Kịch tính tại Champions League & Europa League: Chuyện Facebook, Like, UEFA & Michel Platini

12/04/2013 12:21 GMT+7 | Champions League

(Thethaovanhoa.vn) - Một cách tương đối, có thể so sánh Facebook của Mark Zuckerberg với UEFA dưới triều đại của Chủ tịch Michel Platini.

Facebook là mạng xã hội phổ biến nhất hiện nay. Một trong những lí do khiến sản phẩm của cậu sinh viên Mark Zuckerberg được yên mến nằm ở ý tưởng “cách mạng” - tạo ra nút “Like” (Thích). Chỉ một cái click chuột, bạn dễ dàng tương tác được với bạn bè trên toàn thế giới và ghi nhận ý kiến, quan điểm của họ về vấn đề mình quan tâm.

Chúng ta thử làm phép so sánh, coi Chủ tịch Liên đoàn bóng đá châu Âu Michel Platini như người sáng lập ra “mạng xã hội” UEFA, với Champions League và Europa League là hai dòng trạng thái đầu tiên, chắc hẳn mạng UEFA sẽ thu hút hàng tỉ lượt “like” sau những trận tứ kết lượt về diễn ra tuần này.


Chủ tịch UEFA Michel Platini đang nở nụ cười mãn nguyện. Ảnh: AP

Michel Platini trẻ, đẹp trai và rõ ràng có xuất thân tốt hơn hẳn người tiền nhiệm Lennart Johansson. Ông Johansson là một chính trị gia đơn thuần, trong khi Michel Platini là một trong những cầu thủ bóng đá được yêu thích nhất châu Âu.

“Số 10” huyền thoại đầu tiên của đội tuyển Pháp (mãi đến 1998 mới có người kế vị xứng đáng Zinedine Zidane) chính là người có công lớn nhất trong chức vô địch EURO 1984. Platini là hạt nhân trong bộ tứ vệ lừng danh gồm Platini, Tigana, Giresse và Luiz Fernandez - kiểu mẫu cho sơ đồ tiền vệ hình kim cương, mà bây giờ nhiều đội bóng lớn như Manchester United, Bayern Munnich vẫn đang dùng.

Với vẻ bề ngoài của nghệ sỹ sân cỏ, nhưng đầu óc Platini thì không đơn giản chút nào! Tất cả những ai từng nghe về quá trình thăng tiến của ông trong UEFA đều phải ngạc nhiên, rằng không ngờ một người trông có vẻ mảnh mai và mềm yếu lại có nhiều mưu mô và đáng sợ đến vậy.

Có lẽ chính quãng thời gian chơi bóng tại Series A trong màu áo Juventus đã giúp Platini rèn luyện tính khôn ngoan chứ không ngây ngô kiểu Pháp, tính cách giúp ông vươn đến tột đỉnh quyền lực bóng đá châu Âu như bây giờ.

Trở lại chuyện Champions League và Europa League. Cần phải nói rằng, Europa League - giải đấu năm nay bước sang tuổi thứ 3 - chính là con đẻ của Michel Platini. Với việc khai tử UEFA Cup, vị chủ tịch 57 tuổi đề ra thể thức thi đấu áp dụng vòng bảng (Round Robin) thay vì loại trực tiếp (Knock-Out Stage) như trước đây.


Dortmund vừa tạo nên một cuộc ngược dòng đầy kịch tính trước Malaga ở tứ kết Champions League. Ảnh: Welt.de

Điều đó làm số trận đấu tăng lên, kèm theo đó là khoản thu từ truyền hình và các hoạt động thương mại cũng tăng theo. Chưa kể, thay đổi thể thức cũng giúp tăng số CLB tham gia, tạo cơ hội cho các nền bóng đá trung bình và yếu (những nước trực tiếp bỏ phiếu bầu Platini) tranh tài tại Champions League và Europa League.

Sau 2-3 mùa áp dụng, thay đổi của Platini cho thấy rõ sự hiệu quả. Hai giải đấu cấp CLB châu Âu - thay vì chỉ quanh quẩn vài tên tuổi vô địch - mùa trước đã có nhà vua mới Chelsea, CLB lần đầu tiên đoạt Cúp C1/Champions League trong lịch sử của mình. Vị thế của Europa League cũng dần được nâng cao, thu hút sự chú ý của các ông lớn nhiều hơn.

Bằng chứng là chính nhà vô địch Champions League năm ngoái Chelsea vừa phải trải qua một cuộc đấu hú vía trước Rubin Kazan mới giành quyền vào bán kết. Nếu là trước đây, Chelsea chắc sẽ buông sân chơi này.

Nhưng việc cố gắng bảo vệ thành quả đến phút chót cho thấy “The Blues” thực sự quyết tâm giành ngôi vô địch Europa League năm nay. Nếu làm được, họ là CLB thứ 4 trong lịch sử vô địch 2 Cúp châu Âu trong 2 năm liên tiếp. Trước đó, Porto của Mourinho đã giành UEFA Cup vào năm 2003 trước khi đăng quang ở Champions League một năm sau đó. Tương tự, hai đội bóng của Serie A là Milan và Juventus cũng đã có được thành tích này.


Đương kim vô địch Champions League Chelsea đang hướng đến danh hiệu ở Europa League

Quay lại chuyện Facebook và nút Like. Sở dĩ phải dài dòng là vì, Platini mất bao nhiêu công để tạo ra cuộc cách mạng ở UEFA thì giờ ông có thể mãn nguyện, tự mình bấm “Like” với đứa con tinh thần của mình. Những trận cầu kịch tính, nghẹt thở hơn (5/8 trận tứ kết lượt về Champions League và Europa League chứng kiến những màn lội nước của Dortmund, Galatasaray, PSG, Chelsea và Benfica).

Ở đó người ta thấy điều tưởng như đã biến mất trong bóng đá hiện đại: Sự bất ngờ. Cách đây chục năm, bóng đá châu Âu không thiếu những trận cầu điên rồ như Manchester United 4 lần ngược dòng trong mùa giải đoạt Champions League 1998/1999.

Thập kỷ 2000 - 2010 thì điều đó đã biến mất, thay thế cho nó là thành tích 15 lần liên tiếp dự vòng đấu loại trực tiếp của M.U, 2 chức vô địch trong 3 mùa giải của Real Madrid, 3 lần vô địch trong 4 mùa vào chung kết của Barcelona. Khi mà một giải đấu trở thành sân chơi riêng của một đội, giải đấu đó đã mất tính cạnh tranh.

Sao có thể chấp nhận một nhà vô địch liên tục từ năm nay qua năm khác? Chiếc cúp là của chung, chứ không phải một quả bóng mà lối chơi ích kỷ Tiki Taka - thứ cả thế giới ca tụng - coi như bản sắc riêng.

Xuất phát từ ý nghĩa trên, có lẽ nên tiếp tục ủng hộ Michel Platini với điều ông đang làm: Những cái cách, cải tổ sâu rộng hơn nữa để biến bóng đá châu Âu thành sân chơi công bằng cho tất cả. Những chức vô địch liên tiếp như của Barcelona khiến các CĐV của họ sung sướng phát cuồng, giúp đội bóng được yêu mến hơn trên toàn cầu, nhưng không có lợi cho nền bóng đá châu Âu. Vinh quang không của riêng ai. Một đế chế có thịnh phải có suy. Trên đỉnh quyền lực quá lâu sẽ dẫn đến những hệ lụy như bảo thủ, cứng nhắc, không chịu làm mới mình.

Chắc chắn sẽ có lúc Platini bị một ai đó thay thế - như Lennart Johansson đã từng. Nhưng hãy cứ hy vọng rằng, cho đến lúc đó ông đã tiến hành đủ những cải cách để làm mới bóng đá lục địa già trong thời buổi toàn cầu, nhất thể hóa. Và rồi người mới lên sẽ lại thay đổi để thích nghi với hoàn cảnh của thế giới sau thời Platini. Thay đổi, vận động liên tục chỉ có lợi cho quá trình phát triển!!!

Huyền Châu

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm