18h30 ngày 19/6, Hà Lan - Nhật Bản: Bài học Hàn Quốc

19/06/2010 09:02 GMT+7 | World Cup 2010

(TT&VH) - Châu Á vẫn là châu Á. Khoảng cách với châu Âu và Nam Mỹ có thể đã được thu hẹp. Nhưng để trở thành một thách thức thực sự ở World Cup, còn cả chặng đường dài để các đội bóng châu Á tiến bước.

Hàn Quốc vượt qua Hy Lạp bằng màn trình diễn cực kỳ thuyết phục. Nhật Bản có chiến thắng World Cup đầu tiên ở bên ngoài biên giới nước mình. Một câu hỏi: Phải chăng các đội bóng châu Á có sự tiến bộ vượt bậc và thu hẹp khoảng cách với các đại diện của châu Âu, Nam Mỹ? Trước đây, trừ năm 2002 khi họ là chủ nhà và nhận được sự ưu ái không nhỏ từ giới trọng tài, Hàn Quốc và Nhật bị xem là tham dự "cho đủ quân số", thêm chút "gia vị" cho World Cup. Bây giờ, sau khi trở thành gương mặt quen thuộc ở các kỳ World Cup, họ đã dám nghĩ đến chiến thắng, đá để thắng thay vì hạn chế số bàn thua. Tóm lại, sự tiến bộ được thể hiện qua kinh nghiệm, niềm tin.


Hà Lan quá mạnh so với Nhật Bản về lực lượng - Ảnh: Getty
Còn về khoảng cách, các đại diện của châu Á đã có thể đá sòng phẳng trước các đội bóng trung bình của châu Âu, Nam Mỹ. Nhưng khi gặp các đội lớn, những hạn chế về mặt con người và đẳng cấp đã hiện ra rất rõ ràng. CHDCND Triều Tiên đã thi đấu kiên cường, nhưng không có dấu hiệu nào cho thấy họ có thể đứng vững trước Brazil khi trận đấu kết thúc. Australia thua tan tác trước Brazil trong trận ra quân. Hàn Quốc vẫn lì lợm và bản lĩnh, nhưng không thể tránh khỏi thất bại 1-4 trước Argentina.


Hãy đặt lên bàn cân: cầu thủ đẳng cấp cao duy nhất của Hàn Quốc là Park Ji-Sung, vốn không thể sánh ngang với những gương mặt trên băng ghế dự bị của Argentina là Aguero hay Milito. Tương tự, liệu Nhật Bản có mỗi Honda là đáng kể làm sao sánh ngang được với một Hà Lan tràn ngập ngôi sao lớn?


Có Robben hay không Robben?


Tin vui cho người Hà Lan là Arjen Robben đã hoàn toàn bình phục chấn thương. Hôm qua, Robben đã có mặt trên sân tập lần đầu tiên kể từ khi dính chấn thương dây chằng ở trận giao hữu với Hungary. Theo lời HLV Bert van Marwijk, ban huấn luyện và các bác sĩ sẽ tiếp tục theo dõi tình trạng thể lực của Robben trước khi đưa ra quyết định nên sử dụng anh ở trận gặp Nhật hôm nay hay không.


Hiệp 1 trận gặp Đan Mạch, Hà Lan đã gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận khung thành đối phương. Không Robben, không có người tạo sức ép lên hàng thủ đối phương bằng những pha đi bóng khéo léo và tốc độ. Không Robben, khả năng tấn công biên giảm sút rõ rệt vì van der Vaart và Kuyt không phải là những cầu thủ chạy cánh điển hình. Mọi thứ chỉ thay đổi khi HLV van Marwijk tung cầu thủ có tốc độ và sở hữu kỹ thuật cá nhân khéo léo là Elia vào sân.

Để tiến sâu vào giải, Hà Lan rất cần sự hiện diện của Robben. Nhưng khi đây chỉ là trận đấu thuộc vòng bảng, có lẽ HLV van Marwijk không muốn mạo hiểm đôi chân pha lê này. Hà Lan vẫn có đủ tài năng để giành chiến thắng trước đội bóng cửa dưới như Nhật Bản. Điều quan trọng là họ cần phải khắc phục những vấn đề gặp phải ở trận gặp Đan Mạch.

Vấn đề nổi cộm nhất là tốc độ. Như đúng biệt danh "Lốc da cam", tính hiệu quả trong lối chơi của Hà Lan dựa rất nhiều vào tốc độ. Tốc độ từng giúp Hà Lan thi đấu tưng bừng trước Pháp và Italia ở vòng bảng EURO 2008. Tốc độ đã mang lại cho họ những chiến thắng hoành tráng ở loạt trận khởi động trước thềm World Cup 2010. Nhưng khi gặp một Đan Mạch chơi phòng ngự với số đông và giữ cự ly đội hình rất hợp lý, Hà Lan đã không thể phát huy được điểm mạnh về tốc độ, dẫn đến sự bế tắc trong việc tiếp cận khung thành đối phương.  


Nhật Bản chắc chắn sẽ nghiên cứu những gì mà Đan Mạch đã làm được trong hiệp 1 trước Hà Lan. Nếu phòng ngự tiêu cực với phần đông cầu thủ ở sân nhà, Nhật sẽ gây không ít khó khăn cho Hà Lan. Nhưng vấn đề là liệu đại diện của châu Á có đủ thể lực và sự tập trung để đứng vững suốt 90 phút hay không lại là chuyện khác. Trong trận giao hữu hồi tháng 9/2009, Nhật Bản cầm chân Hà Lan suốt gần 70 phút nhưng lại thua 3 bàn trong 20 phút cuối.


DỰ ĐOÁN: 2-0.

ĐỨC LỘC


LỰC LƯỢNG

Hà Lan: Robben đã bình phục nhưng chắc chắn không đá chính.

Nhật Bản: Giữ nguyên đội hình xuất phát trận thắng Cameroon.

GÓC THỐNG KÊ

+ Hàng thủ Hà Lan thường chơi rất tốt ở các kỳ World Cup gần đây. 5 trận gần nhất ở các VCK World Cup, họ chỉ thủng lưới vỏn vẹn 2 bàn.

+ Ở các VCK World Cup, Nhật Bản đã 5 lần gặp các đội bóng châu Âu. Họ chỉ thắng 1 và không ghi được bàn nào trong 3 trận.

+ Khả năng ghi bàn của Nhật chủ yếu đến từ tuyến giữa. 6/7 bàn gần nhất của họ ở World Cup đến từ hàng tiền vệ, tính cả bàn của Honda vào lưới Cameroon.

+ Trận gặp Đan Mạch, Wesley Sneijder đã thực hiện 65 đường chuyền, với 61 trong số đó là thành công, chiếm tỷ lệ lên đến 94%. Trận đó, anh đã tạo đến 5 cơ hội ghi bàn cho đồng đội.

+ Hà Lan toàn thắng 5 trận gần đây, ghi 16 bàn và chỉ thủng lưới 4 lần. Suốt 20 trận gần đây, họ không một lần nếm mùi chiến bại. Thất bại cuối cùng của Hà Lan là vào tháng 9/2008, trước một đội bóng thuộc châu Á là Australia.

Hà Lan "khoái" đối thủ châu Á

Hễ gặp các đội bóng châu Á ở World Cup là Hà Lan có chiến thắng. Đã 3 lần như thế. Họ ghi đến 10 bàn từ 3 trận ấy (với 5 bàn vào lưới Hàn Quốc) và chỉ thủng 1 bàn (Saudi Arabia là đội làm được điều này). Hà Lan chưa bao giờ gặp Nhật ở World Cup. Nhưng trận giao hữu hồi tháng 9 năm ngoái, Hà Lan đã thắng 3-0. World Cup 1998, Hà Lan - Hàn Quốc: 5-0 World Cup 1994: Hà Lan - Saudi Arabia 2-1 World Cup 1978: Hà Lan - Iran 3-0

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm