28/06/2022 19:00 GMT+7 | Văn hoá
GS-TSKH, Nhà giáo Nhân dân Vũ Minh Giang vừa có chuyến công du Seoul trong đoàn công tác của Bộ Ngoại giao, với sứ mệnh tư vấn thúc đẩy hợp tác toàn diện giữa Việt Nam - Hàn Quốc lên tầm cao mới.
Luôn gây chú ý mỗi khi xuất hiện trong vai trò chủ trì các hội thảo lớn trong và ngoài nước, thu hút người xem bởi kiến văn uyên bác được chiết tỏa bằng giọng nói đầy nhiệt lượng, GS Vũ Minh Giang vẫn không ngừng gây bất ngờ trên nhiều bình diện. Nếu như ông thường tiên phong khi đưa ra phương pháp nghiên cứu khoa học mới, thì mỗi lần đối thoại, trả lời báo chí, GS cũng vẫn là người tạo những thú vị bất ngờ dù ở đề tài nào đưa ra. Ông có cuộc trò chuyện cùng Thể thao & Văn hóa (TTXVN).
* Là một sử gia có vốn tiếng Việt phong phú và diễn đạt hấp dẫn thành một “phong vị Vũ Minh Giang” trong viết và nói, lại am tường tiếng Trung, GS nghĩ sao về sự tương hợp và phát triển của tiếng Việt tại Hàn Quốc và ngược lại, khi ông là một trong những người đặt nền móng cho ngành Việt Nam học tại Việt Nam?
- Cũng như tiếng Việt, từ vựng Hàn Quốc có tới 70% từ gốc Hán. Được học tiếng Trung từ thiếu niên, với tôi, điểm này thành thuận lợi khi nghiên cứu văn hóa, lịch sử Hàn Quốc. Hiện nay, các đại học lớn của Hàn Quốc đều có Khoa Tiếng Việt và lượng sinh viên Hàn Quốc du học, làm nghiên cứu sinh tại Việt Nam tăng lên. Tiếng Việt thành ngoại ngữ thứ 2 trong kỳ thi vào đại học ở Hàn Quốc. Đây là khởi sắc của tình hữu nghị, gần gũi của 2 quốc gia.
Phía Hàn Quốc vẫn chinh phục khách quý bằng ẩm thực ngon, sang và phong phú. Tôi vẫn nhớ ấn tượng những bữa sáng tuyệt ngon ở Hilton, với thực đơn “Vòng quanh thế giới” gồm những món ngon nhất của nhiều quốc gia, tất nhiên có Việt Nam.
* Điện ảnh Hàn Quốc có bộ phim nổi tiếng “Xuân, Hạ, Thu, Đông rồi lại Xuân”. GS nghĩ gì về điện ảnh cũng như thiên nhiên, cuộc sống của xứ Hàn?
- Hàn Quốc là cường quốc điện ảnh. Và với tôi, đây còn là xứ sở tỏa hương. Hương của thi ca nghìn năm, hương của những trang sách cổ truyền hưng khí trong thời đại mới. Và Hàn Quốc còn tựa một bộ phim đầy sức hút không biết đến trường đoạn kết. Bộ phim Xuân Hạ Thu Đông rồi lại Xuân gây dư chấn ngay khi công chiếu mùa Thu 2003, đó là năm tôi có chuyến đi ấn tượng đến xứ Hàn. Tác phẩm lớn của đạo diễn tầm cỡ nhất Hàn Quốc Kim Ki Duk (1960 - 2020) được nhiều giải khi dự các liên hoan phim quốc tế. Dù Kim mất 12/2020 ở Latvia do Covid-19, thì sức sống thiên nhiên trong tác phẩm ông vẫn đang chuyển hóa giữa cuộc sống - tự nhiên đất nước này bằng những khuôn hình được nhớ sâu trong tâm trí.
Tôi may mắn đi khắp thế giới, có những nước đến nhiều lần nên chiêm ngưỡng được cả 4 mùa. Chục chuyến đi của tôi đến Hàn Quốc là qua mùa Xuân lộng lẫy anh đào, hoa bừng sắc trong Hè rực rỡ, Thu rực lá vàng đỏ và Đông trắng tuyết bay làm tôi nhớ mùa Thu châu Âu, những mùa Đông tuổi trẻ tôi được sống ở Moscow đẹp bàng hoàng và cám dỗ vô cùng tận.
Đã có phim Mỹ rất hay Không ngủ ở Seatle, song đến Seoul, những ai ham khám phá đều không muốn ngủ. Là thành phố lớn hàng đầu châu Á và top dân số lớn nhất hành tinh, Seoul đầy sức hút từ vẻ tráng lệ, hiện đại tới những gì cổ kính, bình dị nhất. Tôi nhớ những phố ăn đêm, đường đi bộ, và cả chợ bán sâm nức tiếng Seoul. Chợ tên là Dong Demoon (Đông Đại môn/ Chợ cửa Đông) ở Seoul.
* Được biết GS từng là khách mời của 2 đời Thủ tướng Hàn Quốc. GS có thể chia sẻ về vinh dự đặc biệt này?
- Khi đang là Phó giám đốc Đại học Quốc gia Hà Nội, tôi cùng GS-TS Mai Trọng Nhuận là Giám đốc Trường, được mời sang thăm Đại học Quốc gia Seoul năm 2009, khi mà Giám đốc Đại học Seoul trở thành Thủ tướng Hàn Quốc. Bởi uy tín của ĐHQG Hà Nội mà ĐH Seoul đã thắt chặt quan hệ khi cùng chúng tôi sáng lập nhóm 4 ĐH lớn BESETOHA. Ngài Park Tae Joon là Chủ tịch Tập đoàn Posco (nguyên Thủ tướng Hàn Quốc) đã mời tôi đến tham quan. Chúng tôi mến nhau ngay lần đầu, và bằng sự cảm phục, đến hôm nay tôi vẫn tự hào về người bạn vong niên ấy.
Tôi ấn tượng với người đàn ông thép Park Tae Joon (1927 -2011), vì tôi được gặp ông nhiều lần. Lãnh đạo ĐHQG Hà Nội chúng tôi đã mời và đón ông sang giao lưu hôm 29/1/2009 khi ông 82 tuổi. Sáng lập ra Posco 1/4/1968, ông là Chủ tịch đưa Tập đoàn hùng mạnh có lúc đứng đầu thế giới. 40 năm quân ngũ, hàm Thiếu tướng, quân nhân Park thành ngôi sao lớn của doanh nhân Hàn Quốc. Ông thành lập Đại học Postech (đại học nghiên cứu hàng đầu Hàn Quốc), Đại học Công nghệ Pohang, đội bóng Pohang Steers, Quỹ Posco TJ Park.
Đi qua chiến tranh, nghèo đói, ngài Park luôn tâm niệm: “Hiến dâng cuộc đời cho Tổ quốc bất diệt. Không lúc nào không nghĩ về tương lai cuộc đời và Tổ quốc mình”. Coi giáo dục là sự nghiệp công ích lớn nhất thiên hạ, ông nỗ lực chấn hưng giáo dục bằng mục tiêu “Giáo dục báo quốc”. Người bạn lớn của tôi còn đầu tư cho ĐHQG Hà Nội. Ý chí, khát vọng của Park Tae Joon, 11 năm sau khi ông đi xa, vẫn còn sức nóng: “Hiện đại hóa đất nước, biến thời đại của thách thức thành thời đại của vinh quang”.
* Thưa GS, có cảm giác ông đi công tác như chuyến trải nghiệm văn hóa đầy cảm xúc, mà dữ liệu ắp đầy hiểu biết và ấn tượng?
- Nhiều lần công tác Hàn Quốc, tôi đều coi là những chuyến trải nghiệm khảo cứu mà bản thân đắm mình vào không gian đó một cách thuần cảm chứ không chỉ là lướt qua. Tôi quan sát, phát hiện và chiêm nghiệm bằng tư duy của một sử gia yêu toán (GS Giang là học sinh chuyên toán trường chuyên Thái Phiên, Hải Phòng - PV) hằng coi việc đưa ra trường phái, phương pháp nghiên cứu mới cho lịch sử, văn hóa là sức sống của khoa học, không ngừng bổ sung tư liệu, dữ liệu, nhân chứng mới. Ở đảo Jeju (Tế Châu), tôi phi ngựa trên triền đồi, trẻ trung, mạnh mẽ, không phải ngồi yên ngựa chụp kiểu du lịch đâu; còn lặn tàu ngầm xuống biển Jeju ngắm cá, san hô...
Suốt 6 năm làm nghiên cứu sinh ở Moscow, tôi nghe lời thầy, chơi với các bạn Nga khác khoa, vừa để luyện tiếng, vừa có người liên tục phản biện mình. Ngoài thời gian chính dành cho học, tôi nhờ bạn Nga mua vé, xem hết các nhà hát, bảo tàng của Moscow - kinh đô văn hóa của Nga và đến đủ 16 nước Cộng hòa thuộc Liên Xô. Cho nên với Hàn Quốc, quốc gia Đông Á, tôi cũng chú ý đi bảo tàng.
Chỉ riêng đảo Jeju đã la liệt bảo tàng mà tham quan chớp nhoáng thì không đủ thời gian lướt qua cửa: Các bảo tàng Văn hóa dân gian, Nghệ thuật, Thiên nhiên, Khoa học, Thiếu nhi, Vườn và đặc biệt gây chú ý là Museum of Sex and Health (Tình dục và Sức khỏe) - một bảo tàng táo bạo với người xem Á Đông, với hơn 140 điêu khắc đá tả nam nữ giao hoan lồ lộ sinh thực khí. Tôi nhớ Seoul tươi hồng trong sắc anh đào tháng 4 khiến ai ngắm nhìn cũng như được hồi quang tuổi trẻ. Nhớ vàng dát lá phong rực sáng mùa Thu và những tàng cây đỏ bừng lửa.
Sức mạnh văn hóa làm nên kiêu hãnh quốc gia. Nguyên thủ và Chính phủ Hàn Quốc ở mọi nhiệm kỳ đều chú ý bảo tồn di sản, văn hóa truyền thống, từ mỹ tục đến nề nếp sinh hoạt, các tiết lễ trong năm, cung điện, nhà cổ, phố cổ. Những gì cổ kính, truyền đời đều được nâng niu, dù có tiếp biến mạnh mẽ của đời sống công nghiệp, như một sức sống tinh thần bền vững - chứ không chỉ là “lớp vỏ” để khai thác của công nghiệp du lịch nhằm lợi ích doanh thu.
* Xin cám ơn GS!
Vài nét về EPG quan hệ ngoại giao Việt - Hàn Eminent Persons Group (EPG) là nhóm những người ưu tú, nổi tiếng trong một lĩnh vực hay trên một phương diện nào đó. Họ hiểu biết sâu sắc và có công lao đóng góp cho quan hệ Việt Nam - Hàn Quốc phát triển được thành lập vào đầu năm 2022, theo sáng kiến của Bộ Ngoại giao 2 nước nhân kỷ niệm 30 thiết lập quan hệ ngoại giao. EPG thực hiện sứ mệnh của Bộ Ngoại giao Việt Nam, gồm 6 thành viên, chia làm 3 nhóm: GS Vũ Minh Giang - nhà ngoại giao Nguyễn Phú Bình chuyên về chính trị - ngoại giao; nhóm Kinh tế: Trần Đình Thiên - Phan Hữu Thắng; nhóm Văn hóa: Phạm Tiến Vân - Phạm Quý Long. EPG 2 bên đã họp cường độ cao, 3 phiên/ngày, tại KS Lotte. Tại Hàn Quốc, bài phát biểu của GS Vũ Minh Giang chốt phiên họp sáng 15/6/2022 gây chú ý nhất bởi độ sâu sắc, tầm nhìn và tính thiết thực của giải pháp. GS Giang, bên cạnh chuyên môn lịch sử, còn là chuyên gia cao cấp của ngành giáo dục và là một nhà văn hóa có kiến văn uyên tuệ, lối diễn đạt quyến rũ (cả viết và nói). Ông được phía bạn coi trọng bởi quá trình hợp tác bền chặt 30 năm, ngay từ khi 2 nước thiết lập quan hệ ngoại giao. Hiện nay, GS-TSKH Vũ Minh Giang là Chủ tịch Hội đồng chuyên môn của Trung tâm Hỗ trợ Nghiên cứu châu Á. |
Vi Thùy Linh (thực hiện)
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất