Nhìn thẳng vào Toán học Việt Nam (Kỳ 1): Toán học trước “thời Ngô Bảo Châu”

27/08/2010 13:30 GMT+7 | Thế giới

(TT&VH) - Nếu lấy sự kiện GS Ngô Bảo Châu được nhận giải Fields là tâm điểm để chia nền toán học VN ở hai giai đoạn thì hiện nay, sau sự kiện khiến hàng triệu người VN tự hào, những người làm toán VN lại hy vọng. Hy vọng vào sự đánh giá đúng mức, sự đầu tư đúng mức của Nhà nước và bánh xe của cỗ xe toán học lại có thể chuyển bánh, tiến về phía trước.

Nhưng nhìn về toán học của trước “thời Ngô Bảo Châu” là nỗi buồn, là trăn trở của những người làm khoa học về bất cập, những cản trở khiến cho toán học VN phải “nhường bước” cho những nền toán học trẻ hơn vượt lên phía trước.

Toán học VN không bằng một Labol của toán học Pháp?

GS Ngô Bảo Châu đến khi nhận giải Fields vẫn mang quốc tịch VN. Người ta nhớ đến anh như một “sản phẩm của A0” (chuyên toán ĐHQGHN). Nhưng cũng không thể quên là anh trưởng thành từ một trường đại học danh tiếng của Pháp, làm việc trong các viện nghiên cứu cao cấp của Pháp và Mỹ. Chính giai đoạn từ trường đại học đến viện nghiên cứu, mới đóng vai trò cốt yếu hình thành nên một nhà toán học Ngô Bảo Châu.


Cuộc thi Olympic toán học tổ chức tại VN năm 2007
Sự kiện Ngô Bảo Châu khiến nhiều người tự hào về trí tuệ VN và tự tin rằng người VN cũng có thể vươn đến được những đỉnh cao trí tuệ nhưng cũng từ sự kiện này, điều đáng nghĩ hơn là VN đã đầu tư cho toán thế nào? Có bao nhiêu bất cập, bao nhiêu cản trở trên bước đường nghiên cứu khoa học của những người làm toán đang cần được gỡ bỏ để có thể thúc đẩy toán học VN phát triển?

GS Đỗ Đức Thái, Phó trưởng Khoa Toán ĐH sư phạm HN nhận xét: Tôi nói điều này, có thể có những người phản ứng, nhưng sự thật, toán học VN chỉ bằng một labol của nền toán học Pháp.

Theo phân tích của GS Lê Tuấn Hoa, Phó viện trưởng Viện Toán học VN, nền toán học VN hiện vẫn đứng ở hàng thứ 54-55 trên thế giới. Để tiến thêm 1-2 bậc thì không quá khó, nhưng để vượt lên khoảng 10- 20 bậc thì không thể chỉ có sự nỗ lực của riêng các nhà toán học, dù là những cá nhân có uy tín trong giới học thuật mà cần phải có một chiến lược đúng đắn, đi kèm với nó là sự thay đổi cơ chế, các giải pháp để tạo điều kiện cho người giỏi làm việc, là đầu tư tương xứng về tài chính...

Theo GS Lê Tuấn Hoa, những căn cứ để đánh giá vị trí của một nền toán học nói riêng và nền khoa học ở các lĩnh vực khác nhau nói chung là số lượng chất lượng của nhà khoa học, là số bài báo khoa học đăng trên các tạp chí quốc tế và phẩm bậc của từng bài báo khoa học đó, là ảnh hưởng của các công trình nghiên cứu của nhà toán học VN trong giới nghiên cứu toán thế giới.

Chỉ có 15% tiến sĩ toán học thực sự làm toán

Trong số các viện nghiên cứu ở VN, Viện Toán học được đánh giá là có khả năng giao lưu, trao đổi nhiều nhất về học thuật. Nhưng với nhiều khó khăn, các nhà toán học VN cũng khó có thể vươn ra bên ngoài để giao lưu, để tăng cường quan hệ quốc tế.

GS Hoa cho biết: Hiện VN có 1.000 TS toán học nhưng những người thực sự làm toán chỉ có khoảng 150 người. Trong đó, chỉ có khoảng 30 người có trình độ cao được thế giới biết đến. Con số này quá khiêm tốn so với nền toán học các nước phát triển. Rải rác ở các quốc gia khác có hàng chục nhà toán học người VN nằm trong top 5, top 10 thế giới những nhà toán học hàng đầu thế giới, nhưng vì họ đang làm việc ở quốc gia khác nên công trình của họ được tính cho nền toán học nơi họ làm việc.

VN có tiềm năng, có nhiều người giỏi nhưng từ những người giỏi học toán đến nhà toán học là một hành trình dài, lao động vất vả và thầm lặng. Nên khi không có sự tác động tích cực, toán học càng ngày, sẽ càng hiếm người trẻ đi theo con đường này.

Hẫng hụt người kế cận

GS Đỗ Đức Thái cho biết: Đa phần những người làm toán tại VN hiện nay ở tuổi trên 50- 60, những nhà toán học thuộc hàng “đại thụ” đã ở tuổi 70- 80. Hẫng một cái, tụt xuống hẳn lứa tuổi 30, dưới 30.

Trong hành trình của một nhà toán học, lứa tuổi dưới 30 rất ít người khẳng định được năng lực, họ chủ yếu còn đang tiếp tục học. Trên thực tế, hiện nay có thể kể tên cả chục nhà toán học VN thế hệ 7X đang làm việc ở viện toán học các nước, đa phần họ đã ở tầm “chuyên gia”. Nhưng họ thành danh ở nước ngoài và được sự trợ giúp của nước ngoài. Ở độ tuổi 30- 40, cái tuổi mà theo GS Thái “có thể tạo nên được những thành công mang tính cách mạng trong khoa học, làm dịch chuyển những vấn đề khoa học lớn” thì ở VN rất thiếu.

Theo GS Ngô Việt Trung, mỗi năm chỉ cần tìm được 1-2 người trẻ có năng lực xuất sắc, chấp nhận đi theo con đường toán học là đã rất quý. Nhưng việc này không đơn giản. Có một khoảng thời gian dài, đội ngũ làm toán tại VN không bổ sung được người.

Vì sao? Toán học không phải sự lựa chọn đối với những người muốn có vị trí công việc vững vàng, thu nhập tốt, không cần phải lao vào những công việc mà thành, bại không biết chắc.

Theo GS Thái, lương của ông hiện tại được 5 triệu đồng/tháng, chỉ tạm đủ nuôi mình. Vợ con phải tự lo lấy. Còn những người trẻ hơn “trót dại” đi theo toán học thì lương được 1,4 triệu đồng/tháng. Với số tiền này mà phải thuê nhà, thì không đủ tiền mua xăng xe đi lại và ăn cơm bình dân! Hiện có những nhà toán học trẻ tại VN vẫn đang phải làm gia sư, dạy luyện thi đại học để có thêm thu nhập. GS Thái kể: 28 tuổi tôi vẫn phải xin tiền chị gái để mua sách.

Tóm lại những người làm toán, phải tập thói quen ít tiêu tiền và biết dành dụm tiền “nuôi toán”, biết chấp nhận làm việc trong điều kiện không có phòng làm việc, không được trang bị những phương tiện làm việc cần thiết và phải phân chia thời gian: ngăn dành cho toán, ngăn dành cho việc dạy học, làm thuê để có thu nhập tồn tại...Với thực tế đó, việc người trẻ không chọn toán, không chọn con đường nghiên cứu khoa học là chuyện không khó hiểu.

Tự thân vận động

Có GS toán kể: Để đi nước ngoài dự hội thảo về toán học, chúng tôi phải đối diện với sự thật trần trụi là không có tiền. Không có thì đi xin, nhưng nhiều khi xin không được. Có lúc bỏ tiền túi của mình, cũng có khi phải nhờ vả đến đồng nghiệp, cùng góp những đồng tiền của “nhà nghèo” để đi. Vì có đi thì mới có trao đổi, có học hỏi, có mối quan hệ, có ý tưởng, có hướng mà phát triển. Còn nếu chấp nhận thực cảnh lâu nay thì viện toán sẽ chỉ như “ao tù”.

GS Đỗ Đức Thái nói: “Phần lớn chúng tôi ra nước ngoài vì ý tưởng của chúng tôi được giới toán học thế giới họ quan tâm, họ mời bằng tiền của họ. Cũng có những khi muốn đi thì bỏ tiền mình ra. Ở VN không có chuyện doanh nghiệp cho tiền để nhà khoa học đi nước ngoài nghiên cứu, trao đổi học thuật. Còn chuyện mời chuyên gia nước ngoài về VN hỗ trợ cũng khó khăn không kém. Có những chuyên gia toán ở các nước sẵn sàng sang VN giúp. Đó là cơ hội vàng vì họ chỉ cần ở VN vài tháng, chuyên ngành của mình sẽ tiến bộ lên nhiều bậc. Từ chỗ không người có bài báo khoa học đăng trên các tạp chí top đầu, thì với sự giao lưu, với sự giúp đỡ của những nhà toán học bậc thầy, ta có thể làm được. Nhưng để thực hiện được điều này, những người làm toán VN không thể vượt qua những cản trở nhỏ nhất: tiền đâu ra để mua vé máy bay, để tìm chỗ ở cho chuyên gia?!

GS Nguyễn Tiến Dũng, là chuyên gia trong lĩnh vực nghiên cứu tại trường đại học Toulouse (Pháp) cho biết: Hiện nay có đến cả trăm nhà toán học là người VN đang làm việc ở các nước. Trong tình thế VN chưa thể thúc đẩy nguồn nhân lực làm toán thì việc huy động chất xám của các chuyên gia này rất cần thiết. Nhưng bằng cách nào? Câu trả lời này, nhà toán học không trả lời được. Bản thân GS Dũng là một trong những nhà toán học tích cực nhất trong việc trở về hỗ trợ các nhà khoa học trong nước, tìm học bổng cho những người trẻ học toán ra nước ngoài suốt những năm qua. Nhưng hầu như anh đều phải tự bỏ tiền túi ra trong những lần trở về đó.

Khi nói về nỗi buồn của người làm toán, GS Hoàng Tuỵ, cây đại thụ của nền toán học VN nói: “Xây một nền khoa học, đào tạo một chuyên gia lành nghề phải mất ít nhất vài chục năm, nhưng để cho nó tụt dốc chỉ cần mấy năm là đủ”. Và nền toán học VN tụt dốc so với những nền toán học cũng non trẻ trong cùng khu vực, khi tiềm năng thì rất nhiều.

Kỳ 2: Tiềm năng ở đâu?

Việt Anh - Lê Hằng

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm