Steffi Graf, Serena và chuyện của những người vĩ đại

13/07/2015 17:18 GMT+7 | Tennis

(Thethaovanhoa.vn) - Với chiến thắng thứ 6 tại All England Club, Serena Williams đã tiến rất sát đến kỷ lục 22 chức vô địch Grand Slam của huyền thoại người Đức Steffi Graf với chỉ một danh hiệu kém hơn.

Rất có thể Serena sẽ bắt kịp và vượt qua Steffi Graf, thậm chí con số 24 danh hiệu của Margaret Court (11 trong Kỷ nguyên mở rộng) để trở thành tay vợt giành nhiều Grand Slam nhất trong lịch sử. Nhưng liệu như vậy đã đủ để Serena thay thế Graf trở thành tay vợt vĩ đại nhất?

Monica Seles và nhát dao định mệnh

Steffi Graf (sinh năm 1969) nổi lên vào cuối thập niên 80 với 8 danh hiệu Grand Slam trong khoảng 1987-89, trong đó có 5 chức vô địch liên tiếp từ Australian Open 1988 đến Australian Open 1989 cùng 1 HCV Olympic 1988 (đến nay Graf vẫn là tay vợt duy nhất giành 4 chức vô địch Grand Slam và HCV Olympic trong cùng 1 năm). Sự nổi lên của Graf đến vào giai đoạn cuối sự nghiệp của Martina Navratilova và Chris Evert. Tuy nhiên, Graf đã gặp đối thủ thực sự khi bước sang những năm 90. Đó là huyền thoại quần vợt người Nam Tư, Monica Seles. Trong giai đoạn đỉnh cao của mình (French Open 1990 - Australian Open 1993), Seles đã giành 8 trong tổng số 11 Grand Slam tham dự, trong đó có 3 chiến thắng trước Steffi Graf. Tuy nhiên, trong giải đấu trước thềm Roland Garros 1993 tại Hamburg, Seles đã bị đâm ngay trên sân đấu bởi Gunter Parche – một fan cuồng của Graf. Tai nạn kinh hoàng đó đã khiến Seles vắng mặt khỏi sân đấu trong hơn 2 năm và chỉ giành thêm 1 Grand Slam duy nhất tại Australian Open 1996, giải đấu mà Steffi Graf vắng mặt. Người ta đã tiếc nuối rất nhiều trước sự cố đáng tiếc của Seles, bởi nếu không, Graf chắc chắn sẽ không thể làm mưa làm gió trong giai đoạn 1993-1996.

Serena Williams và những khoảng trống thế hệ

Serena đã giành 10 danh hiệu Grand Slam trong mỗi giai đoạn những năm 2000 và 2010. Trong giai đoạn chuyển tiếp từ 1997-2000, làng quần vợt nữ chứng kiến sự nổi lên của tay vợt trẻ xinh đẹp người Thụy Sĩ Martina Hingis. Hingis đã giành 5 danh hiệu vô địch Grand Slam trong giai đoạn 1997-99 với kỉ lục là tay vợt trẻ nhất giành Grand Slam ở tuổi 16 tại Australian Open 1997. Tuy nhiên, những chấn thương dai dẳng kéo dài từ 20001 đã khiến Hingis phải giải nghệ từ rất sớm (2003). Đây là giai đoạn trùng khớp với sự nổi lên của Serena với Serena Slam (French Open 2002 – Australian Open 2003). Đáng chú ý hơn, trong cả 4 danh hiệu vô địch này, bại tướng của Serena đều là cô chị ruột Venus.

Giai đoạn 2004-07 chứng kiện sự áp đảo của Justine Henin với 6 danh hiệu giành được trong giai đoạn này. Tuy nhiên, đây là giai đoạn Serena gặp khá nhiều chấn thương và chỉ giành được 2 Grand Slam (Australian Open 2004, 2007). Serena đã chiến thắng trở lại sau khi Henin bất ngờ giải nghệ trước thềm Roland Garros 2008 khi đang ở ngôi số 1 thế giới ở tuổi 25. Kể từ sau giai đoạn này, làng quần vợt nữ chứng kiến sự nổi lên của lứa 1987-1991 với những Maria Sharapova, Ana Ivanovic, Victoria Azarenka hay Caroline Wozniacki. Tuy nhiên, những tay vợt này chỉ nổi lên trong một số giai đoạn nhất định và không có được sự ổn định. Cho đến khi chữa trị hoàn toàn chấn thương mắc phải trong gần 2 năm, Serena đã lấy lại sự thống trị của mình trước các tay vợt trẻ. 8 Grand Slam đã giành được kể từ Wimbledon 2012 đã cho thấy điều đó. Có thể nói, những sự kiện của Hingis hay Henin đã để lại những khoảng trống lớn, tạo ra sự mất cân bằng và thiếu cạnh tranh trong làng quần vợt nữ.

Steffi Graf hay Serena Williams?

Nếu như Graf được đánh giá rất cao bởi khả năng di chuyển và những cú thuận tay tuyệt vời thì vũ khí mạnh nhất của Serena chính là thể lực và cú giao bóng được đánh giá là hay nhất trong lịch sử. Sức mạnh vượt trội trong những cú đánh đã giúp Serena tạo ra lợi thế rất lớn trong cuộc đối đầu với bất kì tay vợt nào. Serena vẫn luôn duy trì được những lợi thế thể hình đó, trong khi các tay vợt thế hệ sau này không chú trọng điều đó, bởi suy cho cùng, họ vẫn là phụ nữ và họ không có đủ sự hy sinh ngoại hình cho quần vợt. Chính những điều đó đã tạo nên một thế giới quần vợt thiếu cá tính và thiếu tính cạnh tranh trong những năm qua.

Steffi Graf và Serena Willams chắc chắn là những tượng đài không thể chối bỏ của làng quần vợt nữ. Tuy nhiên, trong giai đoạn thống trị của mình, cả 2 đều có những lỗ hổng lớn về đối thủ cạnh tranh với những sự vắng mặt vô cùng đáng tiếc của Monica Seles, Martina Hingis hay Justine Henin. Serena vẫn còn những kỉ lục cần đuổi kịp, và hãy bàn đến câu chuyện tay vợt nào vĩ đại nhất khi cô chạm được những cột mốc đó.

2 Đây là lần thứ hai, Serena Williams giành 4 Grand Slam liên tiếp (nhưng không cùng 1 năm). Lần trước là từ Roland Garros 2002 đến Australian Open 2003.

3 Serena là tay vợt thứ ba trong lịch sử, sau Steffi Graf và Margaret Court giành 3 Grand Slam tính từ đầu năm. Hai người kia đã giành Calendar Slam (cả 4 Grand Slam trong năm). Liệu cô có làm được như thế?

72 Với hơn 72 triệu USD (chính xác là 72.546.428 USD) tiền thưởng, Serena là tay vợt nữ giành nhiều tiền thưởng nhất trong lịch sử. Nếu tính cả quần vợt nam, thì cô đứng thứ 4.


Kim (từ U.K)
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm