28/01/2023 18:00 GMT+7 | Văn hoá
Gốm Chăm có 3 loại: Gốm đất nung kiến trúc, gốm sứ Gò Sành, và gốm gia dụng. Hiện hai làng Chăm còn giữ nghề gốm gia dụng: Bầu Trúc ở Ninh Thuận và xã Phan Hòa - Bình Thuận.
Bàu Trúc tiếng Chăm là Hamu Crok, trước cư ngụ cách làng hiện nay khoảng 1 cây số về hướng Bắc, cạnh sông Quao. Lũ lụt năm 1964, làng được dời lên. Đây được xem là một trong vài làng gốm cổ nhất Đông Nam Á chế tác theo kiểu này còn tồn tại.
Nguyên liệu chính của gốm Chăm là đất sét được lấy từ ngoài đồng chỗ đất tốt nhất. Đất sét sau khi đập nát vụn được ngâm nước trong hố đất qua đêm, sau đó mang trộn với cát mịn pagul lan (1 đất sét 1 cát đến 1 đất sét 2 cát, tùy sản phẩm có kích thước lớn đến nhỏ). Công đoạn thứ hai là nhồi đất sét thật nhuyễn bằng chân jwak lan sau đó là bằng tay jêk lan.
Gốm Chăm không dùng bàn xoay mà là bàn kê. Bàn kê để đặt đất sét khởi đầu tạo kiểu dáng gốm và kết thúc quá trình làm gốm. Vòng quơ takhoh bằng cây có thân tròn, nhỏ uốn hình vòng cung đường kính một gang tay, dùng để làm láng thân gốm bên ngoài; vòng tanuh cạo gai kwah bằng thanh tre mỏng, uốn vòng cung đường kính dưới gang tay để cạo mỏng bên trong. Bàn dập gai poh để vỗ đều mặt ngoài khi nống tạo hình đáy sản phẩm. Vải cuộn panek xếp lại 2-3 lớp to hơn bàn tay để thấm nước chà láng thân gốm, tạo hình miệng gốm. Ngoài ra còn có vài dụng cụ phụ khác như: thanh tre soi lỗ, que tạo hoa văn…
- Tạo hình padang taduk: Đất sét được nhồi thành hình quả bí đặt lên bàn kê; người thợ vừa đi giật lùi vừa nặn thành dáng gốm cơ bản.
- Nống vai và thân: Người thợ dùng từng lọn đất sét khác ráp nối pathik gok với dáng gốm ban đầu làm cho thân gốm cao dần lên, tạo kiểu gốm có kích cỡ lớn.
- Bẻ miệng bbek cabbôi gok: Người thợ nắn bằng tay, dùng vòng chải, vòng cạo, vải cuộn làm thao tác cần thiết để làm chuẩn, làm chắc và làm láng sản phẩm gốm. Tiếp theo, người thợ cần tạo hình miệng gốm tùy thích và tùy công dụng của sản phẩm gốm.
- Nống đáy: Công đoạn cuối cùng là tu chỉnh bằng cách cạo mỏng đáy sản phẩm, và trang trí gốm. Hoa văn gốm Chăm rất đơn giản, nên chỉ với vài cây que nhỏ hay răng lược, vỏ sò… là người thợ đã tạo được vài hoa văn hình sóng, hình con thoi… Hoặc để tạo hình lốm đốm cho màu gốm, bà con dùng màu thực vật chiết ra từ da cây săng, trái thị… Các loại màu này chỉ được dùng đến khi gốm vừa xuất lò nung còn nóng.
Sản phẩm gốm được phơi khô trong nhà khoảng 3-4 ngày sau đó mang phơi nắng chuẩn bị nung. Người Chăm nung gốm ngoài trời với nguyên liệu là củi, phân trâu khô, rơm rạ… Nhiều sản phẩm với kích cỡ khác nhau có thể nung cùng một lúc khoảng 2-3 tiếng đồng hồ, nhiệt độ không quá 800 độ C. Thời gian này, người thợ có thể dùng sào móc sản phẩm ra để tạo hoa văn.
Sáng hôm sau khi tro lửa tàn hẳn, gốm được lấy ra, sản phẩm cuối cùng đã hoàn thành.
Khoảng 20 loại sản phẩm cổ truyền dùng trong cộng đồng, một số được chuyên chở đi bán ở các tỉnh lân cận. Kềnh càng và cực nhọc, nên nghèo vẫn hoàn nghèo.
Ai đang đi kia?
Băng cánh đồng khô chân trần hối hả
Đội giành gốm to đi giữa trưa nắng hạ
Có kịp bữa cơm, đám con đói lao nhao?
(Trường ca Quê hương, tập Tháp nắng, Inrasara,1996)
Với gốm Bàu Trúc, bà con bảo tồn truyền thống, vẫn là đất sét, cách nung, nhưng đã rất sáng tạo ở mẫu mã bắt mắt. Ở đó họa sĩ Sĩ Hoàng giữa thập niên 1990 góp công lớn. Ở khởi điểm chập chững, vài "trí thức" trong làng lên tiếng chống đối, ý là phản truyền thống. Nhưng rồi không thể, bà con vẫn làm mẫu mã cũ, nhưng đa phần dồn tâm và lực vào mẫu mới, mới hơn nhiều lần Sĩ Hoàng. Gốm không còn dừng lại ở đồ gia dụng mà đã thành hàng mĩ nghệ. Và đời sống người Bàu Trúc khấm khá lên thấy rõ! Ai có thể xoay ngược lịch sử?
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất