Steven Gerrard: Chậm lại để nhanh hơn

11/04/2014 10:40 GMT+7 | Liverpool

(Thethaovanhoa.vn) - Anh thích chạy luôn luôn trên sân, không nghỉ, thích lao vào mọi điểm nóng và “ngứa mắt” khi thấy đối phương cầm bóng. Nhưng rồi cũng đến lúc anh hiểu rằng, chạy ít đi, tắc bóng ít đi, không hẳn là xấu.

Tư duy nhiều hơn để có Steven Gerrard  bây giờ. Một Gerrard huyền thoại nếu anh giúp Liverpool vô địch Premier League và hoàn thành bộ sưu tập đáng mơ ước.

Một Gerrard vội vã, chạy để không sợ hãi

Sau khi ghi hai bàn thắng từ chấm phạt đền giúp Liverpool hạ West Ham trong trận đấu rất quan trọng vòng 33, Steven Gerrard được tôn vinh là người hùng. Anh đã ghi 14 bàn cả thảy cho Liverpool mùa này, trong đó có 10 bàn từ đá phạt đền (1 lần đá hỏng), và cú đúp trận gặp West Ham nâng tổng số bàn Gerrard ghi cho Liverpool lên 173, giúp anh vượt huyền thoại Kenny Dalglish trên bảng vàng bàn thắng.

Gerrard ra mắt ở Liverpool vào năm 1998, dưới thời Gerard Houllier.

Gerrard (số 17) khởi nghiệp ở vị trí tiền vệ trụ, từng sát cánh Emile Heskey (8), Michael Owen (10) và Robbie Fowler (số 9).

Liverpool thắng; Arsenal thua; và Liverpool tràn trề hy vọng vô địch Anh lần đầu tiên từ năm 1990. Nhưng Gerrard vẫn cố gắng giữ kiểm soát lời nói trong phòng họp báo. Anh mở đầu bằng cách ca ngợi... Lucas Leiva, Luis Suarez, Daniel Sturridge, Brendan Rodgers. Tất cả, trừ anh. Anh bảo “không nghĩ Liverpool có thể vô địch mùa này, vì trước mắt còn những trận khó, rất khó”, và “chỉ cố gắng làm tốt nhất có thể”.

Sự thật là người đàn ông 33 tuổi ấy đang rất háo hức trong năm đẹp nhất sự nghiệp của mình, nhưng cố giấu. Anh chưa từng vô địch Premier League trong đời, nên rất khao khát một lần nâng cao chiếc cúp. Càng khao khát thì lại càng thận trọng. Đấy là bản tính của Gerrard, mà những ai theo dõi anh cả sự nghiệp sẽ cảm nhận được. Johan Cruyff nói thế này với đội Barcelona trước trận chung kết Champions League năm 1992: “Hãy ra kia mà thưởng thức trận đấu của mình đi!”. Sir Alex Ferguson của Man United từng nói với học trò trước Chung kết Champions League 1999: “Hãy nghĩ đến cảm giác bước qua chiếc Cúp mà không được chạm vào”.


Cùng Liverpool đoạt "cú ăn 5" năm 2001, trong đó có Cúp UEFA.

Còn Gerrard, trước trận chung kết Champions League 2005 với ở Istanbul, anh không động viên cả đội hãy thoải mái, không vẽ ra viễn cảnh thất vọng nếu thua, mà anh cảnh báo tất cả về sự giận dữ có thể đến từ CĐV: “Hãy nhìn các CĐV của chúng ta... Hãy nhìn xem trận đấu này có ý nghĩa thế nào với họ. Nó là cả thế giới. Đừng để họ phải trải qua cảm giác thất vọng khốn kiếp... Hãy ra ngoài kia, hãy chạy, hãy sút nhiều nhất có thể. Nếu không, các cậu sẽ hội hận cả đời”.

Sợ hãi là động lực cả sự nghiệp của Steven Gerrard. Chạy và sút là cách anh đánh lừa suy nghĩ của mình và để xua đi nỗi sợ. Anh không có sự kiên nhẫn. Anh rất thích sút xa, rất thích chuyền dài, chạy nhiều nhất có thể và cố gắng không để cho đôi chân một phút tĩnh nào. Gerrard chia sẻ rằng “tôi không chịu nổi khi nhìn đối phương giữ bóng”.

Craig Belllamy chia sẻ trong tự truyện rằng Gerrard là cầu thủ làm được mọi thứ. “Cậu ấy rất thông minh”, Belllamy viết. “Cậu ấy đọc trận đấu nhanh hơn tất cả, nhìn thấy một bức tranh không ai thấy. Thể lực rất tuyệt vời. Và giỏi ghi bàn. Cậu ấy có thể chơi phía sau. Cậu ấy có thể lên phía trước. Tôi chưa từng thấy ai như cậu ấy”.

Cùng Xabi Alonso hợp thành cặp tiền vệ đáng sợ bậc nhất Premier League.

Chậm lại để nhanh hơn

Nhưng chính vì quá tròn trịa, quá nhiệt tình và luôn sục sôi bầu máu nóng, Gerrard mất điểm trong mắt các chiến thuật gia. Xin nhấn mạnh là các chiến thuật gia, những người nhìn trận đấu là một ván cờ, không phải một cuộc thi chạy, và họ không phải một nghệ sĩ ngồi đếm số bàn thắng được ghi và xoa tay hài lòng bất chấp đội thắng hay thua. Hai chiến thuật gia giỏi nhất Gerrard từng làm việc cùng trong đời, Rafael Benitez và Brendan Rodgers, đều muốn anh... chậm lại.

Vô địch Champions League năm 2005 sau màn ngược dòng thần kỳ trước Milan ở chung kết, trận đấu mà Gerrard có lúc xuống đá hậu vệ phải.

Cựu HLV Liverpool Rafa Benitez, một người cực kỳ thực dụng, từng rút Gerrard ra khỏi sân trong một trận derby quan trọng với Everton, chỉ vì anh... chạy nhiều quá. “Cậu ta đá với quá nhiều cảm xúc và cứ chạy loanh quanh như một thằng ngốc”, Benitez nhớ lại. Ông đã tìm cách thuyết phục Gerrard chơi bằng cái đầu nhiều hơn trái tim. Nhưng khi ấy, một chàng trai 24 tuổi đã quá quen với việc chạy để xua đi nỗi sợ và bực bội khi phải nhìn kẻ khác cầm bóng không thể làm vừa lòng ông thầy. Benitez vì thế không thể biến Gerrard thành một Zidane. Hoặc, ông đặt cạnh anh một gã thông minh và điềm đạm hơn nhiều, mang tên Xabi Alonso. Hoặc, ông đẩy anh sang cánh phải, để anh cứ thoải mái mà chạy. Hoặc, ông xếp anh chơi sau Fernando Torres, đảm nhiệm vai trò cầu nối, lên xuống như con thoi và có nhiều khoảng trống.

Gerrard thăng hoa với vai trò hộ công, ngay phía sau Torres (trái).

Đến thời của Brendan Rodgers, anh không bướng bỉnh được nữa. Mùa đầu tiên của Rodgers tại Liverpool, Gerrard như bị pha loãng vì lối chơi đan lát kiểu Barcelona không hề phù hợp với một gã thích chạy, thích phất bóng dài như anh. Nhiều người đã yêu cầu Rodgers hy sinh Gerrrard vì tập thể, nhưng Rodgers quyết xây dựng đội bóng quanh anh.

Thế là, như một lời tâm sự đầu mùa giải, Rodgers nói thẳng với tài năng trẻ Jongio Shelvey trong một bữa tối rằng ông muốn xây dựng đội bóng quanh Gerrard, và nếu không chịu được việc phải đá dự bị, anh có thể đi. Rodgers kéo Gerrard xuống đá tiền vệ tổ chức lùi sâu, vai trò hoàn toàn mới với anh, biến anh thành “Pirlo” của Liverpool. Như ông nói: “Đó là vị trí mà tôi biết sẽ khiến Stevie hào hứng. Tôi không muốn cầu thủ chỉ đá ở vị trí sở trường của mình mà luôn phải thử thách các vị trí khác nữa. Mỗi cầu thủ mỗi khác. Không đơn giản là đặt anh ấy vào vị trí ấy vì anh ấy là Gerrard. Đó là bởi vì tôi nghĩ anh ấy có kỹ năng tuyệt vời để hoạt động ở vị trí này”.

Mùa này, Gerrard đá rất thấp.

Óc tư duy của Rodgers thật sự phi phàm. Sự thật: Không phải Suarez hay Sturridge, Gerrard mới là người tạo nên Liverpool mùa này. Ở vị trí mới, anh đường hoàng đĩnh đạc cầm quả bóng, hầu như không tăng tốc, hầu như không xâm nhập vòng cấm địa. Từ một vận động viên “làm gì cũng tốt” như Bellamy miêu tả, Gerrard thành một đạo diễn thứ thiệt, đã chuyền nhiều hơn bất cứ ai ở đội Liverpool lúc này, 1832 đường, chính xác 86%. Rodgers đặt anh vào đấy và tìm mọi cách hãm anh lại, để tạo ra một Gerrard phù hợp hơn với tuổi 33, và phù hợp hơn với thứ bóng đá đan lát kiểu Liverpool.

Trở thành "Vua penalty", với 10 bàn từ chấm 11m mùa này.

Không phải lúc nào Gerrard cũng quên đi bản năng của mình. Khi anh nhận liên tiếp 7 thẻ vàng trong 9 trận, nghĩa là chạm mốc 9 thẻ vàng trong mùa (dính thẻ thứ 10 sẽ bị treo giò 2 trận), Rodgers đã phải hạ nhiệt anh: “Tôi đã nói với anh ấy rằng anh ấy cần cẩn thận hơn nữa”, ông tiết lộ sau trận thắng Cardiff 6-3. Và từ đó đến giờ, qua 3 trận căng thẳng, Gerrard không lĩnh thêm thẻ vàng nào nữa.

CĐV Liverpool rất muốn chứng kiến khoảnh khắc Gerrard giương cao chức vô địch Premier League.

Đến lúc này, Gerrard có lẽ sẽ thấm thía hơn lời trách cứ “cậu chạy như một thằng ngốc” của Rafa Benitez năm nào. Anh hoàn hảo và làm gì cũng giỏi, nhưng cuối cùng đã phải phai nhạt bớt bầu máu nóng của mình bằng sự điềm đạm, để hòa mình vào tập thể mà vẫn không đánh mất tư chất thủ lĩnh. Ông Rodgers đã tìm thấy một Gerrard khác, không sợ hãi, không vội vã nữa. Một Gerrard hoàn toàn làm chủ bản thân và vận mệnh của mình.

Thật đáng yêu thay, Gerrard “nhạt” nhất mà chúng ta biết này, có thể sẽ giành được chức vô địch Anh năm nay. Chức vô địch mà anh khao khát.

Đỗ Hiếu
Thể thao & văn hóa cuối tuần

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm