 18h ngày 29/12, trên địa bàn thành phố ghi nhận 1.882 ca Covid-19 (giảm 38 ca so với ngày trước đó), trong đó có 661 ca tại cộng đồng, 1.034 ca tại khu cách ly và 187 ca tại khu phong tỏa. Trong đó, quận Hoàng Mai là địa bàn ghi nhận số ca mắc cao nhất với 252 ca.

Hà Nội tăng cường quản lý cách ly người nhập cảnh sau khi có ca nhiễm biến thể Omicron đầu tiên

Hà Nội tăng cường quản lý cách ly người nhập cảnh sau khi có ca nhiễm biến thể Omicron đầu tiên

Trước việc Hà Nội đã ghi nhận một trường hợp nhiễm biến thể Omicron và cũng là trường hợp đầu tiên ghi nhận tại Việt Nam, ngày 28/12, UBND thành phố Hà Nội đã có công văn hỏa tốc số 4697/ UBND-KGVX về việc triển khai áp dụng biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 đối với người nhập cảnh.

Cụ thể, 1.882 bệnh nhân mới phân bố tại 284 xã, phường, thị trấn thuộc 30/30 quận, huyện, thị xã. Một số quận, huyện ghi nhận nhiều bệnh nhân trong ngày như: Hoàng Mai (252); Hai Bà Trưng (209); Long Biên (205); Nam Từ Liêm (183); Hà Đông (169); Đống Đa (136); Tây Hồ (98).

Riêng 661 ca cộng đồng ghi nhận tại 196 xã, phường thuộc 27/30 quận, huyện. Một số quận, huyện nhiều bệnh nhân tại cộng đồng như: Hoàng Mai; Hai Bà Trưng; Long Biên; Nam Từ Liêm; Hà Đông.

Cộng dồn số ca mắc tại Hà Nội trong đợt dịch thứ 4 (từ ngày 29-4 đến nay) là 45.159 ca; trong đó số mắc ghi nhận ngoài cộng đồng 16.101 ca, số mắc là đối tượng đã được cách ly 29.058 ca.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế kiểm tra thông tin những người đến xét nghiệm. Ảnh: Tuấn Đức - TTXVN

Cũng theo báo cáo của Sở Y tế Hà Nội, tính đến hết ngày 28-12, thành phố có 20.156 F0 đang điều trị; trong đó, có 14.226 người điều trị, cách ly tại nhà (chiếm hơn 70%), số còn lại điều trị tại bệnh viện, các cơ sở thu dung, điều trị của thành phố và của các quận, huyện. Trong đó, ca bệnh nặng của Hà Nội là 315 ca (chiếm hơn 1,5%).

Còn theo báo cáo của Cục Quản lý khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), hiện có 10 tỉnh, thành phố có tỷ lệ bệnh nhân Covid-19 tử vong cao nhất cả nước là thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, An Giang, Tiền Giang, Long An, Tây Ninh, Cần Thơ, Đồng Tháp và Kiên Giang.

Qua phân tích số ca bệnh tử vong cho thấy, người trên 65 tuổi chiếm 47,67% có bệnh nền; 36,58% là người từ 50-56 tuổi; 18-49 tuổi chiếm 15,34%; nhóm từ 0-17 tuổi là 0,42%. Như vậy, tổng số ca Covid-19 tử vong từ 50 tuổi trở lên chiếm đến 84%.

Còn tại Hà Nội, tính từ ngày 29-4 đến nay, thành phố đã ghi nhận 131 người tử vong do Covid-19. Đặc biệt, trong 2 ngày gần đây (28 và 29-12), trung bình ghi nhận 11 ca tử vong/ngày. Báo cáo của các bệnh viện tại Hà Nội cho thấy, đa số trường hợp mắc Covid-19 tử vong đều có bệnh nền và chưa tiêm vắc xin.

Chú thích ảnh
Nhân viên y tế lấy mẫu xét nghiệm COVID-19. Ảnh: Tuấn Đức - TTXVN

Đơn cử như tại Bệnh viện Thanh Nhàn, từ cuối tháng 4-2021 đến nay, bệnh viện tiếp nhận trên 1.200 bệnh nhân Covid-19, trong đó ra viện 946 bệnh nhân, chuyển viện 89 trường hợp và tử vong 48 trường hợp. Trong đó 100% ca bệnh tử vong đều có bệnh lý nền; 96% chưa tiêm vắc xin và 82% ở độ tuổi trên 70 tuổi.

Tại Bệnh viện điều trị người bệnh Covid-19 trực thuộc Đại học Y Hà Nội hiện đang điều trị khoảng 200 F0. PGS.TS Hoàng Bùi Hải, Phó Giám đốc bệnh viện cho biết, thời gian gần đây, số bệnh nhân nặng đang điều trị tại bệnh viện gia tăng. Những F0 vào viện hiện nay đa số phải thở máy và đặt ống nội khí quản, hỗ trợ lọc máu. Phần lớn các bệnh nhân này chưa được tiêm vắc xin, có bệnh nền, trong đó có cả những ca bệnh trẻ. Tuy nhiên, đa phần các ca Covid-19 hiện nay tại Hà Nội đều không có triệu chứng và triệu chứng nhẹ.

Đề cập đến tình trạng số ca mắc tăng cao trong thời gian gần đây trên địa bàn thành phố, Tiến sĩ Trần Thị Nhị Hà, Giám đốc Sở Y tế Hà Nội cho rằng, số ca mắc tăng cao như hiện nay đã nằm trong kịch bản được lường trước, thành phố đã có kịch bản ứng phó. Hà Nội đang thực hiện chủ trương sống thích ứng, an toàn và kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Với ca mắc tăng cao, việc cần làm ngay là giảm tỷ lệ tử vong, chuyển tầng điều trị bệnh nhân nặng.

Trong bối cảnh hiện tại, ngành Y tế thành phố đang nỗ lực để bảo vệ người yếu thế, người già, người có bệnh lý nền, phụ nữ có thai, người mắc bệnh mãn tính, giảm tỷ lệ tử vong ở những trường hợp này. Hà Nội cũng triển khai các tổ y tế lưu động tiêm ngay tại nhà cho những người yếu thế, người có bệnh lý nền, những người không thể đến cơ sở y tế để tiêm chủng vắc xin phòng Covid-19. Hiện nay, việc F0 thể nhẹ được điều trị tại nhà cũng sẽ giảm tải rất lớn cho các bệnh viện tầng 2, tầng 3.

Để đáp ứng được yêu cầu điều trị khi số ca bệnh tăng nhanh, theo bà Trần Thị Nhị Hà, thành phố sẽ phải phân tải được bệnh nhân điều trị tại nhà, giúp giảm tải hệ thống y tế. Để làm tốt điều này, y tế cơ sở phải chăm sóc F0 thật tốt, cung cấp thuốc điều trị sớm để tránh quá tải tuyến trên. Ngành Y tế thành phố rất cần sự hỗ trợ của chính quyền cơ sở để theo dõi, quản lý F0 tại nhà, tránh việc đi lại, giao lưu làm lây lan dịch bệnh ra cộng đồng.

P.V

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm