Thổ cẩm Lùng Tám - miền cổ tích của Hà Giang

07/01/2009 19:46 GMT+7 | Văn hoá

Từ núi đồi huyền ảo trong sương sớm Tam Sơn - Quản Bạ, chúng tôi theo con dốc quanh co như những dải lụa để đến vùng quê của những sắc màu thổ cẩm Lùng Tám khi ánh nắng mặt trời ấm áp vừa vươn ra khỏi ngọn núi.
 
Sau mấy ngày mưa ẩm, lạnh, tiết trời đang ấm trở lại. Dọc con đường dẫn vào trung tâm xã, chúng tôi bắt gặp những sắc màu thổ cẩm rực rỡ, đẹp lộng lẫy giữa vùng rừng núi. Cái rét se sắt trên vùng cao càng làm cho đôi má người con gái thêm ửng hồng và sắc màu thổ cẩm càng tôn thêm vẻ đẹp của các sơn nữ. Vẻ đẹp từ những thớ vải, từ những đường nét hoa văn tinh xảo trên chất liệu thổ cẩm làm chúng tôi như lạc vào miền cổ tích, một không gian thổ cẩm với những khung cửi và người phụ nữ Mông cần mẫn.
Nghề dệt thổ cẩm đã giúp người dân Lùng Tám xóa đói giảm nghèo.
Đang mải mê trong sắc màu thổ cẩm, chúng tôi bị kéo về thực tại khi anh Hạng Dương Thành, Chủ tịch UBND xã Lùng Tám vỗ nhẹ vào vai và nói: "Thổ cẩm là báu vật của Lùng Tám. Khắp vùng cao Hà Giang, chỗ nào người Mông sinh sống, ở đó có thổ cẩm nhưng để sản phẩm thổ cẩm được gìn giữ, phát huy và tỏa sáng thì hiện chỉ duy nhất ở Lùng Tám làm được". Câu nói của anh đã đưa chúng tôi trở về thực tại của các làng nghề truyền thống trên vùng cao này.

Chủ nhiệm HTX vải lanh thổ cẩm Lùng Tám, Sùng Mí Quả, kể cho tôi nghe về những tháng ngày thai nghén và thành lập HTX. Đồng bào Mông vốn có nghề truyền thống dệt vải thổ cẩm, nhà nào cũng có khung dệt vải, các sản phẩm chủ yếu phục vụ gia đình là vải váy áo, khăn, mũ... Tuy là nghề, nhưng chỉ coi nghề dệt là nghề phụ, làm lúc nông nhàn.

Tháng 8/2001, HTX vải lanh Lùng Tám chính thức được thành lập. HTX đã họp bàn bầu ban quản trị, mọi xã viên đều tự nguyện tham gia đóng góp cổ phần. Các sản phẩm của HTX là váy áo, khăn, chăn, gối, thảm, ví thổ cẩm, áo nam, túi, xắc, túi điện thoại...

Coi trọng mẫu mã, chất lượng sản phẩm là yếu tố quyết định sự thành bại của HTX. Hiện nay HTX đã sản xuất được trên 20 loại sản phẩm. Với sự quảng bá sản phẩm tại các hội chợ, hiện nay Tổ chức Craft Link (thông qua Trung tâm Nghiên cứu hàng thủ công mỹ nghệ Việt Nam) là bạn hàng lớn nhất của HTX. Tổ chức này cũng đảm nhận việc giới thiệu, quảng bá sản phẩm cho các đoàn khách du lịch quốc tế ưa thích sản phẩm thổ cẩm.

Sản xuất phát triển, có lợi nhuận, đời sống xã viên ổn định, đã góp phần không nhỏ cho công tác xóa đói, giảm nghèo của người Mông thôn Hợp Tiến. HTX hiện có 51 xã viên, tất cả đều có thu nhập gần 700.000đ/người/ tháng. Doanh thu lũy kế từ năm 2001 đến nay đạt trên 1 tỉ đồng. Xác định phát triển làng nghề truyền thống vừa duy trì bảo tồn các giá trị văn hóa của dân tộc, vừa góp phần xóa đói, giảm nghèo, huyện Quản Bạ đã có những chính sách khuyến khích mở rộng và xây dựng các mô hình làng nghề truyền thống, như HTX vải lanh Lùng Tám là một ví dụ điển hình. Ông Giàng Cồ Hòa - Bí thư huyện ủy khẳng định: "Muốn khơi dậy và phát triển làng nghề truyền thống, cần phải có sự quy hoạch, xác định yếu tố văn hóa bản địa làm nền tảng. Tiếp tục cải tiến đổi mới công nghệ thủ công truyền thống. Quản Bạ đang từng bước xây dựng những mô hình làng nghề gắn với du lịch cộng đồng, như điểm sản xuất vải lanh thổ cẩm Lùng Tám. Tiến tới sẽ triển khai nhân rộng các mô hình trên địa bàn toàn huyện".

Với thế mạnh sẵn có và sự khác biệt ở những điểm như: Chất liệu của vải lanh thổ cẩm Lùng Tám, sợi dệt nguyên từ cây lanh, không có hóa chất pha tạp, vải thô, mát, sợi lanh mềm. Hoa văn và cách bài trí trên tấm vải thể hiện nhiều hình tượng mang đậm phong cách văn hóa người Mông, Lô Lô vùng cao biên giới, màu sắc thiên về màu lạnh, màu hồng tím là chủ đạo.

Đặc biệt, công nghệ dệt vải là thủ công bằng khung dệt không có sự can thiệp của máy móc. Đây chính là yếu tố thu hút khách du lịch tìm mua thổ cẩm Lùng Tám. Theo nhiều khách hàng đánh giá thì chính những nét nguyên sơ trên là lực hấp dẫn đối với khách hàng với sản phẩm chuyên biệt này.

Ông Quả bảo với tôi: "Đối với mình, những sắc màu thổ cẩm đã ăn sâu vào trong tâm trí rồi, ăn cũng nghĩ tới thổ cẩm, ngủ cũng mơ thấy thổ cẩm. Mình đam mê nó không đơn thuần vì mục đích kinh tế, mà còn là sự gìn giữ những giá trị văn hoá của người Mông, đặc trưng của mỗi dân tộc là trang phục, là những nét hoa văn trên trang phục đó. Thế nên, đây chính là yếu tố văn hóa cần phải lưu giữ, bảo tồn".
 
Trăn trở với nghề, ông Quả mong muốn những phần việc trong sản xuất được rút ngắn lại, bằng đổi mới công nghệ sản xuất thủ công. Các quy trình sản xuất phải năng suất hơn và giảm chi phí đầu vào, cũng như thời gian sơ chế nguyên liệu. Như xe lanh, sơ chế cây lanh... hiện tại, những công đoạn này vẫn làm thủ công và tốn nhiều thời gian công sức, dẫn đến năng suất lao động không cao. Ông mong muốn các nhà khoa học giúp đỡ, cải tiến kỹ thuật, thiết bị sản xuất để đảm bảo tính độc đáo trong sản xuất vải lanh của người Mông.

Lòng đam mê của ông rồi cũng được trả công. Có vô số những bằng khen, giấy khen của tỉnh, của Nhà nước được treo trang trọng trong gian trưng bày sản phẩm của HTX đặt tại gia đình. Ông Quả cho biết: Sau khi xây dựng được nhãn hiệu hàng hóa, ông sẽ mở rộng thêm quy mô sản xuất đến một số thôn trong xã và phối hợp với huyện hình thành tour du lịch văn hóa cộng đồng làng nghề truyền thống. Ông dí dỏm nói: "Người Mông Lùng Tám chưa biết lấy nó ra phục vụ mình. Sự giàu có đang ở những khung cửi, trong tầng sâu văn hóa người Mông đó".

Hiện nay, ông Quả đã cùng với xã và huyện hình thành tour du lịch cộng đồng về thăm làng nghề truyền thống thổ cẩm bản ông rồi. Lịch trình của tour du lịch nguyên sơ khám phá văn hóa người Mông mà ông và những người dân ở đây đang làm theo kế hoạch của huyện Quản Bạ. Du khách từ thị xã Hà Giang, đi 40 km qua đèo Bắc Sum lên cổng trời Quản Bạ, dừng chân ngắm núi đồi huyền bí xuống phố huyện thưởng thức các món ăn đặc sản mang hương vị cao nguyên như măng nhồi hấp, canh lá đắng, thịt lợn đen hun khói, nghỉ tại nhà nghỉ Tam Sơn.

Tiếp đó, du khách thăm làng sản xuất rượu ngô Thanh Vân nức tiếng một vùng, xuôi về thung lũng Lùng Tám thăm cơ sở dệt vải lanh thổ cẩm cùng ăn trưa với người Mông và thưởng thức men rượu ngô chếnh choáng men tình, khi về không quên mua vài bộ sản phẩm thổ cẩm làm quà cho mình và người thân.

Cách làm du lịch tuy mới chỉ bắt đầu, nhưng bước khởi động của tỉnh Hà Giang đang đặc biệt lưu tâm và coi trọng công tác phát triển du lịch cộng đồng. Người Lùng Tám và nghề truyền thống của họ sẽ là một trong những địa chỉ hấp dẫn khách du lịch.

Theo Tin Tức

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm