09/09/2015 13:30 GMT+7 | Tennis
(Thethaovanhoa.vn) - Trận tứ kết đáng chờ đợi nhất là giữa Roger Federer và Richard Gasquet nhưng trận Stan Wawrinka đấu với Kevin Anderson lại mang thông điệp rõ ràng nhất của US Open.
1. US Open năm nay ở nội dung đơn nam có 3 tay vợt cao nhất thì hai người đầu tiên đã bị loại (là Karlovic và Isner) nên Anderson trở thành tay vợt duy nhất lọt vào tới tứ kết mà cao trên 2m. Anh cao 2m03. Một tay vợt cũng khá cao hiện diện ở tứ kết là Marin Cilic, 1m98.
Nhưng tỉ lệ 25% (2/8) của các tay vợt có chiều cao ngoại cỡ không thực sự áp đảo bằng tỉ lệ hiện diện của những người có cú giao bóng nhanh nhất.
Một nửa số tay vợt có mặt ở tứ kết đơn nam năm nay có cú giao bóng trên 130 dặm/h và đều nằm trong Top 10 những cú giao bóng nhanh nhất. Họ là Anderson, Tsonga (đều 222 km/h), Lopez (221 km/h) và Wawrinka (215 km/h).
Tất nhiên họ không phải là những người mà cú quả không được đánh giá cao. Trái lại, những Wawrinka và Tsonga, Lopez đều khá toàn diện. Nhưng tỉ lệ 50% những chuyên gia giao bóng xuất hiện ở tứ kết là sự chuyển biến hoàn toàn khác biệt so với những gì người ta thấy từ năm 2013. Năm đó, 7 trong số 8 tay vợt có mặt ở tứ kết không phải là những chuyên gia giao bóng, và người lên ngôi cuối cùng là Nadal.
2. Có một đề tài được bàn không mấy sôi nổi nhưng luôn gây tranh cãi là có phải tất cả các mặt sân (trừ Roland Garros) đều làm cho bóng nảy thấp và trượt nhanh trở lại ở một mức độ nào đó sau khi tất cả đều từng làm nó chậm đi đáng kể từ quãng thời gian 2008-2009.
Hôm thua Anderson ở sân Louis Armstrong, Murray nói trong phòng họp báo là mặt sân ở đấy nhanh một cách đáng ngạc nhiên, nhanh hơn cả sân Arthur Ashe. Murray không có ý định bào chữa cho thất bại (nó không phải tính cách của anh), mà chỉ muốn phản ánh một thực tế.
Bạn đừng nghĩ rằng tốc độ bóng ở các sân tại cùng một giải thì phải giống nhau. Như Wimbledon, sân số 15 mà Hoàng Nam của Việt Nam đấu đơn nam trẻ (thua ngay vòng 1) chính là mặt sân nhanh nhất.
Và cũng đừng nghĩ là tốc độ ở các sân qua mỗi năm thì không thể thay đổi. Chính Federer sau trận đấu đầu tiên ở US Open năm nay đã chia sẻ suy nghĩ là “hình như mặt sân Arthur Ashe đã nhanh hơn năm ngoái”. Và dĩ nhiên, Federer thích điều đó. Cần biết thêm một chút là Federer trong năm 2013 đã phàn nàn rất nhiều về tốc độ ở các sân, và sau đó chúng ta thấy Australian Open rồi Wimbledon và cả US Open cũng đều có những điều chỉnh.
Xưa nay thứ tự tốc độ ở các sân được xếp như sau: Wimbledon nhanh nhất, rồi tới US Open, Australian Open và cuối cùng là Roland Garros. Nhưng nhiều tay vợt chia sẻ là đến tuần thứ hai thì tốc độ của mặt sân cỏ đã trụi ở Wimbledon còn chậm hơn cả US Open.
3. Liệu đó có phải là sự trùng hợp ngẫu nhiên hay là một trong những yếu tố làm nên chức vô địch của Marin Cilic, và giờ đây là Anderson vào tới tứ kết - thành tích tốt nhất của anh ở US Open cũng như ở cả hệ thống Grand Slam?
Nhưng dù câu trả lời có thế nào thì Anderson cũng phải dựa vào thực tế này để đối đầu với Wawrinka, người từng vào tới bán kết US Open cách nay 2 năm khi mặt sân còn chậm, và năm ngoái thì dừng bước ở tứ kết.
Wawrinka giao bóng cũng rất hay, kể cả bóng 2 nhưng Anderson còn ấn tượng hơn nhiều bởi tốc độ giao bóng 2 của anh dao động khoảng 170-180 km/h, ngang tầm với nhiều cú giao bóng của các tay vợt khác, trong đó có Nadal.
Nhưng cũng như Federer khi đấu với Isner thì Wawrinka đấu với Anderson, người thấp hơn toàn diện hơn, xử lý tình huống tinh tế hơn, trong khi cũng đã đủ mạnh để giành điểm khi serve.
Dự đoán: Wawrinka thắng sau 4 set
Phạm Tấn
Thể thao & Văn hóa
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Xác nhận mật khẩu
Mã xác nhận
Tải lại captchaĐăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất