GS.TS Trần Văn Khê qua đời: Người truyền tải vẻ đẹp Việt

27/06/2015 09:44 GMT+7 | Văn hoá

(Thethaovanhoa.vn) - Cả Nguyên Lê, Hương Thanh, Võ Văn Ánh đều là những nghệ sĩ Việt Nam rất thành công khi mang âm nhạc cổ truyền Việt Nam ra nước ngoài. Họ đều nói rằng âm nhạc dân tộc Việt Nam mãi mãi là cội nguồn và là hơi thở trong những sản phẩm của họ dù là dưới hình thức âm nhạc nào đi nữa. Và họ đều chịu ảnh hưởng từ GS-TS Trần Văn Khê.

Từ nước ngoài, sau khi nghe tin GS-TS Trần Văn Khê qua đời họ đã gửi cho Thể thao & Văn hóa (TTXVN) những cảm xúc ấn tượng về ông.

Nghệ sĩ Võ Vân Ánh: “Bác Khê là nguồn cảm hứng...”

Tôi thấy hết sức hụt hẫng và buồn. Bác Trần Văn Khê không chỉ là người thầy của tôi, của công chúng, mà còn là nguồn cảm hứng cho công việc của tôi. Nhiều khi làm việc phát triển văn hoá âm nhạc dân tộc Việt Nam tôi cảm thấy nản lắm vì chưa có nhiều người hiểu và ủng hộ nhưng cứ nghĩ tới việc bác Khê đã làm và luôn lạc quan, tôi lại thấy vững tâm và nhiệt tình hơn.

Tôi biết bác là người biết rất nhiều, rất nhiều khó khăn của con đường này, thế nhưng chỉ có những lúc thật riêng tư với vài học trò cùng với bác, bác mới trải lòng, cũng vì bác lo nhiều người không hiểu sẽ nản lòng.

Thật tình đối với tôi, những điều bác chia sẻ với tôi luôn còn ở đây nên việc bác không còn có mặt trên cõi đời này chỉ là về phần thể chất mà thôi. Quan trọng là bác đã để lại trong tâm hồn và cuộc sống của chúng ta nhiều điều để học và làm theo.


GS Trần Văn Khê. Ảnh: Nguyễn Đình Toán

Nghệ sĩ Hương Thanh: Giữ mãi hình ảnh đẹp về GS Khê

Vì quen biết gia đình tôi từ lúc bác còn sống ở Pháp, và nhất là ba tôi (cố nghệ sĩ cải Lương Hữu Phước), và chị là ca sĩ Hương Lan nên bác Khê luôn khuyến khích tôi phải giữ vững con đường mình đã và đang đi là đem âm nhạc dân tộc ra giới thiệu với nước ngoài.  

Đã hơn 20 năm nay, Bác luôn luôn có mặt tại những buổi diễn của tôi tại Pháp hay tại Việt Nam để ủng hộ dẫu rằng những lần cuối bác rất yếu, đi đứng khó khăn. Tôi cảm động vô cùng...

Đối với tôi, bác Khê hay là ba của tôi cho dù đã ra đi nhưng tiếng tăm họ vẫn còn để lại, trong lòng mình cũng như trong lòng mọi người. Đây là những tấm gương trên con đường nghệ thuật mà tôi phải giữ để truyền bá cái hay cái đẹp của người Việt Nam cho người nước ngoài.  

Tôi giữ mãi những lời khuyên và hình ảnh đẹp ấy của bác, và thành thật xin chia buồn cùng anh Trần Quang Hải, chị Bạch Yến và toàn thể gia quyến.

Nghệ sĩ Nguyên Lê: “Người bạn vong niên mà tôi ngưỡng mộ”

Tôi rất buồn về sự ra đi của giáo sư Trần Văn Khê. Cha mẹ tôi cũng là những người thân của ông khi họ đến Pháp vào những năm 50. Lúc ấy họ đều có chung một con đường, sang Pháp du học và nghiên cứu tại những trường đại học lớn và trở thành giảng viên.

Giáo sư Trần Văn Khê biết tôi từ khi tôi còn bé lẫm chẫm và đã chứng kiến những sự trưởng thành của tôi. Ông cũng đã chứng kiến khoảng thời niên thiếu của tôi khi tôi say mê guitar và muốn trở thành một nghệ sĩ nhạc Jazz, một thể loại nhạc không cùng phong cách của ông khi ấy.

Tôi nhớ đó là năm 1996, khi tôi phát hành album đầu tiên của tôi mang dáng dấp nguồn cội nhạc Việt, Tales from Viet-Nam, mẹ tôi đã tổ chức một bữa ăn trưa tại nhà để bác và tôi có thể cùng trò chuyện với nhau.

Bác đã lắng nghe rất cẩn thận và tỉ mỉ và sau đó đã phân tích rất tuyệt vời về âm nhạc của album này. Khi thấy tôi quá đỗi ngạc nhiên về những phân tích của bác, bác đã đề nghị tôi chơi cùng bác. Và thế là hai bác cháu cùng nhau chơi nhạc.

Chúng tôi ứng biến, theo cách của mỗi người. Tôi chơi theo nhạc Việt Nam theo cách Jazz của tôi còn bác thì ngẫu hứng Jazz theo kiểu Việt Nam. Bác hát và đặt lời ngay tại chỗ. Cảnh tượng lúc ấy xúc động lắm, vừa độc đáo, tươi vui và tôi nhớ mẹ tôi đã khóc.

Đó chính là sự khởi đầu cho tình bạn vong niên của chúng tôi. Chúng tôi trở thành những người bạn và ngưỡng mộ lẫn nhau. Tôi nhiều lần mời ông đến tham dự những buổi biểu diễn của tôi ở Paris hay Việt Nam. Lần gần nhất tôi biểu diễn tại TP.HCM ông đã đến tham dự, ngồi hàng ghế đầu và luôn lúc lắc đầu nhảy theo nhạc. Tôi rất xúc động.

Những nghiên cứu, phát triển âm nhạc dân tộc Việt Nam của giáo sư Trần Văn Khê đã mang âm nhạc dân tộc đến với quốc tế, truyền đi vẻ đẹp và cảm xúc của nó cho phần còn lại của thế giới. Ông không chỉ là một giáo sư, ông còn là một nhạc sĩ tuyệt vời, một người truyền tải vẻ đẹp của Việt Nam từ tận đáy lòng.

Chúng ta sẽ nhớ ông mãi mãi.

Lễ viếng GS-TS Trần Văn Khê bắt đầu từ trưa 26/6

Theo nhà văn, nhà báo Nguyễn Đắc Xuân, người tham gia ban tang lễ GS-TS Trần Văn Khê, lễ viếng sẽ diễn ra vào trưa mai (26/6) tại 32 Huỳnh Đình Hai, P.24, Q.Bình Thạnh, TP.HCM.

Nguyên Minh (thực hiện)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm