(TT&VH Online) - Ở Vienna, người ta thích tiếng Nga! Cái cảm giác xa lánh và có phần khinh thị đối với những người nói tiếng Nga như những năm trước kia giờ không còn tồn tại nữa, khi các CĐV Nga bắt đầu đổ bộ vào thủ đô nước Áo, từ những dòng xe hối hả đổ đến qua ngả Innsbruck và Salzburg, nơi họ có 3 ngày nghỉ sau khi đội tuyển của họ giành thắng lợi lịch sử trước Hà Lan, cho đến những chuyến bay hối hả hạ cánh xuống sân bay Vienna cả ngày lẫn đêm trong mấy ngày qua.
Người ta ước tính có khoảng 15 nghìn người Nga sẽ đến Vienna để ủng hộ đội tuyển nước mình cho trận bán kết với Tây Ban Nha. Một con số quá ít ỏi so với lượng CĐV Tây Ban Nha, chưa nói đến những người hâm mộ các đội tuyển khác đã từng bị họ đánh bại và loại khỏi cuộc đua EURO. Nhưng đấy lại là một con số “chất lượng”, bởi họ giàu có, sẵn sàng tiêu hàng tấn euro, ngủ tại những khách sạn 5 sao xa xỉ và thực hiện những chuyến du lịch vòng quanh nước Áo cho đến hết tháng Sáu, thậm chí sang tháng Bảy. Đội Nga khám phá EURO bằng những cảm xúc mà trước khi có Hiddink, họ chưa từng trải qua. Châu Âu khám phá nước Nga bằng sự tò mò, soi mói và dè chừng bởi sự lớn mạnh nhanh chóng của Moskva ở vị thế của một siêu cường trong những năm tháng Putin. Còn ở Áo, người ta khám phá những cái ví đầy tiền của các CĐV Nga. Zdrastvuiche! (phiên âm từ tiếng Nga: Xin chào).
Đội quân của Hiddink có thể thắng hoặc thua trong trận bán kết với Tây Ban Nha, điều đó không ảnh hưởng gì đến kế hoạch của hàng nghìn CĐV Nga: họ đang có một trong những kì nghỉ hè thú vị nhất và họ muốn tận hưởng nó. Những khách sạn sang trọng nhất ở Vienna đã được người Nga đặt cho đến sau trận chung kết. Những cửa hàng trang sức xa xỉ đã bắt đầu tràn ngập những người nói tiếng Nga. Những khu du lịch ở Vienna và vùng phụ cận cũng đã in dấu chân họ. Tiếng nói xì xồ của họ vang lên ở khắp nơi. Những khuôn mặt đậm nét Nga, những nàng Sharapova tóc vàng xinh đẹp và quyến rũ lại xuất hiện ở những nơi đông người nhất trong thành phố (họ cần được người ta ngắm, hệt như những mỏ dầu mới mẻ cần phải được khoan và khai thác). Sau Basel, Innsbruck và Salzburg, đến lượt Vienna in dấu những chiếc Mercedes, BMW và Jaguar đen bóng mang biển số Nga. Người ta buộc phải quen và đã quen với cảnh đó. Nước Nga bây giờ rất giàu.
Người Tây Ban Nha có thể tổ chức cổ động cho đội tuyển một cách chuyên nghiệp hơn, fan của họ chiếm toàn bộ khu Fan Camp với giá rất rẻ mà BTC EURO dành cho các CĐV, màu áo đỏ và vàng của họ làm rực lên cả một góc thành phố, nhưng người Nga chẳng hề bận tâm về điều đó. Họ không biết cách tổ chức cổ động theo kiểu chuyên nghiệp, thậm chí ăn mừng thắng lợi ầm ỹ như những người Hà Lan, Tây Ban Nha hay Thổ Nhĩ Kì (vì trước nay, Nga đâu có nhiều chiến thắng để ăn mừng). Họ cũng không cần ăn ngủ tạm bợ như bao CĐV khác trong các khu cắm trại hay nhà trọ. Nhưng chiến thắng rồi cũng sẽ đến và văn hóa cổ vũ bóng đá của người Nga cũng sẽ hình thành. Bây giờ, niềm tự hào của nước Nga đã đến không chỉ ở tiếng nói của họ trên trường thế giới, một chiến công của Putin, mà còn ở những sân bóng nơi đội Nga chiến thắng, một chiến công của Hiddink, nhưng trước hết là của những người đã đưa ông đến với đội tuyển Nga. Có một tỉ phú đã gây tác động và đứng đằng sau quyết định đưa vị HLV Hà Lan đến Moskva: Abramovich. Khỏi cần nhắc lại ông ta là ai và đứng thứ bao nhiêu trong số những người giàu nhất thế giới.
Điều gì đã xảy ra? Một phóng viên Nga đã giải thích cho người viết, theo cách của riêng anh: “Sức mạnh truyền thống của nước Nga đã được tập hợp và phát huy tối đa nhờ sự quyết đoán và cá tính mạnh mẽ của Putin. Vai trò của nước Nga tăng lên cùng với sức mạnh của vũ khí năng lượng và tài năng của Putin. Nước Nga trở nên giàu có vì dầu mỏ. Không có tiền, không có Hiddink. Không có Hiddink, không có chiến thắng”. Đội tuyển Nga đã gây ra những cảm giác choáng ngợp mạnh mẽ và đầy thú vị với cái cách mà họ đã dồn những người Hà Lan tội nghiệp vào chân tường và kết liễu họ, như một con sói trẻ và hăng máu ép một con sư tử già vào chỗ chết. Những quan niệm và định kiến cũ kĩ về bóng đá Nga và đội tuyển Nga đã thay đổi trong 2, 3 năm qua, khi họ tiếp cận với tư duy bóng đá mới, khi hàng tấn tiền được đổ vào các CLB. Zenit Saint Petersburg đã đoạt Cúp UEFA bằng một lối tiếp cận hết sức hiện đại và trẻ trung. Đội Nga ở EURO đã chơi một thứ bóng đá tốc độ, đơn giản và mạnh mẽ nhờ sức trẻ và sự quyết đoán. Liên Xô của Lobanovski đã hạ Italia 2-0 trong trận bán kết EURO 88 bằng thứ bóng đá mà người ta nói là của thế kỉ 21. 20 năm sau, với trận thắng Hà Lan, có lẽ Nga đã chơi thứ bóng đá của thế kỉ 22!
Putin không còn ở vị trí quyền lực cao nhất của nước Nga, nhưng người ta vẫn nói về ông và những gì ông đã làm cho nước Nga, để sự giàu mạnh của nó khiến biết bao người Nga ngẩng đầu. Liên Xô và đội tuyển của nó không còn tồn tại, nhưng những dòng chữ “CCCP” trên ngực áo các CĐV Nga vẫn gợi nên những hoài niệm về một đội bóng và một quốc gia đã từng là một thế lực mang tính toàn cầu. Đội tuyển ấy và quốc gia ấy không thể tái sinh. Nga hiện tại chơi một thứ bóng đá khác, nhưng tầm cỡ của nước Nga trên thế giới đang vươn đến tầm của Liên Xô cũ. Nga của hiện tại nằm trong tay những con người mới, từ ông chủ đất nước (Medvedev) đến ông chủ đội tuyển (Hiddink) và những người trẻ trung làm chủ số phận mình (Arshavin). Sau 20 năm, chữ CCCP không còn nữa, nhưng quốc ca Nga trên nền nhạc quốc ca của Liên Xô cũ vẫn vang lên như một sự nhắc nhở về quá khứ và hiện tại. Vẫn có một bộ phận không nhỏ người Nga (và cả người Việt) tự hào về những điều ấy. Đang có hàng triệu người cảm thấy hạnh phúc khi nhìn thấy nước Nga và đội tuyển Nga đang lên như một ngôi sao, với lòng tràn ngập khát khao hét lên 3 tiếng “Pobeda” (Chiến thắng).
20 năm trước, thế hệ những người mang dòng chữ “CCCP” trên ngực áo đã vào đến tận trận chung kết EURO 88. Bức tường Berlin còn đó, Liên Xô vẫn đứng sừng sững như một tượng đài, Nga chỉ là một phần của cường quốc rộng lớn ấy. Tên tuổi của họ không ai trong số những người yêu bóng đá Liên Xô không nhớ: Dassaev-Khidiatulin-Rats, Kuznetsov, Bessonov-Mikhailichenko, Aleynikov-Gotsmanov, Zavarov, Litovchenko-Belanov (hoặc Protassov). Những ngôi sao lớn của ngày ấy đã lui vào dĩ vãng, và đội Nga, chỉ gồm những cầu thủ Nga (Liên Xô ngày xưa dựa nhiều vào Dynamo Kiev và những người Ukraina) không có ngôi sao nào tương xứng đội tuyển Liên Xô của quá khứ. Nhưng họ đang khiến tất cả nhớ đến những năm tháng trước kia của đội “CCCP”. Liên Xô tan rã 3 năm sau trận chung kết 1988. Gorbachev bước ra khỏi lịch sử khi bức tường Berlin và khối XHCN Đông Âu sụp đổ. 20 năm sau, nước Nga chưa bằng được như Liên Xô trước kia, đội tuyển Nga cũng chưa tới được tầm của đội “CCCP”, nhưng đã tạo nên biết bao hy vọng, dù không phải tất cả niềm kì vọng ấy sẽ được đền đáp.
Đêm nay, Putin sẽ có mặt ở đó, trên khán đài sân Ernst Happel dự khán trận Nga-Tây Ban Nha. Một lời muốn nói: Spasibo (Xin cảm ơn)!
Anh Ngọc-Chí Thành (từ Vienna, Áo)