Barcelona cũng không thể thoát “Quy luật 3 năm”?

22/03/2012 18:32 GMT+7 | Barcelona

(TT&VH) - Huyền thoại bóng đá người Hungaria, Bela Guttmann, từng nói năm thứ 3 là năm tiền định. “Quy luật 3 năm” cũng có vẻ đặc biệt đúng với những đội bóng tuân theo triết lý pressing cực đoan. Viktor Maslov, cha đẻ của lối đá pressing, người từng dẫn dắt Dynamo Kiev đến với 3 chức Vô địch liên tiếp tại giải quốc nội Liên Xô từ 1966 đến 1968, cuối cùng cũng phải ra đi khỏi cương vị chỉ đạo của mình vào năm 1970. Bây giờ, Barcelona đang bị “nghi ngờ”.

Hay như Ajax, đội bóng từng lập cú “hat-trick” Vô địch châu Âu từ năm 1971 đến 1973 để rồi sau đó cầu thủ chủ chốt của họ là Johan Cruyff đã quyết định ra đi một cách đầy nuối tiếc chỉ vì những cầu thủ khác trong đội đã bầu Piet Keizer làm thủ quân thay vì Cruyff. Và Milan của Arrigo Sacchi, đội bóng từng giành 1 Scudetto và 2 chức Vô địch châu Âu, cuối cùng cũng bị những nỗ lực vượt mức về thể lực và tinh thần trong việc duy trì cách tiếp cận pressing cao độ trong lối chơi quật ngã lại chính mình.


Barcelona có thoát được  “Quy luật 3 năm”? - Ảnh Getty

Việc duy trì một mô thức thi đấu liên tục trong quãng thời gian dài cũng khiến các cầu thủ cảm thấy chán nản. Lối đá pressing tự bản thân nó đòi hỏi một sự tiêu hao thể lực cực kỳ, nó bắt các cầu thủ phải liên tục di chuyển khắp mặt sân. Và một khi những cầu thủ đã cùng nhau ăn ở, cùng nhau làm việc trong suốt 3 năm liền, đến một lúc nào đó họ sẽ bắt đầu nắm bắt được suy nghĩ của nhau – một sự lây lan suy nghĩ. Đấy là lúc nảy sinh vấn đề về khát khao thi đấu: liệu một khi bạn đã giành được cùng một danh hiệu trong 3 năm liền, thì lần thứ tư có còn mang lại cảm giác như thuở ban đầu?

Barcelona vượt qua được lời nguyền?

Ở mùa giải năm nay, năm thứ 4 của Pep Guardiola, khi Barcelona có dấu hiệu sa sút, đang bị Real Madrid bỏ xa 6 điểm, nhiều CĐV của đội bóng này đã bắt đầu lo ngại. Một trong những vấn đề nổi cộm là đội bóng của Guardiola đã không thể giành chiến thắng trong 7 trận xa Camp Nou từ đầu mùa. Đồng ý rằng Barca là đội chơi tốt và lấn át hơn trong 7 trận đấu đó, nhưng nếu như những cút sút của Barca cứ trút như mưa về phía khung thành đối phương trong khi những quả bóng thì lai không thể lăn vào lưới (yếu tố kém may mắn là rất nhỏ nhoi) thì ắt hẳn phải tồn tại đâu đó một sự nghi ngại về sự thiếu chính xác hoặc thiếu tập trung nơi các cầu thủ Barca. Chỉ cần một sự chểnh mảng dù rất nhỏ cũng có thể tạo nên một hố sâu lớn giữa thành công và thất bại, sai một ly đi một dặm!

Tuy nhiên, sẽ là quá vội vàng nếu cho rằng đã đến ngày tàn của Barcelona bởi ở đấu trường Champions League hay những trận “Kinh điển”, đội bóng này vẫn thi đấu rất xuất sắc. Dường như đã nhận ra “quy luật 3 năm” nên đầu mùa, Guardiola đã quyết mua 2 bản hợp đồng lớn của mùa hè để bổ sung lực lượng cho đội bóng – Alexis Sanchez và Cesc Fabregas. Không những thế, ông tiếp tục bổ sung những cầu thủ từ tuyến trẻ cho đội một, đáng chú ý nhất là Thiago Alcantara. Nhưng có lẽ điều thú vị nhất có thể bắt gặp ở phương án hành động của Guardiola chính là sự “đùa nghịch” của ông trong sơ đồ chiến thuật. Một sự thử nghiệm sơ đồ chiến thuật mới với 3 hậu vệ cho phép Barca có thêm nhiều phương án trong đấu pháp và cho phép Guardiola giành chiến thắng trước Jose Mourinho trong trận El Clasico. Mặc dù vậy, sự cơ động này có cái giá của nó: Barca không còn sinh động và lưu động như trong quá khứ - đi theo một hệ thống mới cũng có nghĩa là phải phá đi hệ thống cũ.

Sự thay đổi chiến thuật có vẻ như đã giúp Barca có nhiều lợi thế trong những cuộc đối đầu trước các đối thủ mạnh. Nhưng nó cũng khiến Barca phải trả giá trong những trận đấu trước những đối thủ hạng trung ở giải quốc nội, những đối thủ mà cách đây một mùa bóng họ còn dễ dàng vượt qua. Và nếu đó chính là mấu chốt của vấn đề, thì hồ như rằng Barcelona đang chơi một canh bạc: Chấp nhận “buông” giải quốc nội để tập trung giành danh hiệu Champions  League thứ 3 trong vòng 4 mùa giải, trở thành đội bóng đầu tiên kể từ sau Milan của Sacchi bảo vệ thành công ngôi vương châu Âu. Nếu chiến thắng, Barcelona sẽ phá bỏ “quy luật 3 năm” của Guttmann và đi vào đi vào sử sách. Còn không Barcelona sẽ chưa thể bước lên hàng vĩ đại, chỉ được đánh giá là một trong những đội bóng xuất sắc mà thôi.

M.U từng hóa giải được “Quy luật 3 năm”

M.U cũng từng phải đối mặt với “Quy luật 3 năm” nhưng đội bóng này vẫn vượt qua được cửa ải khó khăn bởi HLV Alex Ferguson đã tìm ra công thức chế ngự “lời nguyền” kia. Trong tay HLV Ferguson có những cá nhân hết mực trung thành, đó là những con người dường như miễn nhiễm khỏi sự tự mãn (hoặc cũng có thể vì những con người này đã cùng nhau trường thành trong một màu áo ngay từ thuở thiếu thời – với M.U, minh chứng rõ nét có thể kể đến Gary Neville). Nhà cầm quân này cũng biết cách làm tươi mới đội hình ấy bằng những bản hợp đồng xuất sắc từ bên ngoài như với Ruud van Nistelrooy, Cristiano Ronaldo hay Wayne Rooney.

Bên cạnh việc xây đắp cho đế chế ấy, HLV Ferguson cũng nhanh chóng xử lý ngay mọi sự cố có thể ảnh hưởng tới đội bóng. Bất kỳ một cầu thủ nào cho thấy dấu hiệu dao động khỏi kim chỉ nam của đội bóng đều bị trừng trị một cách thẳng thừng. Sự đào thải khét tiếng nhất trong lịch sử đội bóng này diễn ra vào năm 1995 khi M.U kết thúc mùa giải với vị trí thứ 2 trên BXH giải quốc nội và để thua trong trận chung kết cúp FA, dẫn đến sự ra đi của những danh thủ Mark Hughes, Andrei Kanchelskis và Paul Ince.

Real Madrid từng đoạt 5 danh hiệu Vô địch châu Âu từ năm 1956 đến 1960 cũng có thể xem là một ngoại lệ khác. Nhưng Real thời kỳ ấy là một Real của sự đổi thay, thay da đổi thịt qua từng năm tháng. Cụ thể, chỉ có 4 cầu thủ của họ từng chơi trận chung kết 1956 còn góp mặt ở chung kết 1960. Cũng trong giai đoạn đó, đã có đến 6 lần thay đổi ở vị trí chiếc ghế nóng của Real và 6 sự thay đổi này xoay quanh 4 gương mặt HLV khác nhau. H.T


Hoàng Thông

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm