Italia thay đổi chiến thuật: Chắp cánh cho "Peter Pan"

18/06/2012 13:36 GMT+7 | Bảng C

(TT&VH) - Không người hâm mộ nào của đội tuyển Italia quên được cảnh "cậu bé" Cassano đã khóc nức nở thế nào ở EURO 2004, và chắc chắn không ai muốn thấy lại những giọt nước mắt của người đàn ông nay đã 30 tuổi ấy. Nhưng tất cả chỉ có thể cầu nguyện, bởi chẳng ai đơn độc hơn "Số 10" của Italia ở cả ngày ấy và bây giờ.

Cassano là ngôi sao sáng nhất của Italia trong triều đại Cesare Prandelli. Trong bối cảnh Mario Balotelli, người cũng được Prandelli kỳ vọng cùng với anh trở thành trụ cột của Italia thời đại hậu Lippi, gây thất vọng tràn trề bởi những vấn đề cả trong lẫn ngoài sân cỏ, gần như một mình Cassano phải gánh vác trách nhiệm đưa con tàu màu thiên thanh đi đúng hướng. Dẫu chỉ chơi với nhiệm vụ chủ yếu là hỗ trợ cho trung phong cắm (thường là Giuseppe Rossi), ngôi sao của Milan vẫn tỏa sáng trong vai trò một chân sút. Anh ghi tới 6 bàn thắng trong 10 trận vòng loại, một hiệu suất hết sức đáng nể, góp phần rất lớn vào thành tích giành 28 điểm, tốt nhất trong lịch sử các vòng đấu loại của Italia.

Cassano lại là niềm hy vọng lớn nhất trên hàng công Italia - Ảnh Getty

Khi Rossi không may bị dính chấn thương siêu nặng còn Balotelli chưa làm được gì đủ để tạo ra niềm tin, Cassano trở thành người được cả đất nước Italia mong chờ cho hàng công thiếu sức sống của Italia. Sự kiện anh bình phục trước hẹn từ ca mổ tim để kịp tham dự EURO 2012 lại càng có ý nghĩa hơn nữa cho khát vọng làm nên điều gì đó phục hưng uy tín của Italia sau những thất bại đáng hổ thẹn ở hai giải đấu gần nhất. Nhưng sau hai trận đã qua của vòng bảng, một sự thật được sáng tỏ là gánh nặng kỳ vọng đặt lên vai ngôi sao có biệt danh "Peter Pan" (đứa trẻ không bao giờ lớn) này dường như quá lớn. Cassano đã chơi rất nỗ lực và không thể nói là không hay, nhưng một mình anh chẳng thể cáng đáng nổi hàng công của Italia khi mà người đá cặp Balotelli chơi tồi tàn. "Peter Pan" hoạt động miệt mài trong vai trò cầu nối bất đắc dĩ giữa hàng tiền vệ nặng phòng ngự với hàng công mỏng manh chỉ có một mình Balotelli (hoặc Di Natale), tạo ra không ít cơ hội, nhưng không được đền đáp. Bản thân anh, do thường xuyên phải chơi quá xa khung thành đối thủ, cũng hầu như không có cơ hội ghi bàn.

Con số

9 - Cassano mới ghi được cho Italia vẻn vẹn 9 bàn thắng trong 31 trận kể từ khi ra mắt năm 2003. Trong đó có tới 6 bàn được ghi chỉ từ tháng 8/2010 đến nay, đều tại vòng loại EURO 2012.

27 - Italia của HLV Prandelli là đội Italia chơi tấn công kém cỏi bậc nhất trong lịch sử đội bóng này với chỉ 27 bàn thắng trong 21 trận đấu, đạt hiệu suất 1,29 bàn/trận. Đội Italia tấn công hay nhất là dưới thời HLV Augusto Rangone (1925-28), trung bình 2,63 bàn/trận.


15 - Có tổng cộng 15 cầu thủ đã ghi bàn cho Italia trong triều đại Prandelli, bao gồm Cassano (6), Rossi (3), Pazzini (3), Quagliarella (2), Pirlo (2), Bonucci, Gilardino, De Rossi, Thiago Motta, Matri, Montolivo, Aquilani, Marchisio, Balotelli, Di Natale (mỗi người 1).

Sự cô độc của Cassano có lẽ là lý do chính khiến HLV Prandelli quyết định thay đổi sơ đồ chiến thuật cho Italia trong trận đấu cuối cùng gặp Ireland, bởi hơn lúc nào hết, Italia cần phải ghi được bàn thắng, rất nhiều bàn thắng. Không còn 3-5-2 nữa. Trong hai buổi tập gần nhất, Azzurra đã trở lại với sơ đồ 4-3-1-2 từng giúp họ tiến băng băng đến EURO và đưa Cassano trở thành một trong những chân sút hiệu quả nhất ở vòng loại. Bí quyết là bố trí một tiền vệ hộ công làm thay vai trò cầu nối cho Cassano, chia sẻ trách nhiệm kiến tạo cho Cassano, giúp tiền đạo của Milan được hoạt động tự do hơn, gần với khung thành đối thủ hơn. Khi phòng ngự không còn là nhiệm vụ chính nữa, việc từ bỏ diện mạo xù xì của Juventus có lẽ là cần thiết. Tuy nhiên, nếu hoàn cảnh yêu cầu, De Rossi sẽ sẵn sàng lui xuống chơi bên cạnh cặp Barzagli (trở lại sau chấn thương) - Chiellini để tái tạo sơ đồ 3-5-2.

Theo dự đoán của báo giới Italia, đá bên cạnh Cassano trận này gần như chắc chắn sẽ không phải là Balotelli, chân sút bị đau nhẹ ở buổi tập hôm 16/6, mà là Di Natale, người đã phải đóng vai trò dự bị ở hai trận đã qua. Sự kết hợp giữa hai tiền đạo có lối chơi và tầm vóc khá tương đồng này rõ ràng sẽ tạo ra những lo ngại về tính hiệu quả khi thiếu một trung phong cắm có sức mạnh, nhưng Cassano từng kết hợp hoàn hảo với Giuseppe Rossi ở vòng loại, mà Di Natale cũng có những phẩm chất như chân sút của Villarreal.

Tấn công kém, ghi bàn thế nào?

Trong 5 trận đấu gần nhất, Italia chỉ ghi được vẻn vẹn 2 bàn thắng, và hiệu suất ghi bàn kém cỏi đó đã khiến họ phải trả giá bằng 5 trận không thắng (thua 3, hòa 2). Sự nhạt nhòa trong tấn công của đội tuyển áo thiên thanh dưới triều đại của HLV Prandelli thực tế không chỉ được thể hiện ở những trận đấu ấy, mà trong suốt cả chặng đường gần 2 năm qua. Ở vòng loại EURO 2012, Italia ghi được 17 bàn/9 trận (không tính trận được xử thắng 3-0 trước Serbia), nhưng có tới 5 bàn là ở trận thắng Faroes trên sân nhà. Italia vượt qua vòng loại với số điểm kỷ lục (2,8 điểm/trận) không phải là nhờ hàng công, mà từ sự chắc chắn của hàng thủ (chỉ thủng lưới 2 bàn). Nhưng khi hàng thủ không còn là điểm tựa như ở giải đấu đang diễn ra, tác hại của một hàng công yếu ớt mới thể hiện rõ rệt.

Nếu tính thành tích ghi bàn kể từ tháng 8/2010 đến nay, Italia là đội kém thứ 3 trong số 16 đội tuyển dự EURO 2012. Với 27 bàn/21 trận (trung bình 1,29 bàn/trận), Italia chỉ nhỉnh hơn Hy Lạp (1,13) và Ba Lan (1,23). Đó là con số quá khiêm tốn so với Đức (2,5), Tây Ban Nha (2,46) hay thậm chí là Bồ Đào Nha, đội luôn có vấn đề về khả năng tấn công (2,2). Bất chấp Prandelli ngay từ đầu đã hướng Italia tới lối chơi tấn công (4-3-3), nhưng Italia dưới tay ông lại là một trong những đội tuyển Italia ghi bàn tồi nhất trong lịch sử. Ngay cả tuyển Italia của Roberto Donadoni, thất bại ở EURO 2008, cũng đạt thành tích ghi trung bình 1,48 bàn/trận.

Vậy, có thể hy vọng gì vào một chiến thắng tưng bừng cho Italia trước Ireland?


V.N

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm