Tôi và Độc giả TT&VH: Man United có đủ sức 'rửa mặt' cho Premier League ở châu Âu?

23/03/2015 13:45 GMT+7 | Thể thao

(Thethaovanhoa.vn) - Thành tích của bóng đá Anh ở Champions League có thể được cải thiện mùa sau nếu Man United trở lại dưới quyền của một van Gaal dẫn dắt thành công đội bóng đi theo triết lý của ông. Dưới đây là tranh luận của nhà báo Phạm Tấn.

Độc giả Ngọc Hồ: Có một thực tế rằng, Ngoại Hạng Anh là giải đấu hấp dẫn nhất hành tinh, không ai phủ nhận điều này. Nhưng "hấp dẫn" là một chuyện, còn "mạnh" nhất hành tinh lại là chuyện khác. Chelsea mùa này tấn công hay hơn, nhưng khi quá quen với tấn công, họ lại đánh mất đi bản năng phòng ngự vốn có. Arsenal thì bao mùa nay vẫn cống hiến một cách đến nhói lòng như vậy. Còn Man City,tiềm lực của đội bóng này chưa đủ mạnh để có thể khai thác những điểm yếu trong lối chơi của Barca. Tôi không nghĩ rằng lí do đến từ việc nghỉ đông, hoặc nếu có thì nó chỉ chiếm một phần nhỏ. Bởi 5 năm về trước NHA cũng đâu có kì nghỉ đông? Tóm lại, NHA hấp dẫn nhất hành tinh, nhưng chất lượng của từng đội bóng thì không ai dám khẳng định.

Nhà báo Phạm Tấn: Phân tích hấp dẫn nhất khác mạnh nhất có lẽ không cần phải bàn luận thêm. Nhưng về vấn đề nghỉ Đông không ảnh hưởng thì không hẳn. Khi Chelsea và Man United cùng vào chung kết Champions League, đó là mùa giải mà cả hai cùng có chiều sâu lực lượng để căng sức đua trên mọi mặt trận. Nhưng khi các đội bóng trở nên "mỏng" hơn, thì việc thi đấu không ngừng nghỉ là một bất lợi lớn. Mùa năm ngoái, Oezil đã chấn thương ở vòng knock-out của Champions League vì anh không được nghỉ ngơi ở giai đoạn trước đó, trong khi cơ thể của anh đã quen với kỳ nghỉ Đông ở Đức và cả Tây Ban Nha. 


Chelsea đang xếp đầu bảng ở Premier League nhưng bị loại ở Champions League

Còn bạn nói Chelsea mải tấn công thì mất bản năng phòng ngự vốn có cũng có phần đúng. Nhưng thực ra là Chelsea và Mourinho đang trải nghiệm cái đã trở thành chân lý: Giữa các đội bóng cùng đẳng cấp, chơi tấn công chủ động bao giờ cũng khó hơn phòng ngự chủ động, dâng cao tấn công thì bao giờ hàng thủ cũng trở nên dễ bị xuyên thủng hơn. Đó là lý do Mourinho luôn ưu tiên cho phòng ngự trước khi phải thay đổi vì Chelsea giờ đòi hỏi phải thắng đẹp.

Độc giả Van Kieu: Mật độ thi đấu dày đặc, các câu lạc bộ Anh thi đấu tai Champions League là phải tham gia 4 giải đấu, không được nghỉ đông, chiến thuật không linh hoạt... Hãy xem Chelsea thi đấu hơn người với PSG mà xem, nếu xem sau khi PSG bị thẻ đỏ thì không ai biết PSG thi đấu thiếu người. Với những lý do như vậy thì các đội bóng Anh không thua mới là lạ.

Độc giả Đức Trung: Boxing Day đủ "vỡ phổi" các cầu thủ Anh thân yêu.

Nhà báo Phạm Tấn: Bóng đá Anh có League Cup, đó là giải mà nhiều quốc gia không có. Nhưng ngoại trừ Chelsea mới đây, Man United và Arsenal hiếm khi bung sức ở giải đấu này. Bạn nói chiến thuật không linh hoạt của Chelsea ở trận họ bị loại bởi PSG, thực ra đó chính là đẳng cấp. Chelsea cũng từng đá thiếu người khi thắng Barca, nhưng họ không chủ động tấn công mà chỉ chờ cơ hội phản công. Còn PSG đá chủ động được ở Stamford Bridge mới đây cho thấy đội bóng này rất đáng kể, các cá nhân xuất sắc khác nhau được chuẩn bị nền tảng thể lực tốt, giàu sức mạnh và gắn kết trong lối chơi hợp lý. Không có CLB Anh nào ở thời điểm này có thể đá trên chân khi thiếu người ngay trên sân khách.

Độc giả Dũng Phương: Bóng đá Anh thua Tây Ban Nha là đúng rồi. Năm nào cũng thế thôi. Năm nay thua thêm hàng xóm Pháp. Đúng là tụt hậu. Nhưng xem các CLB Anh vẫn sướng hơn là xem Pháp, Ý. Xem Đức đá cũng chán òm.

Nhà báo Phạm Tấn: Trong mười mùa giải gần nhất, các CLB ở EPL đã ba lần vô địch Champions League. Đó không phải tỉ lệ tồi, nếu không muốn nói ngược lại. Nhưng trong sáu mùa gần nhất thì chỉ một lần, nhờ Chelsea mùa đó khá hay và có rất nhiều may mắn. Nhưng ngay trong cả giai đoạn mười năm này, bóng đá Anh vẫn thua bóng đá Tây Ban Nha: Ba lần bị đánh bại ở chung kết. Còn khi so với Pháp, việc cả hai đội bóng Anh đều bị loại bởi các đội của Pháp đã cho thấy sự thay đổi. Sự đầu tư cả tỉ USD ở hai đội này trong mấy mùa gần đây cộng với cái nền vẫn vững của bóng đá Pháp đã lấy mất ưu thế về tài chính tạo sức mạnh của ngoại hạng Anh. Còn về xem giải nào "sướng" hơn, đấy chính là phạm trù "mạnh" khác "hấp dẫn".


Man United vô địch Champions League 2008

Độc giả Tiểu Vũ: Thịnh suy mà thôi. Có ai nghĩ Brazil lại phơi áo trước Đức ở World Cup 2014 không? Thời thế thế thời thôi. EPL rồi sẽ trở lại. Nhìn sang Bundesliga đi, Dortmund cũng giai đoạn cuối của chu kỳ thành công rồi đó.

Nhà báo Phạm Tấn: Chính xác rồi. Chúng ta đang bàn đến giai đoạn hiện tại, chứ không phải nghiên cứu cả một chặng đường lịch sử nào đó.

Độc giả Ly Long: Bóng đá Anh đá "hay" trên mặt báo nhiều hơn trên sân cỏ!

Độc giả Lê Thắng: Nguyên nhân là truyền thông nước này luôn khiến các clb ATSM (ảo tưởng sức mạnh?).

Nhà báo Phạm Tấn: Trên mặt báo tôi hiếm khi thấy người Anh ca ngợi các CLB của họ trước khi bóng lăn. Báo chí Anh nói chung thường mạnh mẽ trong việc chỉ trích hơn cả các quốc gia châu Âu khác vì truyền thống tự do báo chí lâu đời. Điều khiến chúng ta nghĩ là bóng đá Anh được thổi phồng bởi truyền thông thực ra báo chí Anh quan tâm tới bóng đá và thể thao nhiều. Và còn một nguyên nhân quan trọng khác, tiếng Anh phổ biến hơn, chúng ta tiếp cận (đọc và hiểu) dễ dàng hơn so với việc truy tìm và nghiên cứu thông tin của các nền bóng đá nói tiếng Tây Ban Nha, Italy và Đức. Ở đây, cũng nói thêm là với riêng cá nhân tôi, báo chí Anh là mẫu mực ở tính khách quan, còn báo chí Italy là hình mẫu cho những phân tích chiến thuật tỉ mỉ xen cài những quan điểm chủ quan.

Độc giả Tuấn Anh: Tôi không biết nhà báo Phạm Tấn lấy thông tin ở đâu để kết luận rằng AC Milan của chúng tôi dùng "trò" hoãn trận đấu ở Serie A để dành sức đấu với Barca. Với tất cả sự tôn trọng, tôi yêu cầu tác giả đưa ra chứng cứ rõ ràng, cẩn trọng trước khi kết luận với hàm ý bôi xấu AC Milan như thế. Chúng tôi là AC Milan ,chúng tôi có 7 cúp C1 và truyền thống màu áo đỏ đen hơn 100 năm chúng tôi không bao giờ & sẽ không bao giờ làm điều đó.

Nhà báo Phạm Tấn: Truyền thống của AC Milan xứng đáng để tất cả phải tôn trọng họ. Đặc biệt, trận chung kết mùa giải 93-94 khi Milan đè bẹp Barca 4-0 cho thấy đẳng cấp, bản sắc của Milan và bóng đá Italy. Nhưng bóng đá thay đổi theo thời gian. Thành tích trong quá khứ tạo nên truyền thống, còn trình độ hiện tại quyết định tới đẳng cấp. Tôi đã không chính xác khi dùng từ "hoãn trận đấu", và phải xin lỗi về điều này. Thực tế muốn ám chỉ là việc Milan đá sớm Seri A ngay từ thứ Năm hoặc thứ Sáu để chuẩn bị chu đáo hơn cho Champions League. Đó là cách Milan đã làm cách nay ba mùa và cầm hòa được Barca 2-2. Cả Inter Milan cũng muốn làm theo cách đó, và là lý do tại sao họ cùng với AC Milan cách nay năm năm đệ trình đề nghị có thể tổ chức các trận đấu ở Seri A ngay từ thứ Sáu nếu như phải đá ở Champions League ngày thứ Ba.

Tây Ban Nha và Ngoại hạng Anh không làm theo cách này. Mourinho khi dẫn dắt Real không dưới một lần phàn nàn việc họ phải thi đấu ngày Chủ nhật dù thứ Tư đá Champions League, hoặc vừa mới trở về từ châu Âu đã phải đá thứ Bảy.

Độc giả Kim:Vì sao NHA là giải đấu hấp dẫn nhất hành tinh? Vì giải đấu có nhiều đội có tiềm lực tài chính mạnh, nhiều đội bóng cạnh tranh cho cùng 1 vị trí tạo nên sự hấp dẫn của giải đấu. NHA khác những giải đấu khác như TBN chỉ có Real Barca, Ý có Juve, Đức có Bayern. Về mặt đồng đều, NHA hơn, nhưng xét về đội bóng mạnh nhất EPL không bằng Barca, Real, Bayern, ngang bằng hoặc nhỉnh hơn 1 chút so với PSG, mạnh hơn Juve. Đó là nhìn qua về tương quan lực lượng. Nhìn kĩ hơn 1 chút, ta thấy rằng NHA phân chia tiền bản quyền truyền hình rất đều nên những CLB tham gia Europa League (EL) cũng đã nhận được miếng bánh bản quyền (của NHA) rất khá so với việc bỏ sức đá đến 15 trận ở EL (nếu vào chung kết). Mình không nhìn cụ thể chi li vào số tiền thưởng nhưng có lẽ không có chênh lệch nhiều giữa tiền thưởng ở EL với việc xếp hạng cao ở EPL nên các CLB ở EPL toàn bỏ EL để tập trung đua thứ hạng ở giải quốc gia.

Trong khi UEFA tính hệ số của các quốc gia (Nation coefficients) thì không phân biệt EL hay UCL, giải nào cũng được tính điểm như nhau nên năm nay khi EPL sạch bóng ở tứ kết UCL và 1/16 EL, trong khi Ý có Juve ở UCL, Fio và Napoli ở EL, nếu 1 trong 3 đội này vô địch thì khoảng cách giữa Serie A với EPL và Bundesliga trên BXH này sẽ được thu hẹp đáng kể vào mùa sau (chỉ còn khoảng 3-4 điểm, nếu EPL thi đấu tiếp tục kém ở mùa sau nữa và Serie A chơi tốt thì trong 3-4 năm tới EPL sẽ chỉ còn 3 suất dự UCL là việc rất có thể xảy ra) Về các CLB tham gia UCL: năm nay không có mặt MU, thay thế bằng Liverpool là 1 thiệt thòi cho EPL. Dù sau năm 2011 (năm MU vào chung kết lần gần nhất), MU không tiến sâu như trước nhưng họ vẫn vào được đến vòng 1/16 hoặc tứ kết, đảm bảo 1 số điểm nhất định cho EPL. Tương tự là Chelsea và Arsenal. Liverpool năm nay bị loại từ vòng bảng, và bị loại sớm ở EL là 1 mất mát rất lớn của EPL. Cũng khó thể trách vì đầu mùa giải Liverpool đang chìm trong khủng hoảng. Arsenal thì vẫn ổn định, qua vòng bảng và bị loại ở vòng knockout đầu tiên như họ vẫn thường trong 5 năm qua, không có gì đáng bàn vì đẳng cấp của Arsenal ở châu Âu vẫn là như vậy (dù cho năm nay họ hoàn toàn có thể tiến xa hơn. thất bại trước Monaco là quá đáng trách). Man City với Mancini và Pellegrini thì không thể hy vọng tiến xa hơn được. Man City muốn tiến xa hơn cần 1 HLV giỏi xoay sở theo từng trận đấu, hay nói nôm na là giỏi liệu cơm gắp mắm, đá cúp tốt như Carletto, Benitez hay Mourinho.


Man City muốn tiến xa hơn cần 1 HLV như Carletto

Về lực lượng thì Man City đồng đều nhưng sao của họ phần lớn là sao hạng 2 hạng 3, nhất là hàng thủ và hàng tiền vệ, cộng thêm việc không có 1 thủ lĩnh về mặt tinh thần và 1 HLV không mạnh mẽ, không truyền được cảm hứng cho học trò thì họ sẽ không đi đến đâu cả. Chelsea-của-Mourinho vẫn là cái tên đáng được mong chờ nhất. Cái tên của Mourinho chính là sự đảm bảo cho niềm tin vào Chelsea. Theo mình, thất bại của Chelsea giống như 1 tai nạn hơn là 1 hệ lụy . Vấn đề của Chelsea là họ có lực lượng quá mỏng. Số người đá được của Chelsea chỉ ở con số 18-19 người. Con số đó là đủ nếu họ như MU chỉ đá 1 mặt trận ở mùa này, nhưng là không đủ khi phải đá cả UCL, nhất là khi việc chấn thương là không thể tránh khỏi. Mùa chuyển nhượng của Chelsea chỉ tăng về chất cho đội hình 1, còn lại không tăng về lượng nên chủ lực của họ vẫn phải cầy kéo nhiều. Mùa sau nếu Chelsea bổ sung (thêm người) thêm tầm 3 người cho các vị trí trung vệ, tiền vệ trung tâm và tiền vệ công thì họ sẽ đáng gờm. Chelsea có hệ thống cầu thủ trẻ rất xuất sắc. Nếu Mourinho dám mạo hiểm, mạnh dạn sử dụng trong những thời điểm nhất định của mùa giải thì Mourinho hoàn toàn có thể tính toán dồn sức cho mặt trận UCL.

Giai đoạn từ giữa tháng 2 đến gần cuối tháng 4 là giai đoạn nhạy cảm của mùa giải khi UCL diễn ra vòng knockout (1/16 đến bán kết). Đây là giai đoạn các đội bóng rất dễ sụp đổ dây chuyền. Các đội EPL năm nay ngoài Chelsea ra đều không có sự tập trung cao nhất cho UCL khi MC đang bám đuổi để bảo vệ chức vđ NHA, Arsenal thì dồn sức cho chuỗi trận ấn tượng ở EPL để đua top 4 (mục tiêu hàng năm) Giải pháp: - Tăng cường lực lượng để rút ngắn khoảng cách với Barca, Real, Bayern (cầu thủ + HLV) - Nghiêm túc nhìn nhận mối đe dọa từ Serie A để có thái độ tôn trọng hơn với cúp châu Âu, nhất là các đội tham gia EL để đặt lợi ích của cả EPL lên chứ không chỉ là lợi ích của riêng đội mình - Tích lũy điểm số ở giải quốc nội cũng như vòng bảng UCL từ sớm để có thể "sảy chân" khi giai đoạn căng thẳng đến

Nhà báo Phạm Tấn: Bạn rất am hiểu bóng đá châu Âu. Tôi chỉ tranh luận một vài điểm: Thứ nhất, điểm thưởng để xếp hạng giải đấu từ các kết quả ở Champions League khác Europa League. Chẳng hạn, khi có mặt ở vòng bảng rồi khi lọt vào vòng 1/16 của Champions League đã được thưởng mỗi lần bốn điểm rồi. Europa League không có điều đó. Bundesliga có thể vượt mặt Ngoại hạng Anh rất sớm bởi khoảng cách điểm lúc này chỉ là khoảng 1,8. Đức vẫn còn hai đại diện ở châu Âu trong khi cả bảy CLB Anh đều bị loại. Thứ hai, khoảng cách ở Europa League của các CLB Tây Ban Nha, Đức, Italy tạo ra so với các CLB Anh còn lớn hơn ở Champions League, bởi ở phân khúc này, tiền đầu tư đội hình của bóng đá Anh không có sự khác biệt lớn. Việc dựa nhiều vào các cầu thủ bản địa lại đánh trúng điểm yếu trí mạng của bóng đá Anh là chất lượng cầu thủ nội không cao. Thứ ba, các CLB trung bình khá ở Anh không buông Europa League để dành sức cho Ngoại hạng Anh, vì tiền thưởng cho đội vô địch tính từ đầu giải cũng cả chục triệu Euro. Rồi tiền bán vé nữa. Nhưng quan trọng hơn cả là nó tạo nên danh tiếngcho CLB, mang lại doanh thu từ quảng cáo, tài trợ.

Bóng đá Anh có thể chờ đợi mùa sau sẽ khá hơn khi Man United trở lại cùng với một HLV van Gaal có nhiều kinh nghiệm ở châu Âu, Chelsea có thể tăng cường lực lượng,còn Man City có thể đầu tư mạnh và có một HLV mới đẳng cấp thực sự. Man City có thể học từ chính Chelsea, phải mất một thời gian dài "học việc" ở châu Âu trước khi có thể vươn tới những thành công ở giải đấu này.

Phạm Tấn
Thể thao & Văn hóa

Cùng chuyên mục
Xem theo ngày
Đọc thêm