02/10/2015 14:00 GMT+7 | Văn hoá
(Thethaovanhoa.vn) – Chiều 1/10, trong cuộc tọa đàm “Những kinh nghiệm Gìn giữ và Phát triển nghệ thuật Sân khấu dân tộc” diễn ra tại Đà Nẵng do Hội Sân khấu Việt Nam chủ trì, nhân vật chính là GS.TS đạo diễn sân khấu Chua Soo Pong, thành viên của Hiệp hội Sân khấu Thế giới (ITI) đến từ Singapore đã có những hiến kế cho Việt Nam rút ra từ bài học của nhiều nước trên thế giới.
Cuộc tọa đàm diễn ra khá sôi nổi, với những kinh nghiệm được tích lũy qua thời gian tiếp xúc với nhiều nền văn hóa trên thế giới, kinh nghiệm trong việc khôi phục những giá trị văn hóa nghệ thuật truyền thống từ nước Nhật Bản, Trung Quốc, Malaysia, Indonesia và Singapore… những chia sẻ của GS.TS Chua Soo Pong đã đáp ứng đúng tâm tư của những người đang tham gia hoạt động Sân khấu dân tộc Việt Nam.
Ai cũng biết và hiểu, Việt Nam có rất nhiều loại hình nghệ thuật truyền thống có giá trị. Tuy nhiên, cùng với sự thay đổi của cuộc sống hiện đại, những trò chơi hiện đại đã thu hút giới trẻ và khiến cho họ xa rời với những giá trị nghệ thuật truyền thống. Đây không chỉ là một thực tế diễn ra ở Việt Nam mà là thực tế đã và đang diễn ra với rất nhiều nước trong khu vực châu Á nói riêng và thế giới nói chung.
Ở Malaysia có nghệ thuật Mak Yong với lịch sử hơn 300 năm tồn tại, từ 1970 người dân nước này không còn muốn xem Mak Yong và Mak Yong dường như đã bị loại ra khỏi guồng quay của sự phát triển. Thái Lan có nghệ thuật Khon với lịch sử 400 năm tồn tại, thế nhưng từ năm 1980 nhà hát quốc gia của nước này đã vắng tanh người.
Ông Chua Soo Pong nói, “Khi người dân Malaysia xa rời với Mak Yong, với quyết tâm gìn giữ và bảo vệ loại hình nghệ thuật truyền thống này, chính phủ Malaysia đã đến các làng quê nơi xuất phát điểm của Mak Yong mời các diễn viên chuyên nghiệp đến các trường đại học nói chuyện với sinh viên; lập hồ sơ để nghị UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp quốc gia (2003); từ nguồn gốc chỉ có 12 câu chuyện họ đã xây dựng thêm nhiều câu chuyện khác về các hoàng tử, công chúa, những câu chuyện có thể khiến cho giới trẻ tò mò và thú vị; đầu tư vào những trang phục mới, sân khấu mới, âm thanh và ánh sáng hiện đại.
Với Thái Lan, ngay sau khi cảm nhận được sự phai mòn của Khon từ năm 1980, họ đã đưa Khon ra ngoài đường phố biểu diễn và liên tục như thế trong thời gian dài làm cho thế hệ trẻ bắt đầu quan tâm hơn; họ đưa Khon ra nước ngoài biểu diễn tại các liên hoan, hội chợ quốc tế; cho ra những cuốn sách được nghiên cứu rất kỹ dành cho trẻ em; 1 ngày TV chiếu Khon 30 phút; chính phủ Thái Lan buộc tất cả học sinh nước này thuộc và hát được những bài hát về Khon; học sinh từ 6-12 tuổi mỗi tuần sẽ hát 1 lần… Sau những cố gắng đó, Mak Yong cũng như Khon đã dần lấy lại được chỗ đứng của mình”.
Thấu hiểu những khó khăn và tâm tư đó của những người làm ngành Sân khấu dân tộc Việt Nam, GS.TS Chua Soo Pong đã chia sẻ những kinh nghiệm của các nước khác như Malaysia, Thái Lan đồng thời hiến kế cho ngành Sân khấu dân tộc Việt Nam. Những "kế sách" đó phần nào đã gợi mở những hướng đi mới cũng như tiếp thêm niềm tin cho một tương lai tươi sáng của nghệ thuật Sân khấu dân tộc Việt Nam.
GS.TS Chua Soo Pong đưa ra 5 hiến kế: 1. Tổ chức những chương trình đào tạo về nghệ thuật, những buổi biểu diễn, những khóa học tại các trường học. 2. Đưa học sinh đến những liên hoan quốc tế, cho họ xem những buổi biểu diễn chuyên nghiệp. Mỗi tuần các diễn viên chuyên nghiệp đến dạy cho các em học sinh 2 lần, mỗi lần 2 tiếng, tạo cho họ những thói quen về tiếp nhận. 3. Viết thêm nhiều tác phẩm mới, đơn giản, ngắn gọn và dễ hiểu hơn. 4. Tổ chức những chương trình giành riêng cho những người trẻ tuổi biểu diễn. 5. Xuất bản những cuốn sách nói về nghệ thuật truyền thống cho trẻ em và tổ chức những cuộc tọa đàm, nói chuyện với trẻ em về nghệ thuật truyền thống. |
Hoàng Yến
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất