Việt Nam cũng chịu “hội chứng google”

15/03/2011 12:22 GMT+7 | Giáo dục

(TT&VH) - Bây giờ, chỉ một cú click chuột tại trang google, bạn sẽ có 90% những thứ cần tìm. Có nghĩa, tiện ích mà mạng internet mang lại cũng đồng thời tiềm ẩn nguy cơ về việc lười động não của một lớp thanh niên mới - TS Oscar Brenifier, chuyên gia về phát triển tư duy, chia sẻ khi tới Việt Nam.

1. Không nước nào thoát khỏi xu hướng ấy - Oscar Brenifier nói - với một nước đang phát triển như Việt Nam, vấn đề còn nằm ở việc các bạn quá bận rộn để bắt kịp nhịp sống hiện đại và hiếm có thời gian dừng lại để tư duy. Trong khi đó, sự bùng nổ của thế giới mạng với đủ thông tin tốt - xấu đã đặt ra một yêu cầu có thật với người dùng ngay từ khi còn nhỏ: yêu cầu tự chọn lọc, tự suy nghĩ và phản biện chính mình.

Nhiều năm giảng dạy và nghiên cứu tại ĐH Sorbonne (Pháp), TS Oscar là người cổ vũ rất tích cực cho cách gợi mở tư duy bằng đặt câu hỏi và sử dụng câu hỏi. Thậm chí, 10 năm trước, ông đã làm việc cho UNESCO về những dự án nhằm thay đổi cách thức giảng dạy cho học sinh và trẻ em trên toàn thế giới. Oscar dùng từ “độc thoại” để nói tới cách giảng dạy thụ động, chỉ chú trọng chuyển tải kiến thức từ giáo viên.


Theo ông, ngay ở những nước có nền giáo dục phát triển, lối giảng dạy “độc thoại” vẫn tồn tại khá nhiều. Một phần, điều đó đến từ chính phụ huynh và giảng viên - khi việc đối thoại với các học viên ít tuổi cần rất nhiều tới sự kiên nhẫn và các kĩ năng sư phạm đặc biệt. Một phần khác, tùy thuộc vào đặc điểm văn hóa và mô hình xã hội, mỗi quốc gia sẽ có một vấn đề riêng khi tiếp nhận cách giảng dạy này. “Ở Pháp, việc đối thoại tập thể rất khó đi tới thống nhất vì trẻ em thường phát triển việc ganh đua với nhau từ nhỏ. Ở Na Uy, rất khó để học sinh có ý kiến phủ định về một cái gì, bởi chúng quen với sự hòa nhã. Riêng tại Mỹ, nền giáo dục của họ hướng tới sự thực dụng, vì vậy bạn sẽ khó lòng bắt trẻ em tư duy nếu đặt ra những câu hỏi không mấy thiết thân tới chúng”

2. Khi được đề nghị liên hệ tới môi trường giáo dục tại Việt Nam, TS Oscar từ chối với lý do ông mới đặt chân tới đây được 24h. Tuy nhiên, ông đưa ra một ví dụ về lần giảng dạy tại Đại học Thượng Hải (Trung Quốc): “Tôi vào giảng đường, viết lên bảng câu hỏi: điều gì quan trọng nhất trong cuộc sống của bạn? Trái với thực tế ở Pháp, không một sinh viên Trung Quốc nào trả lời. Sau buổi học, một giảng viên bản xứ rỉ tai tôi: đây không phải là ở Mỹ hay châu Âu. Ở Trung Quốc, muốn làm việc, người ta phải kết bạn với nhau trước. Và tôi còn được biết thêm: với văn hóa phương Đông, giảng viên luôn rất được tôn trọng. Không dễ để sinh viên đối thoại và tranh luận với họ một cách sòng phẳng và ngang hàng”.

Một tuần lễ sau buổi hội thảo vào sáng nay 15/3/2011,TS Oscar Brenifier sẽ lần lượt có những buổi tiếp xúc với giáo viên, học sinh và phụ huynh tại một số trường như Hà Nội - Amsterdam, Ngô Sỹ Liên, Đoàn Thị Điểm, Phan Đình Phùng. “Chắc chắn, tôi sẽ hiểu thêm về giáo dục và có những kinh nghiệm thú vị” - ông cho biết.

Chiêu Minh

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm