GS Vũ Khiêu: Tôi muốn làm việc thêm 5 năm nữa

18/09/2010 10:51 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Tôi viết 2.400 trang bút ký về Hà Nội mà không nghĩ tới “đầu ra”, không làm việc với bất cứ cơ quan hay NXB nào. Nói cách khác, trái tim tôi đặt hàng, bàn tay tôi thực hiện, còn nơi thẩm định chất lượng chính là khối óc – GS Vũ Khiêu hóm hỉnh cho biết.
    
Lễ mừng thọ tuổi 95 của ông (19/9/1916 – 19/9/2010) đã được Bộ VHTT&DL cùng Trung tâm Nghiên cứu Bảo tồn và Phát huy văn hóa dân tộc Việt Nam phối hợp tổ chức tại Hà Nội vào sáng qua 17/9/2010. Trước đó vài ngày, ông cũng đã đón Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh và Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng tới chúc thọ tại nhà riêng. Đặc biệt, thủ tướng  Nguyễn  Tấn Dũng tặng ông đôi câu đối khắc trên chiếc đĩa bằng đồng: Triết gia trong cách mạng – Nghệ sĩ giữa anh hùng.

Sẽ không một ngày nghỉ ngơi tới khi nhắm mắt

Tuổi cao, bước chân của GS đã chậm đi nhiều khi bước lên hội trường. Vậy nhưng, giọng nói và phong thái của ông vẫn rất tinh anh và linh hoạt.

Tháng trước, GS Vũ Khiêu vừa nhận danh hiệu “công dân Thủ đô tiêu biểu” do UBND TP.Hà Nội trao tặng. Khi ấy, ông kể: “Năm  2000, khi tròn 85 tuổi, sức yếu nên tôi định sẽ nghỉ ngơi, chơi cờ, làm thơ và vui bè bạn. Nhưng năm ấy, Đảng và Nhà nước đã phong cho tôi danh hiệu Anh hùng Lao động thời đổi mới. Tôi nghĩ, đã là Anh hùng thì sao có thể có ngày nghỉ? Bởi thế, tôi lại quyết tâm trở lại với công việc của mình”.

“Bây giờ, tôi cũng sẽ không thể một ngày nghỉ ngơi cho tới khi xuôi tay nhắm mắt. Năm nay tôi đã 95 tuổi rồi, nếu trời cho thọ tới 100 thì tôi vẫn còn 5 năm để sống và làm việc” – GS Vũ Khiêu phát biểu đáp lại những lời chúc mừng trong buổi lễ.


GS Vũ Khiêu nhận chiếc đĩa khắc đôi câu đối của nguyên
Tổng Bí thư Đỗ Mười “Hai bàn tay trắng không vương bụi – Một tấm lòng son ở với đời”. Ảnh: Từ Khôi

Bên ngoài hội trường, khi phóng viên hỏi về sức làm việc ở tuổi 95, ông cười: “Những năm ở tuổi 80, khi sức yếu dần, tôi vẫn dành khoảng 8 tiếng một ngày để nghiên cứu về Nho giáo, về những tư tưởng của Khổng Tử và Mạnh Tử. Bây  giờ, ban đêm không ngủ được, tôi vẫn lấy kinh Phật ra đọc để hiểu thêm về Phật giáo Đại thừa. Tư tưởng từ bi, hỉ xả của nhà Phật chính là một lĩnh vực triết học rất nhân văn”.

Gặp được tri kỷ thì chỉ biết lấy hết tấm lòng mà đền đáp

GS Vũ Khiêu Sinh năm 1916 tại huyện Xuân Trường, Nam Định. Ông từng giữ nhiều chức vụ như Phó Giám đốc Thông tấn xã Việt Nam, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học xã hội, Viện trưởng Viện Triết học…. Tác giả của nhiều công trình nghiên cứu, trong đó có “Cao Bá Quát” (1970), “Ngô Thì Nhậm” (1976), “Nguyễn Trãi” (1980), “Nguyễn Đình Chiểu, ngôi sao sáng của người trí thức Việt Nam” (1980), “Bàn về văn hiến Việt Nam” (3 tập, năm 2000)... Ông nhận  Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật đợt 1 (năm 1996) và danh hiệu “Anh hùng Lao động Việt Nam thời kỳ đổi mới” năm 2000.

Đến giờ, đã có hàng ngàn trang viết về ông – người được coi là trí thức tiêu biểu của Việt Nam trong suốt gần một thế kỷ với đủ mọi thăng trầm lịch sử. Chỉ nhìn riêng những công việc ông chuẩn bị cho thủ đô Hà  Nội trong 10 năm gần đây, người ta ắt hẳn phải giật mình: làm chủ biên cho bộ Tổng tập “Ngàn năm văn hiến Thăng Long” nặng tới… 27 kg, 18 cuốn Bách khoa thư Hà Nội, làm Chủ tịch Hội đồng tư vấn khoa học của bộ Ngàn năm Thăng Long gồm 100 cuốn với trên 150.000 trang giấy… Rồi, phải kể tới bộ bút ký về Thủ đô  Hà Nội dày 2.400 trang sắp ra mắt trong thời gian gần…Ông nói: “Tôi viết những trang sách ấy bằng 50 năm gắn bó với Hà Nội trong tư cách một trí thức. Đấy là đề tài mà trái tim tôi tự giao trách nhiệm cho mình”.

Tích lũy vốn kiến thức Đông Tây cả một đời, xuất phát điểm của GS. Vũ Khiêu là việc tham gia hoạt động Cách mạng từ trước năm 1945, sau khi tốt nghiệp trường Trung học thời Pháp. Xúc động trong buổi lễ mừng thọ, ông kể về cơ duyên đến với cách mạng của mình bằng lời ví von: “Kẻ sĩ khi gặp được người tri kỷ thì chỉ biết lấy hết tấm lòng mà đền đáp”. Rồi, đọc lại mấy câu thơ từng viết, ông cười: “Trong thơ mình, tôi cũng muốn “nắng tắt sớm, ngày trôi nhanh” để sớm tới cuộc hẹn hò. Nhìn qua, ai cũng tưởng thơ tình, nhưng thực chất đó là cuộc gặp mặt cùng những người đồng chí của mình.

Tuổi cao nhưng vẫn làm việc với một sức dẻo dai lạ kỳ, có thể lấy lời chúc của GS Việt kiều Nguyễn Thuyết Phong tại buổi mừng thọ làm tâm nguyện chung của những người yêu quí GS Vũ Khiêu: “Không dám  nói nhiều, chỉ hi vọng 5 năm nữa mọi người lại có dịp được mừng thọ GS tròn tuổi 100, tại đây và trong hội trường này”.

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết chúc thọ Giáo sư Vũ Khiêu

Chiều qua, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã đến thăm và chúc thọ Giáo sư Vũ Khiêu.

Chủ tịch nước khẳng định, Giáo sư Vũ khiêu là cây đại thụ trong nghiên cứu khoa học, văn hóa nghệ thuật, lý luận Mác-Lênin, một tấm gương về tinh thần lao động không mệt mỏi. Thế hệ hôm nay và mai sau luôn ngưỡng mộ tài năng, đạo đức và phong cách của Giáo sư Vũ Khiêu.

Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết kính chúc Giáo sư luôn mạnh khỏe, trường thọ và tiếp tục đóng góp vào sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước qua những công trình nghiên cứu góp phần bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa của dân tộc.
Minh Châu

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm