17/01/2012 13:25 GMT+7 | Văn hoá
(TT&VH) - Khó tìm được một từ duy nhất nào toát lộ đầy đủ về tầm vóc của con người lớn lao này hơn từ “uy lẫm”. GS Vũ Khiêu sinh năm Bính Thìn 1916, năm Nhâm Thìn này, tròn 96 tuổi. Ông là bậc trí thức ở VN vẫn làm việc 12 giờ/ngày dù tuổi đã quá cao...
1. Thăng Long - Hà Nội xưa nay vốn là nơi hội tụ anh tài, giờ đây “địa linh” này lại có “nhân kiệt” Đặng Vũ Khiêu.
Điều ông quý giá là sức khỏe và thời gian, nhất là thời gian của một người qua cửu thập. Đam mê viết và đọc sách, nhưng chưa khi nào ông được thỏa, vì thời gian sẻ chia với nhân quần. Quanh năm người khắp chốn tìm đến ông xin chữ, câu đối cho các dòng họ, đình chùa. Cách Tết 2 tháng lại càng tấp nập mà ông không đáp ứng xuể, chỉ chọn lọc những quan hệ lâu năm, dòng tộc trí thức, nghệ sĩ tên tuổi.
Đầu tháng Chạp, từ cổng vào biệt thự Vũ Khiêu, đã bùng lên hai bồn trạng nguyên đỏ rực. Vườn đầy cây cảnh quý và hoa theo mùa. Tiêu biểu là hòe - quế (cây tượng trưng cho con cháu đủ đầy), giữa là tùng - trúc - mai (tượng trưng cho bè bạn).
Vũ Khiêu là một giá trị lớn bởi tích hợp nơi con người trí tuệ uyên bác ấy, là bộ não siêu việt, trái tim bác ái, tâm hồn rộng mở đầy mẫn cảm yêu thương. Vũ Khiêu định dạng bảo tín cho những giá trị đa dạng mà nội hàm của từ này chứa tải tầm vóc của đại trí thức, nhà văn hóa, nhà triết học, mỹ học, Hán học, nhà giáo, nhà văn, nhà thơ.
GS Vũ Khiêu và cô giáo Đặng Thị Phương - Hiệu trưởng
Trường Tiểu học Xuân Hồng A - Nam Định
Ý thức tìm hiểu và đọc ông, khiến tôi càng thấy mình quá bé nhỏ và các quy luật giới hạn dường như đã bị đảo lộn toàn bộ trước sức sống và sáng tạo phi thường nơi ông. “Vũ Khiêu” đã thành một danh từ không cần kèm học hàm, chức danh cũng đủ khiến người ta vị nể. Hầu suốt mùa Đông, ông chỉ ngắm hoa từ cửa sổ tầng 2, không thả bộ trong vườn được vì gió lạnh. Nhưng vườn vẫn có ông. Là tình yêu thiên nhiên, dặn cháu con chăm cây, là bức tượng đồng thư thái ngồi nhìn thẳng. Bức tượng này được nhà điêu khắc Nguyễn Hồng Cương tá tạc bằng đồng vàng đặt trên bệ đá hoa cương, do ông Tô Quyết Tiến (cháu của nhà cách mạng Tô Hiệu) một doanh nhân ở TP.HCM gửi tặng dịp sinh nhật.
Những ngày này, GS không thể ăn nghỉ đúng giờ và đọc bài cho các thư ký đánh máy, vì khách đến thăm, chúc Tết lũ lượt hàng chục đoàn mỗi ngày. Xử lý thông tin nhiều “kênh” một lúc, mọi việc đâu vào đấy cả, “hệ thống Vũ Khiêu” gồm đội thư ký 7 người và mọi công việc vận hành với cường độ cao, song chưa khi nào ông phàn nàn.
Trước cửa phòng GS Vũ Khiêu, có tranh sơn dầu Phạm Luận vẽ ông từ năm Mậu Tý. Nhà GS Khiêu bạt ngàn sách, ông coi trọng đọc sách và truyền cho con cháu. Dòng dõi trí thức nhiều đời Đặng Vũ ở Xuân Trường - Nam Định đã đóng góp nhiều nhân tài cho nước nhà. Nổi trội trong các con ông là gia đình người con trai cả. GS Đặng Vũ Cảnh Khanh (1947) là TS xã hội học đầu tiên của miền Bắc (năm 1986) ông học tại Sophia (Bungaria) với nhà xã hội học nổi tiếng thế giới Dobianov. Con trai duy nhất của GS Đặng Vũ Cảnh Khanh là thạc sĩ xã hội học Đặng Vũ Cảnh Linh - cháu đích tôn của GS Vũ Khiêu, hiện là Phó ban Thông tin và phổ biến của Liên hiệp các Hội KHKT Việt Nam. Họ đã nối dài ánh sáng của dòng họ tài danh bằng sự nghiệp đáng nể.
2. Năm nay Anh hùng lao động Vũ Khiêu sẽ cho tái bản các cuốn sách của ông. Đẹp (1963), Anh hùng và nghệ sĩ, tập hợp các bài viết về Hồ Chí Minh và chuẩn bị tiến hành làm Tổng tập Vũ Khiêu.
Chỉ từ 22h, ông mới cho mình nghỉ, để nằm đọc sách. Biết ông chuộng thơ Đường, văn học Pháp, tôi có đem từ Pháp về tập thơ La Folie Du Jasmine (Sự điên rồ của hoa lài) của nữ nhà báo Madeleine Riffaud (83 tuổi) có chữ ký tác giả, bìa in ảnh Riffaud bên 2 con của người yêu lớn nhất đời bà (nhà văn Nguyễn Đình Thi), lúc họ còn nhỏ, Nguyễn Đình Chính đứng bên và “bé” như được mẹ Madeleine bế trên tay.
Ông cho biết đã gặp bà Riffaud ở tại Hội nghị về “Hồ Chí Minh - con người của hòa bình” tại UNESCO Paris năm 2000.
Được tặng nhiều sách thì thời gian ít ỏi, việc đọc ông phải chọn kỹ. Xung chấn kỷ nguyên đột biến của nhà báo Hồ Quang Lợi, là cuốn sách ông đang đọc. Bởi có “mắt xanh” biệt nhãn liên tài, mà Vũ Khiêu đông bạn vong niên, nhiều bạn khắp các giới đó là điều tự hào và trân trọng nhất. Cả đời ông không màng danh vọng, chức quyền, mà lại thành “triệu phú” rất giàu kiến thức và tình bạn. “Kế hoạch 5 năm tới của tôi là xuất bản bút ký những suy tư, về các lĩnh vực, công việc đã trải qua các chặng đường”. Ông ngủ lúc 12h, thức dậy khi mới 4h sáng để đọc sách và tư duy bài, sau bữa sáng “mẩu bánh mì và cốc sữa” (lời GS Khiêu), ông sẽ làm việc cùng đội thư ký.
GS Vũ Khiêu mê cái đẹp không bởi là nhà mỹ học mà ông coi đó là bản chất của người có tâm hồn. Cái đẹp mà ông chú ý, là vẻ đẹp truyền thống không nệ phương Đông hay phương Tây, cái truyền thống đạt độ kinh điển.
Hỏi ông về hạnh phúc, ông nói: “Hạnh phúc của tôi là đông bạn, được nhiều người yêu mến. Hạnh phúc không ở đâu xa vời, nó ở trong lòng mình”.
3. Chiều Chủ nhật 15/1 tôi đến thăm ông, bất ngờ gặp lại cô giáo Đặng Thị Phương, hiệu trưởng trường tiểu học Xuân Hồng A. Cô đến thăm và xin ý kiến ông về việc tổ chức kỷ niệm 90 năm thành lập trường vào 20/11 năm nay. Lập từ 1922, và mang tên đầu tiên là trường sơ học Hành Thiện. Cậu học trò khóa đầu tiên của ngôi trường cổ kính cũng là người thành đạt nhất, duy nhất còn sống chính là Đặng Vũ Khiêu.
Ông đang sống cùng vợ chồng con trai út Đặng Vũ Hoa Thạch. Ông vẫn luôn quan tâm và dành thời gian đến đến dự các sự kiện, gần đây nhất là triển lãm ảnh về cựu Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Duy Hưng sáng 12/1. Tôi nhớ những bước khoan thai khi ông bước trên cầu thang gỗ. Nhớ bàn tay mảnh mai nối những mạch máu và đường gân của ông Vũ Khiêu, mỗi khi cầm, giở sách.
4. Chiều 14/1, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đã đến nhà riêng thăm và chúc Tết GS Vũ Khiêu. Sáng 16/1, ban thường trực Hội đồng họ Vũ quốc gia và họ Vũ Bắc Ninh tới thăm, chúc Tết GS Vũ Khiêu. Ông là biểu tượng danh giá của dòng họ, khi bằng cuộc đời xuyên thế kỷ, đã tạo bao điều trác việt.
Vũ Khiêu luôn bồi hồi khi nhắc tới quãng đời làm Phó Tổng Giám đốc TTXVN (từ 1956). Khoa học trong xử lý và lưu trữ tư liệu, ông giữ được nhiều tấm ảnh quý về cuộc đời mình gắn với chuyển động lịch sử văn hóa VN thế kỷ 20 - 21.
Ông đã khiến tôi triền miên kinh ngạc. Trước ông, tôi thấy ánh sáng toả từ vóc dáng tiên ông từ vầng trán rộng, cặp mắt sáng, một “Trí tuệ viên minh” như 4 chữ Hán thêu gấm vàng trên lụa đỏ mà Hòa thượng Thích Như Niệm tặng. Nhân năm tuổi, về cầu ước, GS Vũ Khiêu nói: “Tôi chưa bao giờ ước gì cho bản thân mình. Năm mới tôi cầu mong quốc thái dân an. Cả thế giới đang suy thoái kinh tế. Mong cho nước nhà vượt qua khó khăn, bình yên phát triển và tất cả mọi người được an lành”.
Vi Thùy Linh
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất